Đăng ngày: 27/04/2023
Quốc Hội Trung Quốc vừa thông qua Luật chống gián điệp sửa đổi hôm qua, 26/04/2023. Theo giới quan sát, luật mới, với các nội dung rất rộng liên quan đến bảo vệ ‘‘lợi ích quốc gia’’, cho thấy không khí hoài nghi, đối đầu giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và các đồng minh gia tăng. Giới bảo vệ nhân quyền lo ngại chính quyền có thêm cớ để gia tăng đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Reuters cho hay Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Trung Quốc đã thông qua Luật Chống gián điệp sửa đổi sau ba ngày thảo luận. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07 tới. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc sửa Luật chống gián điệp kể từ năm 2014. Theo luật này, mà toàn văn được Tân Hoa Xã công bố hôm qua, tất cả ‘‘các tài liệu, dữ liệu, tư liệu và vật phẩm liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia’’ đều phải được bảo vệ giống như bí mật nhà nước. Tuy nhiên, Reuters cũng cho biết là luật chống gián điệp sửa đổi ‘‘không xác định những gì thuộc về an ninh quốc gia hoặc lợi ích của Trung Quốc’’.
Luật chống gián điệp sửa đổi cho phép các cơ quan chức năng điều tra chống gián điệp có quyền truy cập vào dữ liệu, thiết bị điện tử, thông tin về tài sản cá nhân, cũng như cấm các hoạt động di chuyển qua biên giới. Tấn công mạng nhắm vào các cơ quan nhà nước hoặc cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng cũng được xếp vào ‘‘hành vi gián điệp’’.
Theo chuyên gia Jeremy Daum, Trung tâm Paul Tsai chuyên về Trung Quốc thuộc Trường Luật Yale (New Haven, bang Connecticut, Mỹ), ‘‘ sự chú trọng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với an ninh quốc gia và chống gián điệp” diễn ra trong bối cảnh ‘‘các quan hệ quốc tế tiếp tục trở nên tồi tệ, nghi ngờ tiếp tục gia tăng’’. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bắt giữ hàng chục công dân Trung Quốc và nước ngoài vì nghi ngờ hoạt động gián điệp. Một người phụ trách của công ty dược phẩm Nhật Bản Astellas Pharma đã bị bắt giam tại Bắc Kinh từ tháng trước với cáo buộc làm gián điệp.
Trả lời đài Úc ABC, ông Đằng Bưu (Teng Biao), cựu luật sư nhân quyền ở Trung Quốc, giáo sư luật thỉnh giảng tại đại học Chicago, Mỹ, nhận định việc các chính phủ đưa ra luật hình sự hóa hoạt động gián điệp là ‘‘điều bình thường’’, nhưng theo ông, tính chất mơ hồ trong luật sửa đổi của Trung Quốc gây lo ngại. Theo luật sư Đằng Bưu, “trên thực tế, họ (nhà nước) đang cố tình lợi dụng sự mơ hồ về mặt pháp lý này để đàn áp những người bất đồng chính kiến’’. Hồi năm ngoái, Trung Quốc đã đưa ra chính sách mới cho phép thưởng tới 100.000 nhân dân tệ (tương đương hơn 20.000 đôla Mỹ) cho người Trung Quốc nào cung cấp thông tin về các hành động ‘‘chống lại an ninh quốc gia’’.