Đăng ngày: 27/04/2023
Phải chăng sau Biển Đông, Bắc Kinh đang quân sự hóa Vịnh Bengale ? Le Figaro cho biết từ ba tuần qua, câu hỏi này ám ảnh các nhà phân tích và báo chí Ấn Độ
Phát súng khai mạc cuộc chạy đua vào Nhà Trắng
Ông Joe Biden loan báo tái tranh cử tổng thống Mỹ, Israel kỷ niệm 75 năm lập quốc trong tình trạng đất nước chia rẽ, các nước di tản công dân khỏi Sudan, vấn nạn di dân trên đảo Mayotte của Pháp là những chủ đề được đề cập nhiều nhất hôm nay.
Trước hết về nước Mỹ, trong bài xã luận « Tuổi tác của tổng thống », La Croix nhận thấy, chưa đầy hai năm sau vụ hỗn loạn ở đồi Capitol, Hoa Kỳ lại rơi vào cơn sốt bầu cử dưới cái nhìn đầy nghi ngại của các nước dân chủ trên toàn thế giới.
Ông Joe Biden đã khởi động cuộc chạy đua sẽ làm thế giới hồi hộp theo dõi suốt 18 tháng, vì không chỉ liên quan đến Hoa Kỳ. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đầy xáo trộn : sự lãnh đạo của phương Tây bị thách thức, Trung Quốc muốn vươn lên thay thế, những tuyên bố mị dân tràn ngập…Nhưng các tranh luận có thể xoay quanh một chủ đề rất thực tế, đó là tuổi tác của tổng thống mãn nhiệm.
Giới trẻ sẽ bỏ phiếu cho tổng thống già nhất lịch sử Mỹ ?
Nếu Biden mừng sinh nhật 86 tuổi ở Nhà Trắng, đây sẽ là điều chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ, và các đối thủ của ông sẽ tấn công ở góc độ này. Một trong những ứng cử viên Cộng Hòa đòi hỏi phải có xét nghiệm tâm thần đối với những người trên 75 tuổi, như vậy ông Donald Trump cũng bị nhắm đến. Đằng sau những cuộc tranh luận này, nổi lên một câu hỏi chính đáng: trong giai đoạn vô cùng khó khăn hiện nay, liệu nước Mỹ có thể bỏ qua sự đóng góp của một thế hệ lãnh đạo chính trị mới?
Trả lời phỏng vấn của Les Echos, Amy Porter, phát ngôn viên đảng Dân Chủ ở Pháp cho rằng « Giới trẻ sẽ giúp Biden tái đắc cử ». Theo bà Porter, lớp trẻ 18-30 tuổi muốn có một tổng thống « bình thường ». Từ nay đến 2024, sẽ có thêm 8 triệu người Mỹ đến tuổi đi bầu. Biden thắng Trump với 7 triệu phiếu, và lần này với những cử tri mới ông có thể gom được số phiếu nhiều hơn.
Libération cũng băn khoăn, quyết tâm nắm quyền lãnh đạo đại cường số một thế giới đến năm 86 tuổi phải chăng là một thách thức đầy rủi ro, thậm chí hão huyền mà đảng Dân Chủ sắp sửa trải qua cùng với ông Biden ?
Tình nguyện quân Pháp tại mặt trận Bakhmut
Liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraina, đặc phái viên Le Monde kể về « Những chiến binh Pháp trong binh đoàn chí nguyện quân qụốc tế ». Pierre, một tình nguyện quân khoảng 30 tuổi vừa dự đám tang của một đồng đội người Mỹ và đang chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới ở gần Bakhmut, nơi anh phục vụ từ hai tháng qua, tỏ ra thất vọng vì có rất ít người Pháp tham gia chiến đấu vì tự do cho Ukraina và cho châu Âu.
Là cựu viên chức, Pierre là một trong số rất ít tình nguyện quân người Pháp từng được huấn luyện trong lục quân, tuy nhiên chưa hề có kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Nhờ nói được tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh và Nga, Pierre chỉ huy đơn vị gồm những người nói tiếng Pháp và Tây Ban Nha. Anh cho biết nhiều người Pháp không nói được tiếng Anh nên đã bị từ chối cho tòng quân. Bên cạnh đó, văn hóa quân sự Ukraina cũng rất khác biệt. Mặc cho nguy hiểm thường trực, Pierre khẳng định « ở lại cho đến khi Ukraina chiến thắng ».
Looping (bí danh kháng chiến), 32 tuổi, vốn là doanh nhân giàu có và có bằng phi công, nay điều khiển drone tác chiến. Anh chuyên hộ tống những nhóm bắn tỉa Ukraina ra vào « vùng xám » ở Bakhmut, thường trong khoảng 48 tiếng đồng hồ. Looping cho rằng lẽ ra phương Tây nên làm một cú lớn sau khi phát hiện vụ thảm sát Bakhmut, thay vì viện trợ nhỏ giọt. Và nếu 200.000 người châu Âu tham gia đoàn chí nguyện quân, tình thế sẽ thay đổi.
Đối với Brandon Nicolas, 27 tuổi thì cuộc chiến đã kết thúc tuy rất muốn trả thù cho các đồng đội đã ngã xuống : anh bị thương nặng ở chân phải, đã giải phẫu 8 lần, và các bác sĩ không chắc anh còn đi được. Đêm 4 rạng 5 tháng 12/2022, quân Nga đột kích vào Kupiansk (thuộc Kharkiv), ba tình nguyện quân gồm hai người Ba Lan và một người Mỹ đã hy sinh – những người cùng vào sinh ra tử coi nhau như anh em ruột. Đã có ít nhất 10 người Pháp tử trận khi chiến đấu cho Ukraina kể từ đầu cuộc xâm lăng.
Công nghệ Mỹ trong chiến tranh Ukraina
Cũng về Ukraina, Les Echos cho biết sự hỗ trợ trong lãnh vực tin học và hậu cần của GAFA, bốn đại tập đoàn kỹ thuật số cho Kiev trong cuộc chiến chống xâm lược là vô cùng quý giá, và sẽ còn tiếp tục trong thời bình. Những đại tập đoàn công nghệ mới đây còn bị đe dọa chia nhỏ, đánh thuế nặng hơn, nay là các đồng minh thiết yếu. Thung lũng Silicon nhanh chóng chọn bên, giã từ sự trung lập chính trị.
Ngay từ ngày 24/02/2022, chính phủ Ukraina đã được báo động về các vụ tấn công tin học đầu tiên nhờ Microsoft cấp báo với Nhà Trắng, và đại sứ nước này ở Luân Đôn bèn gặp các nhà quản lý Amazon để xác định những dữ liệu quan trọng cần lưu trữ. Chính các « đám mây » (cloud) của Microsoft và Amazon nay đang giữ an toàn hồ sơ dân số, thuế…của Ukraina. Đến 26/02, tỉ phú Elon Musk cung cấp dịch vụ internet qua Starlink, nhờ đó lực lượng Ukraina có thể sử dụng các hệ thống kỹ thuật số, khai thác tin tình báo, phối hợp pháo kích…
Rất nhanh chóng, công nghệ Mỹ trở thành trung tâm : Google và một số công cụ khác đóng vai trò chủ chốt về định vị, Palantir giúp quân đội nắm được tình hình chiến thuật trong thời gian thực, trong khi YouTube, Facebook, Twitter…góp phần đấu tranh chống tin giả. Một sự ủng hộ đồng loạt và nhanh chóng như vậy không thể có được nếu không có những mối liên hệ trước đó. Từ nhiều năm qua, Ukraina đã nuôi tham vọng trở thành một « quốc gia kỹ thuật số » – như tổng thống Volodymyr Zelensky nói. Năm 2019, một kế hoạch số hóa toàn bộ nền kinh tế và xã hội, nhất là qua ứng dụng Diia, đã được lập ra.
Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ chuyển đổi kỹ thuật số Mykhailo Fedorov, nhân vật trẻ nhất trong chính phủ, nổi tiếng là giỏi tin học và là một chiến lược gia kiệt xuất về sử dụng công nghệ mới trong chiến tranh. Cùng với các tập đoàn công nghệ Mỹ, ông đã thực hiện việc « phong tỏa kỹ thuật số » nước Nga. Tháng 7/2022, Fedorov giới thiệu sáng kiến Digital4Freedom với mục tiêu đưa lãnh vực công nghệ chiếm 10 % GDP từ 2025. Công nghệ Mỹ sát cánh với Kiev đã giúp tăng năng lực kháng chiến lên bội phần, cứu được nhiều sinh mạng, và hy vọng sẽ góp phần vào chiến thắng của Ukraina.
Ba ảo tưởng của Pháp trong quan hệ với Nga
Trên trang Ý kiến Le Figaro, nhà nghiên cứu Bruno Tertrais của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược giới thiệu cuốn « Macron-Putin : Những mối liên hệ nguy hiểm » của nhà báo Isabelle Lasserre. Tác phẩm phân tích về ba ảo tưởng mà quan hệ Pháp-Nga đang dựa vào :mối liên kết tự nhiên, cường quốc thăng bằng và đối thoại bình đẳng.
Trước hết, liệu có giá trị chung nào khi, thay vì chống lại quân thánh chiến, Matxcơva lại bảo vệ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Syria, tung dân quân Chechnya vào Ukraina ? Một nước Nga bảo vệ các giá trị bảo thủ ? Nạn nghiện rượu, bạo hành gia đình…chứng minh ngược lại. Thứ hai, là ý nghĩ Pháp có thể đóng vai thế lực trung dung. Ngay cả tướng De Gaulle cũng không nhầm lẫn về bản chất của Liên Xô, biết chọn bên khi tình hình trầm trọng. Thứ ba, tuy Pháp là cường quốc nguyên tử, thành viên Hội Đồng Bảo An, nhưng Matxcơva và Bắc Kinh coi Paris như con ếch muốn to bằng con bò. Họ phỉnh phờ khi cần lợi dụng, nhưng những việc nghiêm túc thì bàn bạc với Washington.
Đài Loan : Châu Âu còn rất rụt rè
Nhìn sang châu Á, Le Monde nhận thấy « Đài Loan mong muốn Liên Hiệp Châu Âu cam kết nhiều hơn ». Trước tình hình căng thẳng với Bắc Kinh, đảo quốc hy vọng bên cạnh thương mại, còn có thể tăng cường quan hệ ngoại giao và an ninh với EU. Hiện có 16 nước châu Âu đặt « văn phòng » tại Đài Bắc do không có quan hệ ngoại giao chính thức. Với những khách đến thăm, Văn phòng Kinh tế Thương mại Châu Âu tặng quà là một túi xách nhỏ ghi dòng chữ đơn giản « EU in Taiwan ». Một nhà ngoại giao thổ lộ : « Chúng tôi không dám ghi chữ “Văn phòng” ».
Những năm gần đây, đã có 6 thành viên chính phủ Hoa Kỳ thăm Đài Loan, nhưng từ đầu thế kỷ 21 chỉ có duy nhất một bộ trưởng châu Âu đến, đó là bộ trưởng giáo dục Đức Bettina Stark-Watzinger. Một viên chức Đài Bắc cho rằng tất nhiên ban đầu Bắc Kinh sẽ phản đối, nhưng càng bình thường hóa những chuyến thăm thì Trung Quốc cũng bớt phản ứng.
Bán vũ khí cho Đài Loan, tại sao không ?
Liên Hiệp Châu Âu tuy là đối tác kinh tế thứ tư của đảo quốc, nhưng là nhà đầu tư lớn nhất, đứng trên Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đài Loan muốn ký một hiệp định tự do mậu dịch, hoặc nếu không thì một thỏa thuận đầu tư, nhưng bị EU từ chối. Về an ninh, Đài Bắc dự định hạ thủy chiếc tàu ngầm đầu tiên vào cuối năm. Anh quốc cung cấp những thiết bị quan trọng, nhưng EU thì không. Pháp từng bán chiến hạm và chiến đấu cơ Mirages 2000 cho Đài Loan, nay im lặng.
Nhà nghiên cứu Hứa Trí Tường (Jyh Shyang Sheu) nhận xét, Pháp là cửa ngõ vào thị trường vũ khí châu Âu, những chiếc Mirage sẽ lỗi thời trong 10 năm nữa, tại sao không thể mua Rafale ? Và nếu việc bán vũ khí và huấn luyện bị coi là nhạy cảm, vẫn có thể lập cơ chế trao đổi thông tin tình báo và công nghệ. Chuyên gia Lại Di Trung (I Chung Lai), chủ tịch Prospect Foundation cho rằng dù NATO và EU ở xa, nhưng trong trường hợp Đài Loan bị Trung Quốc phong tỏa, vẫn có thể cung cấp tin tức và giúp chống bóp méo thông tin.
Giảng viên Zsuzsa Anna Ferenczy của đại học Đông Hoa (Dong Hwa) ở Đài Bắc nhận thấy sau khủng hoảng Covid đã có những thay đổi nho nhỏ. Trong tuần lễ 17-24/04, đã có hai phái đoàn nghị sĩ, dân biểu Bồ Đào Nha và Pháp đến Đài Loan. Chính quyền Đài Bắc không ảo tưởng. Một nhà ngoại giao nói : « Chúng tôi không chờ đợi Liên Hiệp Châu Âu đóng vai trò quan trọng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhưng duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển và tự do hàng hải cũng là quyền lợi của EU. Đặc biệt Trung Quốc cũng là mối đe dọa cho châu Âu », như ông đại sứ Lư Sa Dã đã chứng minh.
Trung Quốc bị nghi dọ thám Ấn Độ từ Miến Điện
Cũng tại châu Á, Le Figaro cho biết « Những bí ẩn của quần đảo Coco khiến New Delhi lo ngại ». Phải chăng sau Biển Đông, Bắc Kinh đang quân sự hóa Vịnh Bengale ? Từ ba tuần qua, câu hỏi này ám ảnh các nhà phân tích và báo chí Ấn Độ. Họ tố cáo đối thủ Trung Quốc phối hợp với tập đoàn quân sự Miến Điện biến quần đảo Coco thành trạm nghe lén, thậm chí thành căn cứ quân sự. Tranh cãi đã nổ ra từ ngày 31/03 sau khi Chatham House, cơ quan tư vấn uy tín của Anh công bố một báo cáo, với các hình ảnh vệ tinh chụp được từ tháng Giêng đến tháng Ba. Chừng như Bắc Kinh lại giở trò dựng lên các công trình kiên cố để yêu sách chủ quyền, như trên Biển Đông trong những năm 2010.
Một phi đạo được Miến Điện xây dựng cách đây 30 năm đã được nối dài thành 2.300 mét – khoảng cách đủ để một phi cơ vận tải quân sự hoặc giám sát biển hạ cánh. Báo cáo ghi nhận rõ ràng đã có thêm hai nhà kho mới, một con đường nối quần đảo Coco với một đảo bên cạnh ở phía nam, và một nhà vòm chứa radar. Các tác giả nhận định : « Ấn Độ có thể phải đối mặt với một căn cứ không quân mới, tại một nước ngày càng lệ thuộc vào Bắc Kinh ».
Nhà phân tích Brahma Chellaney cảnh báo : « Dường như Trung Quốc đang lập một trạm nghe lén quân sự ở phía bắc quần đảo Andaman và Nicobar, nơi Ấn Độ có nhiều cơ sở không quân và hải quân ». Observer Research Foundation cho rằng khả năng nghe trộm được tăng cao tại đảo Coco cách hai quần đảo trên chỉ 55 kilomet, trong khi Miến Điện không hề có nhu cầu, có lẽ chỉ nhằm làm hài lòng Bắc Kinh. Như vậy Trung Quốc có thể nghe lén những cuộc đàm thoại, theo dõi những chuyến bay giám sát biển của hải quân Ấn Độ và việc triển khai các hoạt động.
Theo Bloomberg, chính phủ Ấn đã đòi Miến Điện giải thích, nhưng phát ngôn viên tập đoàn quân sự cho rằng những nghi ngờ trên là « phi lý ». Le Figaro nhắc lại, gần 20 năm qua Trung Quốc liên tục xây dựng trên các cảng ở Ấn Độ Dương, từ Gwadar ở Pakistan đến Hambantota của Sri Lanka, chưa kể hành lang kinh tế ở Miến Điện, nối tỉnh Vân Nam với Vịnh Bengale. Bắc Kinh còn là nhà cung cấp thiết bị quân sự thứ nhì cho Miến Điện, chỉ sau Nga. Thế nên Ấn Độ lo sợ bị bao vây, trong khi đang căng thẳng ở Ladakh thuộc Himalaya, vùng biên giới với Trung Quốc. Nhất là quần đảo Andaman và Nicobar cũng như Coco nằm ở ngã tư hàng hải giữa Vịnh Pecxich và eo biển Malacca, nơi hải quân Ấn Độ thường xuyên tổ chức tập trận, kể cả với Mỹ.