Hội điện ảnh Ateliers Varan Vietnam đưa đời thực lên màn ảnh

Đăng ngày: 21/04/2023

Đất đai thuộc về ai ? (Đoàn Hồng Lê, 2009), Ở phường Thành Công có làng Thành Công (Phan Thị Vàng Anh, 2004), Trăng trên lò gạch (Lê Thu Minh, 2020), khán giả Pháp tại hội trường Thư viện đại học các ngôn ngữ và văn minh BULAC lần lượt sống chung với những lo toan, bất bình của nông dân ở một xã tỉnh Quảng Nam phải bán đất để xây đại dự án du lịch xa hoa, chuyện cái loa phường hỏng ở Hà Nội hay số phận của lò gạch cuối cùng ở Mang Thít, đồng bằng sông Cửu Long.

\"\"
\"\"
Từ trái sang phải : Bà Nguyễn Thị Hải, phụ trách phông tiếng Việt, thư viện đại học các ngôn ngữ và văn minh BULAC, nhà làm phim, đạo diễn Đoàn Hồng Lê, nhà làm phim Sylvie Gadmer, đồng sáng lập Ateliers Varan Vietnam, giảng viên Yves de Peretti, nhà làm phim-đạo diễn Trần Phương Thảo, phụ trách Ateliers Varan Vietnam và giảng viên trường Cao học Thực hành – EPHE Pascal Bourdeaux trong buổi thảo luận tại BULAC nhân Liên hoan Điện ảnh hiện thực, ngày 29/03/2023. © RFI / Thu Hằng

Ba tác phẩm điện ảnh phản ánh cuộc sống của người dân ở ba miền Việt Nam được giới thiệu trong chương trình “Khi phim tài liệu kể chuyện một đất nước” trong khuôn khổ Liên hoan Điện ảnh hiện thực Quốc tế tại Paris (Cinéma du réel). Tất cả các nhà làm phim có điểm chung là đều theo học hoặc được hướng dẫn bởi Ateliers Varan Vietnam (Xưởng làm phim Varan).

RFI Tiếng Việt đã gặp gỡ, phỏng vấn ba thành viên của hội, bà Sylvie Gadmer, nhà dựng phim đồng sáng lập Ateliers Varan Vietnam, đạo diễn Trần Phương Thảo hiện hướng dẫn và sản xuất phim của các nhà làm phim trẻ của hội Varan Vietnam và nhà làm phim, đạo diễn Đoàn Hồng Lê.


RFI : Câu hỏi đầu tiên xin dành cho nhà làm phim Sylvie Gadmer. Bà là nhà đồng sáng lập Ateliers Varan Vietnam, tại sao Việt Nam nằm trong mạng lưới ?

Bà Sylvie Gadmer : Ateliers Varan là một trường điện ảnh tài liệu, có trụ sở ở Paris, chủ yếu dựa vào thực hành. Trường không hề giống những trường khác vì không có giáo viên, không có lớp học hay giáo án. Sinh viên bắt đầu ngày học đầu tiên với máy quay trên tay và một cây gậy để thu âm trực tiếp.

Còn tại sao lại là Việt Nam ? Bởi vì tôi mang dòng máu Việt. Trong một chuyến công tác Cam Bốt năm 1995, tôi may mắn biết đến Ateliers Varan qua một xưởng làm phim do Rithy Panh và Leonardo di Costanzo phụ trách. Lúc đó, Cam Bốt đang chuyển mình, tôi không đi sâu vào chi tiết, nhưng đó là thời điểm mấu chốt, một bước ngoặt trong lịch sử của Cam Bốt. Trong những năm 1990, Việt Nam cũng như nhiều nước khác bắt đầu mở cửa. Cộng đồng người Việt ở Paris thấy là tình hình biến chuyển. Cá nhân tôi đến Việt Nam năm 1993 để gặp gia đình. Tôi thấy mọi thứ chuyển mình, cởi mở, thêm vào đó là mong muốn được bày tỏ, được khám phá.

Trong Ateliers Varan, ý tưởng phát triển một xưởng làm phim ở Việt Nam từng bước được hình thành. Dự án mất rất nhiều năm vì một xưởng làm phim không giống như làm một bộ phim, vì cần đến kinh phí, dụng cụ, thiết bị quay phim để sau đó còn để lại cho các sinh viên Việt Nam giúp họ có thể tiếp tục sau khóa học đầu tiên. Công việc này mất vài năm. Và đến năm 2004, nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt ở Paris, chúng tôi nắm bắt tình hình. Tiếp theo là nhờ Xưởng Phim tài liệu Trung ương ở Hà Nội nơi chúng tôi đã gặp các giám đốc, những con người nhiệt huyết muốn tiếp cận loại hình điện ảnh này ở Việt Nam lúc bấy giờ.

RFI : Khóa học đầu tiên được tổ chức vào năm 2004 và liên tục cho đến nay. Học viên, sinh viên được tuyển chọn, đào tạo hoặc hướng dẫn như thế nào ?

Bà Sylvie Gadmer : Ý tưởng của điện ảnh thực tế là thu thập một ký ức được trải nghiệm, tiếp nhận những câu chuyện có thật, bắt đầu từ những câu chuyện cá nhân. Điện ảnh thực tế là cố gắng truyền tải, là điện ảnh dựa trên mối quan hệ giữa nhân vật được quay và người quay phim. Vì thế, con người càng chìm đắm trong chủ đề của họ thì càng có được sự gắn kết trong phim và càng làm chủ đề được lan tỏa hơn.

Đối tác Việt Nam đầu tiên mà chúng tôi làm việc chung là Xưởng phim tài liệu và Khoa học Trung ương ở Hà Nội nên dĩ nhiên phần lớn thực tập sinh là từ xưởng này. Nhưng không chỉ có thế, bởi vì nhìn từ quan điểm đào tạo, điều quan trọng là có được một nhóm đa dạng được nuôi nấng từ nội bộ, cho nên còn có một nhà văn, một nghệ sĩ tạo hình. Tôi không nhớ chính xác vì cách đây cũng đã gần 20 năm. Nhưng dù sao, điều quan trọng là có những con người đến từ những chân trời khác nhau, dù là đa số đến từ xưởng phim tài liệu.

RFI : Ateliers Varan nhấn mạnh đến điện ảnh hiện thực và âm thanh trực tiếp. Thể loại này khác với phim tài liệu như thế nào ?

Bà Sylvie Gadmer : Thực ra không có sự khác biệt. Âm thanh trực tiếp chính là âm thanh mà chúng ta nghe thấy vào lúc này. Có nghĩa là chị để cho tôi nói, trong trường hợp này, tôi là người được ghi hình. Chị nghe thấy tôi, nhìn thấy tôi và giọng của tôi được thu vào camera đang ghi hình tôi.

Ở Việt Nam, trong những năm 2000 thì không hẳn như vậy. Lúc đó, các phim tài liệu thường chủ yếu có lời bình, có nghĩa lời bình đi trước rồi đến hình ảnh. Văn bản phải được gửi đến một ủy ban xem xét trước đã, sau đó người ta chiếu hình ảnh để minh họa tài liệu đó.

Lợi ích của âm thanh trực tiếp là trả lại tiếng nói cho người đang được quay. Phim tài liệu thường sử dụng cách làm này vì là đi tìm gặp người khác. Nhưng cũng có nhiều phim tài liệu sáng tạo hoạt động theo kiểu khác, thường mang tính nghệ thuật và mỗi đạo diễn có ngôn từ riêng của họ.

RFI : Khóa học đầu tiên tại Việt Nam của Ateliers Varan được tổ chức vào năm 2004. Từ đó, có thể thấy cứ khoảng hai hoặc vài năm mới tổ chức một khóa. Thời gian và vấn đề tài chính có phải lý do chính không ?

Bà Sylvie Gadmer : Và cần cả năng lượng nữa, bởi vì làm một bộ phim tốn rất nhiều thời gian trong cuộc sống và công việc. Dĩ nhiên có nhiều người sản xuất mỗi năm một bộ phim tài liệu, nhưng chuyện đó khá hiếm bởi vì cần phải có thời gian để tìm tư liệu, lên ý tưởng cho bộ phim, suy nghĩ về nó, quay phim, dựng phim tài liệu. Toàn bộ quá trình đó thường mất 3-4 năm.

Tổ chức mỗi năm một khóa học cũng không thực sự có ý nghĩa bởi vì ý tưởng của chúng tôi không phải là cứ nối hết khóa học này sáng khóa học khác một cách máy móc mà phải có mong muốn, bởi vì Ateliers Varan đáp ứng một nguyện vọng chứ không thể áp đặt một khóa học như vậy được. Cần phải có thời gian chuẩn bị, lựa chọn thực tập sinh và thời gian để các nhà đào tạo lấy lại sức vì Ateliers Varan có phương châm làm việc, có từ thời giảng viên rất tận tâm André Van In, là đồng hành với các thực tập sinh sau cả khi hoàn thành khóa học, giúp họ làm thế nào triển khai bài học mà họ học được và đồng hành với mong muốn của các nhà làm phim trẻ trong dự án tương lai của họ. Do đó cũng cần có thời gian.

RFI : Đạo diễn Đoàn Hồng Lê, chị có rất nhiều bộ phim được chú ý, gần đây nhất là bộ phim tài liệu xúc động Người mẹ. Chị từng theo học và hiện tham gia giảng dạy tại Ateliers Varan Vietnam. Kinh nghiệm ở Ateliers Varan làm thay đổi như nào cách làm phim và làm việc của chị như thế nào ?

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê : Chỉ có thể nói ngắn gọn là tôi đã học cách để nhìn con người như họ vốn là. Tức là một con người luôn có trắng có đen, có tốt có xấu, và khi đến với một nhân vật, mình không tôn vinh họ mà cũng không phán xét họ mà mình chấp nhận họ với hai mặt bình thường như là con người vốn là. Đó là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai là học cách chấp nhận hiện thực cuộc sống cũng như nó vốn là. Tức là kể về hiện thực cuộc sống như đang diễn ra chứ không phải là mình thúc đẩy theo như cách trước đây mà các nhà làm phim của truyền hình thường hay làm.

RFI : Đạo diễn Trần Phương Thảo nổi tiếng với bộ phim tài liệu Đi tìm Phong. Hiện tại, chị là quản lý Ateliers Varan Vietnam. Dường như những năm gần đây, Ateliers Varan Vietnam tập trung vào một chủ đề cụ thể, mỗi chủ đề được lựa chọn như thế nào ?

Đạo diễn Trần Phương Thảo : Không có một chủ đề nào cố định cả, tại vì Ateliers Varan Vietnam có hai thể loại phim : phim của Trại sáng tác và phim trong khuôn khổ dự án cá nhân của một đạo diễn và chúng tôi sản xuất. Đây là hai thể loại khác nhau. Thường thì phim của Trại sáng tác, như trong Trại sáng tác đầu tiên, chủ đề hoàn toàn tự do tại vì học làm đạo diễn, đó là chia sẻ cái nhìn của mình, suy ngẫm của mình về xã hội, về con người. Cho nên, chủ đề đầu tiên bao giờ cũng là tự do.

Việc sản xuất phim tài liệu trên thế giới nói chung càng ngày càng khó khăn, cho nên khi chúng tôi có một cơ hội nào đấy hoặc nhận được một lời mời nào đấy thì tất nhiên sẽ nhận lời. Khi có lời mời của nhóm Varan Paris và của bộ Ngoại Giao Pháp trong một chương trình liên quan đến sự thay đổi của đồng bằng sông Cửu Long thì tất nhiên các đạo diễn thành viên của nhóm rất muốn thực hiện.

Rõ ràng Mêkong là một vùng sinh thái phong phú nhất nhì thế giới và cũng là vùng chịu nhiều ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới. Rõ ràng mình là một nhà làm phim tài liệu kể chuyện về sự thay đổi của đời sống xã hội tại đất nước mình thì với một cơ hội như thế, chúng tôi nhận lời.

Các chủ đề vẫn là do học viên tự do lựa chọn, còn chủ đề lớn chỉ là khuôn khổ thôi, thành thử ra không có thông điệp gì cả.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn ba nhà làm phim, đạo diễn của Ateliers Varan Vietnam Sylvie Gadmer, Trần Phương Thảo và Đoàn Hồng Lê.

Bài Liên Quan

Leave a Comment