Đăng ngày: 24/04/2023
Theo một báo cáo của Viện Quốc tế Nghiên cứu về Hòa bình Stockholm (SIPRI), chi tiêu quân sự ở châu Âu trong năm 2022 đã lên đến mức cao nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh.
Theo báo cáo này, tính trên toàn thế giới, chi tiêu cho quốc phòng vào năm ngoái đã lên đến mức kỷ lục 2.240 tỷ đôla, chiếm 2,2% tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu. Đây là năm thứ tám liên tiếp mà số tiền đầu tư cho các quân đội tăng thêm trên toàn thế giới.
Một trong các đồng tác giả của báo cáo, nhà nghiên cứu Nan Tian, nói với hãng tin AFP: “Ngân sách quốc phòng của các nước tăng cao không chỉ là do chiến tranh Ukraina, khiến châu Âu chi tiêu nhiều hơn cho quân sự, mà còn do các căng thẳng không được giải quyết và tiếp tục gia tăng ở khu vực Đông Á, giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là Hoa Kỳ và các đồng minh châu Á”.
Theo báo cáo của SIPRI, năm ngoái, đánh dấu bằng việc Nga xâm lược Ukraina, chi tiêu quân sự của châu Âu đã tăng đến 13%. Đây là mức tăng cao nhất từ hơn 30 năm qua, trở lại bằng với mức của năm 1989, năm mà bức tường Berlin sụp đổ.
Riêng Ukraina đã tăng gấp 7 lần chi tiêu quốc phòng, lên đến 44 tỷ đôla, tức là một phần ba GDP của nước này, chưa kể hàng chục tỷ đôla viện trợ vũ khí của phương Tây. Cũng theo thẩm định của SIPRI, chi tiêu quân sự của Nga đã tăng 9,2% năm ngoái. Nhà nghiên cứu Nan Tian, một trong các đồng tác giả của báo cáo, nhấn mạnh, cho dù không tính đến hai nước đang có chiến tranh, chi tiêu quân sự của châu Âu cũng đã tăng đáng kể. Ông dự báo xu hướng tăng với mức độ tương tự sẽ tiếp diễn ở châu Âu trong nhiều năm tới.
Năm ngoái, chỉ riêng Hoa Kỳ đã chiếm tới 39% chi tiêu quân sự toàn thế giới, đứng thứ hai là Trung Quốc (13%), cả hai vượt xa các nước tiếp theo là Nga (3,9%), Ấn Độ (3,6%), Ả Rập Xê Út (3,3%). Đứng thứ sáu là Anh Quốc (3,1%), kế đến là Đức (2,5%) và Pháp (2,4%).
Nói chung, theo nhà nghiên cứu của SIPRI, sau khi giảm đáng kể trong thập niên 1990, chi tiêu cho quốc phòng trên toàn thế giới đã tăng trở lại kể từ thập niên 2000.