Bất đồng trong Liên Hiệp Châu Âu về mua chung đạn để cấp cho Ukraina

Đăng ngày: 24/04/2023

\"\"
\"\"
This photograph on April 4, 2023, shows shells at the workshop of the \”Forges de Tarbes\” which produces 155mm shells, the munition for French Caesar artillery guns in use by the Ukrainian armed forces, in Tarbes, southwestern France AFP – LIONEL BONAVENTURE

Thanh Phương

Hôm thứ Sáu tuần trước, 21/04/2023, lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrel đã phải lên tiếng: Liên Âu “sẽ thực hiện đúng các cam kết” về cung cấp đạn dược cho Ukraina. Tuyên bố được đưa ra nhằm trấn an Kiev, hiện đang rất lo ngại khi thấy có bất đồng giữa Pháp và các nước đối tác về việc đặt mua chung đạn dược để viện trợ cho Ukraina.

Trong cuộc chiến với Nga, mà nay đã trở thành một cuộc chiến tranh nhằm làm hao mòn đối phương, quân đội Ukraina đang rất cần các đạn pháo, đặc biệt là đạn 155 ly. Nhưng lực lượng của Kiev lại sử dụng các loại đạn này với nhịp độ nhanh hơn là khả năng sản xuất của các đồng minh phương Tây. 

Trước tình hình đó, vào tháng 3 vừa qua, Liên Hiệp Châu Âu đã đồng ý về một ngân sách 1 tỷ euro để bồi hoàn của những nước nào cung cấp cho Ukraina đạn dược lấy từ các kho dự trữ hiện có của họ, và một ngân sách một tỷ euro khác để đặt mua chung đạn dược từ các công ty quốc phòng châu Âu trước ngày 30/09. Nhất cử lưỡng tiện: Mục tiêu của thỏa thuận về ngắn hạn là để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của quân đội Ukraina về đạn pháo và về dài hạn là nhằm hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu. 

Nhưng cho đến nay, vế thứ hai của thỏa thuận vẫn chưa được thi hành, vì vấn đề đặt mua chung đang gây nhiều bất đồng trong các cuộc thương lượng đang diễn ra ở Bruxelles. Thỏa thuận đạt được vào tháng 3 có ghi rõ là phải đặt mua đạn dược với ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu. Pháp có một cách diễn giải rất hạn hẹp về điều khoản này, cho nên Paris dứt khoát từ chối thanh toán cho những công ty nào không phải là của một nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, hoặc không đặt cơ sở tại Liên Hiệp Châu Âu. Đây cũng là lập trường của một số thành viên như Hy Lạp hay Chypre.

Thế nhưng, các thành viên khác trong Liên Âu, như Ba Lan và các nước vùng Baltic sợ rằng cứ theo cách diễn giải cứng nhắc như vậy thì đạn sẽ không thể được cung cấp kịp thời cho Ukraina. Các nước này chủ trương là không thể cứ khăng khăng loại trừ các đối tác của châu Âu sản xuất vũ khí ở Úc, Hàn Quốc, Nam Phi hay Thụy Sĩ. 

Nhà sản xuất đạn lớn nhất châu Âu, tập đoàn Đức Rheinmetall có một nhà máy ở Úc và cũng muốn được nhận tiền thanh toán của Liên Hiệp Châu Âu cho số đạn được sản xuất từ nhà máy này. Các nước khác như Hà Lan và Ba Lan cũng rất bất bình về lập trường cứng nhắc của Pháp, vì họ không tin là ngành công nghiệp quốc phòng của Liên Âu có đủ khả năng sản xuất đủ đạn được trong một thời gian ngắn. 

Bất đồng giữa các nước Liên Âu khiến chính quyền Kiev lo ngại. Trên mạng Twitter, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba đã viết: “ Đây là một cuộc trắc nghiệm xem Liên Hiệp Châu Âu có một sự tự chủ chiến lược để lấy những quyết định quan trọng về an ninh hay không. Đối với Ukraina, cái giá phải trả cho sự thiếu hành động này sẽ là những sinh mạng”.

Vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc họp giữa các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu tại Luxembourg hôm nay, với sự tham dự qua video của ngoại trưởng Ukraina. Theo hãng tin AFP, một công chức cao cấp của Liên Hiệp Châu Âu đã bảo đảm là các nước thành viên rồi cũng sẽ đạt được thỏa thuận về việc đặt mua chung và đạn sẽ được cung cấp kịp thời cho Ukraina.

Bài Liên Quan

Leave a Comment