Dương Thu Hương nói gì về ngày 30/4/1975?

April 23, 2023

\"\"
Nhà văn Trần Đĩnh và Dương Thu Hương

“Tôi khóc ngày 30 tháng Tư 1975 vì thấy nền văn minh đã thua chế độ man rợ,” phát ngôn của nhà văn Dương Thu Hương được nhiều người nhớ đến mỗi khi gần đến ngày kỷ niệm Tháng Tư Đen.

Hồi năm 2011, bà Dương Thu Hương, lúc này đã tỵ nạn cộng sản ở Pháp, cho hay: “Trong đời tôi có hai lần khóc.

Lần thứ nhất khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn năm 1975, trong khi tất cả mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bày trong các hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy rẫy các phương tiện thông tin như TV, radio, cassette.

Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là những giấc mơ. Đừng quên rằng, ở miền Bắc, tất cả mọi báo đài, sách vở đều do nhà nước quản lý. Dân chúng chỉ được nghe đài Hà Nội mà thôi; và chỉ có những cán bộ được tin tưởng lắm mới được nghe đài Sơn Mao, tức là đài phát thanh Trung Quốc. Còn toàn bộ dân chúng chỉ được nghe loa phóng thanh tập thể; có nghĩa là chỉ được nghe một tiếng nói.

\"\"
Đô thị Sài Gòn vĩnh viễn mất đi sự văn minh, lịch lãm từ ngày quân cộng sản chiếm được

Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ, nếu người ta muốn. Đó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Đó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Đó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải.

Lần thứ hai tôi khóc là năm 1984 khi tôi đến Moscow. Tất cả những người Việt Nam khác đến đấy đều hớn hở, sung sướng. Riêng tôi thì nhục nhã không thể tả được. Vì khi ở trong nước, tôi vẫn có ấn tượng dân tộc mình là dân tộc anh hùng và là một dân tộc cũng có được một cuộc sống xứng đáng. Nhưng khi đến Moscow trong một phái đoàn điện ảnh trẻ thì tôi mới nhìn thấy ra rằng, người Việt Nam bị khinh bỉ.

Người Việt Nam đầu đen chỉ xếp hàng trong các đội quân dài dặc các bà già Nga bụng to để mua nồi áp xuất, bàn là điện nhằm gởi về nước. Những người bán hàng họ mắng cho như là mắng khỉ ấy. Họ mắng cũng đúng vì người mình khuân hàng đống nồi, hàng đống sản phẩm của người ta để tuồn về nước. Khi đứng ở khách sạn Peking nhìn xuống đường, tôi thấy những đoàn đại biểu Việt Nam trong những bộ quần áo comple gớm giếc trông như những đàn bò đi trong thành phố.

Tôi hoàn toàn vỡ mộng và tôi khóc. Một nhà văn Nga mắng tôi. Anh ta bảo rằng, “người ta đi Nga người ta sung sướng, còn bà thì tại sao bà lại khóc như cha chết vậy. Sao lại vớ vẩn thế?”. Anh ta không biết nỗi đau đớn của tôi khi thấy thân phận của người Việt Nam.

\"\"
Bà Dương Thu Hương từng đi tù bảy tháng vì chỉ trích đảng

Ngày 30 tháng Tư năm 1975 đã là một ngã rẽ trong đời tôi. Đúng ra, ngã rẽ này đã bắt đầu từ năm 1969 khi lần đầu tiên tôi gặp những toán tù binh người miền Nam ở Quảng Bình. Lúc đó tôi làm công tác ở các binh trạm và những tù binh lần đầu tiên tôi gặp không phải là người Mỹ mà chính là người Việt Nam, cũng đầu đen mắt đen, cũng lùn và da vàng mũi tẹt như tôi, và nói tiếng Việt Nam như tôi.

Cho nên tôi mới hồ nghi rằng tất cả những điều người ta nói đây là cuộc chiến tranh chống quân xâm lược thì đó là láo toét. Tuy nhiên vì lúc đó là chiến tranh và tất cả đều lao vào một guồng máy và bị cỗ xe khổng lồ nó cuốn đi. Cho đến năm 75, với thời gian, tất cả mọi ngờ vực trong tôi đã chín muồi. Năm 1975, tôi hiểu rằng đây là thời điểm quyết định và là ngã rẽ dứt khoát trong tư tưởng của mình.

Tôi tin số phận theo kiểu của tôi và hiểu số phận theo kiểu một người nhà quê chân đất mắt toét. Đại loại như vậy. Còn để diễn giải hai chữ số phận trong cuộc phỏng vấn ngắn ngủi này thì đó là điều bất khả.

Tôi nói ví dụ, chúng ta không phải hoàn toàn là những kẻ bất lực nhưng chúng ta cũng không hoàn toàn là những kẻ làm chủ được số phận của mình. Ví dụ như khi tôi ở trong tù hồi năm 1991, tôi nghĩ không bao giờ có ngày mình ra khỏi tù.

Nhưng rồi tôi lại thoát nhờ sự can thiệp của những người mà tôi chưa bao giờ biết. Như vậy rõ ràng là có bàn tay của Chúa, nói theo người  theo đạo Thiên Chúa, và có bàn tay của Giời Phật, nói theo người dân miền Nam. Đấy là điều khiến tôi tin vào số phận.

(Theo Việt Tide)

Bài Liên Quan

Leave a Comment