April 25, 2023
Ý kiến nói gần nửa thế kỷ sau cuộc chiến trong một nước Việt mà bất kỳ ai nói, thúc đẩy cho các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền đều bị xem “phản động” là tàn dư của “dân chủ ba que”.
Một người Việt lưu vong đang rất nổi tiếng trên văn đàn tiếng Việt và thế giới trong tuần qua với việc đạt giải Cino Del Duca năm 2023. Đó là nhà văn Dương Thu Hương, đang phải sống tỵ nạn tại Pháp.
Đây là giải thưởng về văn học rất cao quý ở châu Âu mà trang Actualite ở Pháp nói là với tiền thưởng “chỉ sau giải Nobel Văn học”.
Chính quyền VN thì vẫn tìm cách xóa Dương Thu Hương trước mắt người Việt. Không một tờ báo trong nước được phép hoặc dám đưa tin về một người Việt đạt giải Cino Del Duca để có thể tự hào với nhau.
Sách của nhà văn Dương Thu Hương vẫn bị cấm ở Việt Nam dù nó được viết bằng tiếng Việt.
Bởi với cách viết không kiêng nể, ‘kỵ húy’ chế độ, nhà văn Dương Thu Hương bị chế độ bỏ tù và trục xuất khỏi tổ quốc gần 30 năm chưa được phép trở lại cố hương.
Có nhiều tên gọi cho cuộc chiến 1954 – 1975 tại Việt Nam tùy theo cách nhìn của mỗi bên. Tiếng súng đã im, mấy thế hệ đã ra đời, lớn lên nhưng sự phân cực ý thức hệ độc tài với các giá trị phổ quát của con người không ngừng được khoét sâu nhằm đề cao chiến thắng và hạ nhục đối phương.
Để gần nửa thế kỷ sau cuộc chiến trong một nước Việt mà bất kỳ ai nói, thúc đẩy cho các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền đều bị xem “phản động” là tàn dư của “dân chủ ba que”. Ai không rõ cứ mở các trang Facebook lên là thấy ngôn từ hận thù công kích.
Dịp Tết Quý Mão, tôi về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình, thăm người thân, gặp bạn hữu… trực tiếp thấy sự phát triển về kinh tế của Việt Nam tôi thật vui, nhưng cũng nhìn thấy chính trị ở quê nhà vẫn còn rất nặng nề. Tôi trở thành một nạn nhân khi bị bạn bè chụp mũ “phản động”.
Trong một buổi gặp nhau của những người bạn thời học cấp hai đã kết thúc gần 30 năm trước, tôi đã bị nhiều đứa bạn tiếp xúc với đầy sự nghi ngại. Trái với sự háo hức, chờ đợi trong tôi, ngồi chưa được 5 phút tôi chứng kiến nhiều đứa được kéo ra ngoài trong vài phút lại trở vào với thái độ dè chừng.
Tôi được một đứa khuyên, “Thôi mi về đi Ánh, mấy đứa kia đang cảnh báo nhau, mi là phản động và không nên nói chuyện”.
Phải chăng tôi “phản động” vì những bài viết trên BBC, VOA… và trang cá nhân như một góc chia sẻ qua sự quan sát và trải nghiệm của bản thân?
Nhưng chuyện như thế chẳng phải lạ, nó xuất phát từ quan điểm chính thống. Chính quyền Việt Nam vẫn dùng chứng cứ ở các bài viết, trả lời phỏng vấn của các báo tiếng Việt ở hải ngoại để kết tội, bỏ tù công dân trong nước theo điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Không chỉ trong nước, mà nhiều người Việt tại Mỹ cũng phải tự kiểm duyệt mình để về được quê mẹ. Ngay cả bản thân tôi cũng nhận được không ít sự cảnh báo, ngưng viết một thời gian để đi Việt Nam được bình an.
Với ý thức hệ Bên thắng cuộc, từ “phản động” biến những người dân khác quan điểm với chính quyền trở thành tù nhân trong các vụ án giàn dựng và phiên tòa được đạo diễn. Chính quyền dùng tù nhân thành món hàng để trao đổi, mặc cả, tỏ thành ý với những vị khách VIP đến từ phương Tây.
Hồi giữa tháng tư này Việt Nam đã thả gia đình tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên được đi Mỹ ngay những giờ trước khi ông Antony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao của Hoa Kỳ đến Việt Nam.
Trước đó, tháng 10/2018, khi ông Jim Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Việt Nam, bloger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được thả.
Bốn năm trước khi blogger Mẹ Nâm đến Mỹ, blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) cũng được thả một ngày trước chuyến viếng thăm của ông Tom Malinowski, trợ lý ngoại trưởng phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động đến Việt Nam…
Tiếng súng đã ngưng gần nửa thế kỷ nhưng cuộc chiến ý thức hệ vẫn chưa có kết thúc với bên thắng cuộc. Chế độ trong nước vẫn buộc người dân ra đi trong tức tưởi vì khác quan điểm. Đất nước thống nhất để áp đặt ý thức hệ hơn là chấp nhận người Việt với nhau.
Võ Ngọc Ánh