April 27, 2023
Cựu tù nhân lương tâm (TNLT) Huỳnh Thị Tố Nga, người ra tù sớm 10 tháng hồi cuối tháng ba vừa qua, nói rằng bà không có tội với đất nước và nhân dân dù bị kết án năm năm tù giam về tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Bà Nga, 40 tuổi, là chuyên viên xét nghiệm của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (thành phố Hồ Chí Minh). Bà bị bắt ngày 28/01/2019 cùng với anh ruột Huỳnh Minh Tâm vì các hoạt động trực tuyến cổ xuý cho quyền con người và dân chủ đa nguyên.
Trong phiên toà không có luật sư vào cuối tháng 11 năm đó, hai người bị tuyên tổng cộng 14 năm tù. Họ bị kết tội viết và chia sẻ nhiều bài viết có nội dung chống Nhà nước và kêu gọi người dân phản đối Luật An ninh mạng cùng biểu tình đòi tự do dân chủ.
Nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 25/4, bà khẳng định các hoạt động của mình có mục đích tốt cho dân tộc cho dù có thể có hại cho Đảng Cộng sản cầm quyền.
“Tôi nói rõ trước toà là chúng tôi không có tội với nhân dân và đất nước của mình. Cứ đối lập bị cho là có tội. Nếu cho là có tội thì chúng tôi chỉ có tội với đảng cộng sản.”
Bà cho biết trong phiên toà mở nhưng không cho công chúng tham gia, cũng không có luật sư bào chữa hai anh em đón nhận bản án mà Toà án Nhân dân tỉnh Đồng Nai đưa ra.
“Chúng tôi bình thản chấp nhận bản án. Tại vì tôi biết được là khi tôi làm, khi tôi chống lại, khi mình đối lập sẽ bị bắt bớ, bị tù đày.”
Đối xử tệ bạc trong nhà tù
Chế độ dinh dưỡng kém, lao động vất vả và chăm sóc y tế tồi là những vấn đề mà người tù phải trải qua, bà Nga nói sau khi bị giam 13 tháng trong Trại tạm giam B5 của Công an Đồng Nai và 37 tháng trong Trại giam An Phước.
Bà cho biết ở Trại giam An Phước, TNLT nào không tham gia lao động sẽ bị nhốt trong phòng giam chật hẹp cả ngày. Do vậy, hầu như tất cả TNLT phải đi lao động cho dù không vất vả như thường phạm.
Trong khi tù hình sự thường phải làm việc 8-9 giờ/ngày và mức khoán sản phẩm rất cao thì tù chính trị chỉ phải làm trong 6-7 giờ/ngày và không bị ép theo mức khoán.
Tuy nhiên, người tù phải làm hàng mã xuất khẩu sang Trung Quốc và Đài Loan với nguyên liệu từ rác thải tái chế nhưng không trang bị bảo hộ lao động tương xứng. Người tù không được trả công từ lao động của mình nhưng được xét giảm án, và bà Nga được giảm 10 tháng, bà nói với RFA.
Chế độ dinh dưỡng tồi tàn và không phù hợp với chế độ lao động, bà nói.
Khi bị ốm, cho dù là bệnh gì thì trạm xá của trại giam chỉ cấp cho vài thứ thuốc như giảm đau và an thần, cũng như kháng sinh trong trường hợp viêm nhiễm nhưng liều lượng thấp nên bệnh không được chữa trị triệt để. Việc xin phép đi chữa bệnh ở các cơ sở chuyên môn cao ở ngoài trại giam rất khó khăn, bà nhấn mạnh.
Hàng tháng, nữ tù nhân trong trại được cấp băng vệ sinh cùng bột giặt, kem và bàn chải đánh răng.
Bà cho biết trong thời gian hơn ba năm ở An Phước, bà bị kỷ luật bằng hình thức phải ở trong buồng giam hai tháng, với việc hạn chế đi lại nhưng không bị đánh đập và cũng không bị cùm chân.
Sách báo trong thư viện của trại giam ít và cũ, ít có giá trị tham khảo. Đặc biệt, sách về tôn giáo hầu như không có, ngoài mấy cuốn có tính tham khảo, bà nói với RFA.
Hàng tháng, gia đình được gửi thức ăn vào cho người thân, khoảng 6-7 kg trong những lần thăm gặp hay qua đường bưu điện.
Người tù cũng được sử dụng tiền lưu ký do người nhà gửi để mua thêm đồ trong căng tin trại giam nhưng giá ở đây đắt hơn nhiều lần so với giá ngoài thị trường, và nhiều khi phẩm cấp không được bảo đảm.
Một số tù nhân lương tâm sau khi ra tù tố cáo với truyền thông việc bị đối xử tệ bạc trong trại giam An Phước, ở tỉnh Bình Dương, tuy nhiên phóng viên nhiều lần gọi đến các số điện thoại của trại giam trên mạng internet để tìm hiểu vụ việc nhưng không thể kết nối.
Theo cáo trạng do báo chí nhà nước đăng tải, hai anh em Huỳnh Minh Tâm và Huỳnh Thị Tố Nga sinh ra trong gia đình có công với cách mạng nhưng do thường xuyên vào mạng Internet đọc nhiều trang của “các đối tượng phản động” nên cả hai đã “liên hệ và trao đổi với các đối tượng chống đối trong và ngoài nước, thường xuyên chia sẻ, viết và đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, kích động, chống đối chính quyền lên mạng xã hội Facebook.”
Vẫn theo cáo trạng, từ cuối năm 2017 bà Nga đã sử dụng tài khoản Facebook “Selena Zen” và “Diệu Hằng” của mình để thường xuyên đăng tải các bài viết có nội dung bị cho là xuyên tạc tình hình trong nước, phỉ báng chế độ, bóp méo, xuyên tạc lịch sử dân tộc; bôi nhọ và nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Bà Nga cũng đã tham gia biểu tình, viết và đăng tải gần 50 bài viết đề cập nhiều chủ đề khác nhau, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình…
Theo RFA