April 23, 2023
“Nga truy lùng những người chống đối Putin ở khắp mọi nơi. Việt Nam có rất nhiều đặc vụ FSB (Tổng cục An ninh Liên bang Nga) và cảnh sát Nga đến du lịch. Họ luôn theo dõi kiều dân qua các mạng xã hội ở Việt Nam,” một người Nga đang tạm trú ở Việt Nam cho hay.
Một ngày dài của Dmitriy thường kết thúc bằng cuộc gọi video lúc nửa đêm tới sáng. Việc này đã trở thành thông lệ hàng ngày của anh từ mấy tháng nay và có lẽ là nguồn an ủi duy nhất cho anh trong lúc này. Bên kia đường truyền là vợ anh. Họ cách nhau gần 8.000 kilômét và bốn múi giờ.
Họ hạnh phúc được nhìn thấy nhau và trò chuyện với nhau, nhưng chẳng ai biết đến bao giờ có thể gặp lại nhau lần nữa. Bao nhiêu ngày xa cách là bấy nhiêu thương nhớ, và bao nhiêu câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời. Khi họ đối diện nhau cũng là lúc họ đối diện những hiện thực mà họ buộc phải chấp nhận. Chấp nhận để sinh tồn.
Anh ở Việt Nam, vợ anh ở Nga, và ở giữa họ là một cuộc chiến tàn khốc.
Dmitriy, đến từ một thành phố lớn của Nga, rời bỏ đất nước để tránh lệnh huy động quân sự một phần được ban bố vào tháng 9 năm ngoái nhằm bổ sung lính cho cuộc xâm lược toàn diện mà Tổng thống Vladimir Putin đang tiến hành nhắm vào nước láng giềng Ukraine. Anh nói anh không muốn “thí mạng” cho điều được gọi “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà anh cực lực phản đối.
Dmitriy, cũng như những công dân Nga khác ở Việt Nam, kể về trải nghiệm sống ở một nước Nga ngày càng áp chế và bất khoan dung đối với những tiếng nói phản chiến, cũng như về nỗi sợ hãi khi nương náu ở một quốc gia sẵn sàng trấn áp và trục xuất theo yêu cầu của Moscow những người có hành vi bị xem là không mong muốn.
Những người này hiện đang cư trú ở Nha Trang và một số nơi khác. Gần như tất cả đều yêu cầu được ẩn danh để tránh bị nhà chức trách Việt-Nga nhắm mục tiêu trả đũa.
Lời kể của họ vẽ nên một bức tranh nước Nga ảm đạm và ngột ngạt cho những người bất đồng chính kiến và một tương lai phủ mờ bởi sự vô định và thậm chí bế tắc cho một số người. Dù không hoàn toàn an toàn, Việt Nam cho họ một nơi dung thân tạm thời và một cơ hội để mưu sinh trong khi họ trù tính những bước đi kế tiếp trên hành trình tị nạn của mình.
Khi chiến tranh bùng nổ vào ngày 24 tháng 2 năm ngoái, Dmitriy nói anh bị “sốc nặng” và không thể ăn hay ngủ được trong tháng đầu tiên. Khi anh bày tỏ sự phản đối của mình đối với hành động của Nga và sự cảm thông dành cho người dân Ukraine trên mạng xã hội, anh nhận được những tin nhắn gọi anh là “kẻ phản bội,” anh nói.
Đối mặt với sự kháng cự kiên cường của người Ukraine, cuộc chiến mà ông Putin tưởng sẽ giành chiến thắng chớp nhoáng vấp phải hàng loạt những chướng ngại trên chiến trường trong những tháng sau đó. Ông ban hành sắc lệnh huy động một phần để tiếp thêm nhân lực cho quân đội đối mặt với sĩ khí suy giảm. Kết quả là hàng trăm ngàn công dân nam được gọi nhập ngũ.
Cuộc huy động chính thức hoàn tất vào cuối tháng 10 nhưng nhà chức trách vẫn tiếp tục trưng binh, Dmitriy nói. Đó là lúc anh quyết định rời khỏi Nga để bảo toàn tính mạng. Vợ anh ở lại tiếp tục làm việc để duy trì nguồn thu nhập và hỗ trợ anh trong những lúc anh chật vật mưu sinh ở nước ngoài.
Giờ anh làm việc 12 tiếng mỗi ngày, không nghỉ ngày nào, cốt sao kiếm được càng nhiều tiền càng tốt trong khoảng thời gian ngắn nhất để có thể mau chóng rời Việt Nam, nơi mà anh biết đã hợp tác với yêu cầu của Nga trục xuất hoặc ép một số công dân Nga phản đối cuộc chiến phải xuất cảnh.
“Nga truy lùng những người chống đối Putin ở khắp mọi nơi,” anh nói “Việt Nam có rất nhiều đặc vụ FSB (Tổng cục An ninh Liên bang Nga) và cảnh sát Nga đến du lịch. Họ luôn theo dõi kiều dân qua các mạng xã hội ở Việt Nam.”
“Dân Nga ở địa phương sợ lên tiếng về chính trị vì rắc rối có thể xảy ra. Nhà chức trách sẽ hủy visa hoặc tìm một cái cớ để bắt họ không được ở đây nữa,” anh nói thêm.
(Theo VOA)