Đăng ngày: 27/04/2023
Cuộc chiến tranh ở Ukraina do Nga tiến hành từ tháng 02/2022 cũng như những lo ngại xung quanh vấn đề Đài Loan là mối bận tâm lớn cũng như là nguyên nhân chính khiến Nhật Bản đang thực sự phát triển quân sự trở lại kể từ sau Thế chiến thứ II. Đó là nội dung bài phân tích được đăng trên trang mạng The Conversation hôm 20/04/2023. RFI xin trích dịch.
Việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima vào tháng 5 tới là một minh chứng cho việc thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang gia tăng các hoạt động ngoại giao kể từ đầu năm 2023 : công du châu Âu và Mỹ, tổ chức hội nghị thượng đỉnh mang tính lịch sử với Hàn Quốc, đến thăm Kiev. Trong bối cảnh Tokyo phải đối phó với những vấn đề về an ninh, mà quan trọng nhất là cuộc chiến ở Ukraina và hồ sơ Đài Loan, những chuyến công du này đi kèm với thay đổi đáng kể trong chiến lược tổng thể của xứ hoa anh đào.
Vào tháng 12/2022, Nhật Bản đã công bố hai tài liệu mới liên quan đến quốc phòng, bao gồm Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Phòng thủ Quốc gia.
Trong số các biện pháp được công bố, việc trang bị những phương tiện \”phản công\”, tức là khả năng tấn công căn cứ của kẻ thù bằng tên lửa tầm xa, là điều được bình luận nhiều nhất. Hoa Kỳ đã đồng ý cung cấp tên lửa hành trình Tomahawk cho Tokyo, một sự ưu ái cho đến nay chỉ dành riêng cho Vương Quốc Anh. Washington cũng đang tìm cách tăng cường khả năng tương tác với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (FAD) nhằm tăng cường sức mạnh răn đe của liên minh trong một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương có nhiều căng thẳng.
Một sự phát triển chiến lược đáng chú ý
Trung Quốc và Nga đã vội lên án Tokyo \”quân sự hóa một cách không kiểm soát\”, nhưng thật ra đây chỉ là một bước tiếp theo trong quá trình bình thường hóa bộ máy quốc phòng của Nhật Bản.
Tuy nhiên, quá trình này đã không diễn ra một cách suôn sẻ. Phải chờ đến khi các mối đe dọa trong khu vực tích tụ sau các vụ bắn thử đầu tiên tên lửa đạn đạo và sau đó là tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên vào năm 1998 rồi 2006 và khủng hoảng ngày càng tăng xung quanh quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) với Trung Quốc kể từ năm 2010, chính quyền Nhật Bản mới tỏ ra tích cực hơn trong việc chuyên nghiệp hóa phương tiện quân sự, đặc biệt là thông qua việc phát triển hệ thống phòng thủ chống tên lửa, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.
Washington đã khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ Nhật Bản để xứ hoa anh đào đạt được tư thế chiến lược vững chắc hơn ở cấp độ khu vực lẫn quốc tế. Tokyo cũng đã nhấn mạnh đến tính chất phòng thủ của việc phát triển tiềm lực quân sự, để không trái với với những ràng buộc trong Hiến Pháp Nhật Bản, trong đó có Điều 9 quy định về việc không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và không duy trì một quân đội mà vẫn duy trì lực lượng vũ trang.
Các tài liệu được công bố trong những ngày gần đây cho thấy Tokyo không ngần ngại thể hiện mình là một nhân tố chiến lược quan trọng. Nhật Bản khẳng định vai trò hàng đầu và cam kết cùng với Hoa Kỳ bảo vệ một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở và rộng hơn nữa là bảo vệ một trật tự quốc tế tự do đang bị xáo trộn do những hành vi hiếu chiến của Trung Quốc và Nga.
Kế hoạch tăng ngân sách quân sự của Nhật Bản lên 2% GDP trong vòng 5 năm, so với 1% hiện tại, có thể đưa Tokyo vào danh sách 5 quốc gia có ngân sách quốc phòng hàng đầu thế giới, trong khi hiện nước này chỉ mới ở vị trí thứ 8, với ngân sách quân sự ở mức 49,3 tỷ đô la.
Khai thác di sản chiến lược của Shinzo Abe
Cựu thủ tướng Shinzo Abe (2006-2007 và 2012-2020), bị ám sát vào tháng 07/2022, đã tạo động lực đáng kể cho việc tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản bằng cách thông qua luật an ninh quốc gia mới vào năm 2015.
Kể từ đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể sử dụng vũ lực và hỗ trợ các quốc gia đồng minh, đặc biệt là Hoa Kỳ, trong một số tình huống liên quan đến lợi ích sống còn của quốc gia (đe dọa sự tồn tại của Nhật Bản, đe dọa các quyền hiến định của người dân Nhật), mà không bị giới hạn về mặt địa lý. Nghĩa là trên lý thuyết, Nhật Bản có thể triển khai lực lượng ở khắp nơi trên thế giới.
Tác động của cuộc chiến ở Ukraina
Cú sốc do cuộc xâm lược Ukraina của Nga tạo ra là một trong những yếu tố tác động đến việc soạn thảo các tài liệu chiến lược mới của Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida là một trong những nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên cùng các nước phương Tây ban hành các biện pháp trừng phạt Nga, mặc dù quyết định này đã làm gián đoạn các cuộc đàm phán Nhật-Nga về tương lai của Vùng lãnh thổ phương Bắc (quần đảo Kuril đối với Nga), với 4 hòn đảo đang có tranh chấp giữa hai nước kể từ năm 1945.
Việc Nga dùng vũ lực ở châu Âu đã khiến chính quyền Nhật Bản hiểu rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể tấn công Đài Loan và Tokyo sẽ không thể tránh khỏi một cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan.
Hơn nữa, chính phủ Nhật Bản đã thấy được mức độ hỗ trợ của Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) dành cho Ukraina đã tăng lên như thế nào kể từ khi Kiev thể hiện quyết tâm chiến đấu. Tokyo tự hiểu rằng cách tốt nhất để nhận được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và các đối tác trong trường hợp xảy ra biến cố là thực sự phát triển tiềm lực quốc phòng của chính mình.
Điều đó giải thích cho sự hiện diện của ông Kishida tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 30/06/2022 ở Madrid, cũng như nhận xét của ông về việc an ninh của châu Âu và an ninh của Ấn Độ – Thái Bình Dương có mối liên hệ với nhau.
Thay đổi cốt lõi, nhưng phân tích tỉ mỉ về địa chính trị
Trong tài liệu nói về Chiến lược An ninh Quốc gia mới, viễn cảnh các cuộc tấn công tên lửa nhắm vào Nhật Bản được mô tả là \”mối đe dọa hoàn toàn có thể xảy ra\”, do đó, Tokyo cần phải cải tiến các hệ thống phòng thủ hiện có, nhất là trong bối cảnh những căng thẳng gia tăng ở khu vực gần Nhật Bản : Vào tháng 08/2022, sau chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn, với việc phóng tên lửa đạn đạo, trong đó có 5 tên lửa rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Vụ việc này xảy ra sau nhiều vụ Trung Quốc xâm phạm không phận và hải phận của quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư), nằm cách quần đảo Okinawa của Nhật Bản khoảng 410 km.
Tài liệu này nhận thấy rằng các hoạt động ngoại giao và quân sự của Bắc Kinh \”rất đáng lo ngại\” và là một \”thách thức chiến lược lớn\” chưa từng có đối với Nhật Bản và cộng đồng quốc tế. Về phần Nga, kể từ khi tiến hành xâm lược Ukraina, Matxcơva đã trở thành một \”mối quan ngại lớn về an ninh\”.
Cần phải nhấn mạnh rằng chiến lược của Nhật Bản sẽ vẫn là \”phòng thủ\”, và Tokyo sẽ chỉ \”phản công\” trong những tình huống hạn chế và sẽ không được phép tấn công phủ đầu.
Cuối cùng, đối mặt với sự phát triển của những chiến lược hỗn hợp (can thiệp chính trị, bóp méo thông tin, tuyên truyền), Nhật Bản dự định cải thiện năng lực phòng thủ không gian và các phương tiện chống những cuộc tấn công mạng và chiến tranh thông tin. Lực lượng an ninh mạng sẽ tăng lên 4.000 người vào năm 2027, so với 800 người hiện nay.
Hướng tới một “JAUKUS” ?
Chính quyền Biden đã hoan nghênh các thông báo của Nhật Bản và những nét chính của Chiến lược Phòng thủ Quốc gia, có những nét giống với chiến lược mà chính Washington vừa công bố.
Đối với Hoa Kỳ, vốn đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh đa chiều với Trung Quốc, điều quan trọng là tận dụng tối đa các công nghệ mới, cũng như phối hợp các năng lực vận hành và công nghệ sẵn có. Quan hệ đối tác quốc phòng AUKUS được ký kết vào năm 2021 với Vương Quốc Anh và Úc, ngoài việc phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, còn có hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực quan trọng khác như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử hay vũ khí siêu thanh.
Nhật Bản và Hoa Kỳ vốn hợp tác chặt chẽ về công nghệ quân sự. Không quân Nhật Bản sử dụng chiến đấu cơ F-35 và hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, cả hai đều do tập đoàn Mỹ Lockheed Martin chế tạo. Liên minh với Hoa Kỳ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với Tokyo, vốn phụ thuộc vào thông tin tình báo và khả năng phát hiện sớm của Mỹ. Với việc mua tên lửa Tomahawk, Tokyo sẽ càng phụ thuộc vào Washington, đặc biệt là khi Tokyo có kế hoạch trang bị tên lửa này cho các tàu khu trục vốn được trang bị hệ thống chống tên lửa Aegis.
Hơn nữa, các quan chức Nhật Bản sẽ không phản đối việc mở rộng các mối quan hệ đối tác, hoặc thậm chí trở thành một phần của cái gọi là “JAUKUS”. Khi cuộc cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc ngày càng gay gắt, Nhật Bản tin rằng có thể mang lại lợi thế rõ rệt cho đồng minh Mỹ, do Tokyo làm chủ các lĩnh vực tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo, người máy, công nghệ lượng tử hoặc chất bán dẫn.
Vào tháng 10/2022, trong một chuyến công du đáng chú ý tới Canberra, ông Kishida đã triển hạn một thỏa thuận cũ về chia sẻ thông tin với Úc. Thỏa thuận này đã khơi dậy những đồn đoán về việc Nhật Bản có thể trở thành thành viên của liên minh tình báo \”Ngũ Nhãn\” (Five Eyes), tập hợp các đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ : Vương Quốc Anh, Úc, New Zealand và Canada.
Tóm lại, có thể nói là thời kỳ mà Nhật Bản là \”gã khổng lồ về kinh tế, nhưng lại là một chú lùn về quân sự\” đã thực sự kết thúc.