Trước chuyến thăm Washington vào tuần tới, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol xác nhận nước ông sẽ vẫn bán cho Ba Lan hàng loạt vũ khí hạng nặng bằng những hợp đồng hàng tỷ USD.
Phát biểu này của ông được đưa ra ngày sau khi nhà lãnh đạo Hàn Quốc bày tỏ ý định gửi vũ khí trực tiếp cho Ukraine nếu Nga tấn công diện rộng vào thường dân Ukraine, theo ABC News hôm 20/03.
Hôm 19/04, trả lời phỏng vấn với hãng tin Reuters, ông Yoon Suk Yeol nói nếu Nga gây ra thảm sát, hoặc vi phạm nghiêm trọng luật về chiến tranh, thì Hàn Quốc không thể chỉ dừng lại ở viện trợ nhân đạo cho Ukraine, mà sẵn sàng gửi viện trợ quân sự gồm vũ khí sát thương.
Phía Nga đã lên tiếng phê phán \”ý tưởng\” này của Hàn Quốc.
Jean Mackenzie, phóng viên BBC News tại Seoul cho hay một tài liệu rò rỉ gần đây cho thấy Hoa Kỳ gây sức ép để Hàn Quốc viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine.
Ông Yoon Suk Yeol sang Hoa Kỳ tới đây là để hội đàm với Tổng thống Joe Biden và kỷ niệm 70 năm quan hệ hai nước.
Lãnh đạo Mỹ gọi đây là mối bang giao \”vững như thép\” (iron-clad).
Quân đội Hoa Kỳ tham chiến ở Bán đảo Triều Tiên trong thập niên 1950 để cứu Hàn Quốc khỏi cuộc xâm lăng của quân đội cộng sản miền Bắc.
Kể từ sau ngày đình chiến năm 1953, Hoa Kỳ vẫn đóng quân tại Hàn Quốc.
Hợp tác Đông Âu- Bắc Á
Nếu như quan hệ quân sự với Hoa Kỳ khiến Hàn Quốc trở thành một quốc gia chủ chốt trong liên minh của Washington tại châu Á thì những bước tiến ngoại giao, quân sự của Ba Lan với Mỹ khiến Ba Lan đóng vai trò tương tự ở Đông Âu.
Các hợp đồng rất lớn của Hàn Quốc cho ngành quân khí, quốc phòng Ba Lan đã và đang làm thay đổi cục diện quân sự ở Đông Âu.
Cuối 2022, Ba Lan nhận 180 xe tăng K2 Black Panther (Báo đen) do tập đoàn Hyundai Rotem sản xuất trong giai đoạn đầu của hợp tác quốc phòng với Hàn Quốc.
Lễ đón xe tăng và lựu pháo chuyển bằng đường biển tới cảng Gdynia hôm 06/12/2022 được chính tổng thống Ba Lan, Andrzej Duda tham dự.
Sau đó, Ba Lan dự kiến sẽ nhận tới 800 xe tăng phiên bản mới của dòng xe này, và cùng Hàn Quốc mở dây chuyền sản xuất xe tăng K2PL vào năm 2026.
Là nước thành viên Nato thuộc nhóm \’Sườn phía Đông\’, có biên giới trên biển với Nga, trên bộ với Nga và Belarus, Ba Lan có chính sách khác với những quốc gia Nato phía Tây về tăng cường năng lực phòng thủ trên bộ- bằng xe tăng, bọc thép, và trên không, bằng pháo, hỏa tiễn.
Hợp tác với Hà Quốc gồm hai giai đoạn: mua và chuyển giao công nghệ để tự sản xuất sẽ đem lại cho Warsaw thêm 48 khẩu pháo tự hành K9 trong năm 2023, tăng thêm 600 khẩu vào năm 2024. Sau đó, từ 2026, Ba Lan sẽ sản xuất dòng pháo tự hành này theo giấy phép của Hàn Quốc.
Các báo Ba Lan cho hay chương trình hiện đại hóa pháo binh, thiết giáp của nước này mà Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng, có chi phí lên tới nhiều tỷ USD.
Chỉ riêng các hợp đồng ký với Hàn Quốc đã lên tới 12 tỷ USD để hợp tác chế tạo hoặc đặt mua nhiều xe tăng, phi cơ chiến đấu, pháo tự hành và súng cối.
Bộ binh và thiết giáp, pháo binh \”mạnh nhất châu Âu\”
Theo trang Politico, Ba Lan đặt mục tiêu tăng số quân lên 300 nghìn, trên tổng dân số 40 triệu, so với Đức hiện có khoảng 180 nghìn trên 83 triệu dân.
Học thuyết quốc phòng của Ba Lan lấy bộ binh làm nòng cốt vì nước này chỉ có lãnh hải hẹp, phía Nam của Biển Baltic, nhưng gần như cả nước là đồng bằng.
Warsaw muốn có quân đội \”mạnh nhất châu Âu\” và đang tăng cường không quân, thiết giáp, pháo binh, các loại hỏa tiễn bắn chặn để bảo vệ lãnh thổ và hỗ trợ cho láng giềng Ukraine, hiện không (hoặc chưa) thuộc Nato.
Cùng trong Nato nhưng ngoài Ba Lan, Mỹ và Hy Lạp thì các thành viên khác đang chật vật chi 2% hoặc 2,4% GDP cho quân sự.
Cuộc chiến ở Ukraine tạo động lực cho Ba Lan tăng cường quân bị, bỏ dần các vũ khí thời Khối Hiệp ước Warsaw và mở rộng các quan hệ quốc phòng, quân khí xa, gần.
Năm 2022, Warsaw ký hợp đồng trị giá 23 tỷ zloly (4,9 tỷ euro) mua 250 xe tăng Abrams từ Hoa Kỳ, để thay thế cho 240 tăng thời Liên Xô nay gửi tặng Ukraine.
Ba Lan đã đặt mua F-16 của Mỹ cho không quân và đến năm 2020 làm châu Âu sửng sốt với hợp đồng 4,6 tỷ USD mua 32 chiếc F-35.
Với quan điểm xuyên suốt là không quá tin vào các đồng minh \’gần nhà\’ như Pháp, Đức, Ba Lan tìm đến Hàn Quốc để mở rộng phạm vi cung cấp vũ khí.