Đăng ngày: 27/04/2023
Ngay sau khi có thông tin về cuộc nói chuyện qua điện thoại vào hôm qua, 26/04/2023, giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, lần đầu tiên từ ngày Nga xâm lược Ukraina, giới lãnh đạo phương Tây đã nhanh chóng lên tiếng hoan nghênh sự kiện này, nhưng đồng thời tỏ thái độ dè dặt về khả năng hòa bình sớm trở lại Ukraina.
Là quốc gia đi đầu trong việc giúp Ukraina chống lại cuộc xâm lược của Nga, Hoa Kỳ là một trong những nước đầu tiên hoan nghênh sự kiện chủ tịch Trung Quốc rốt cuộc đã chấp nhận nói chuyện với tổng thống Ukraina.
Tại Washington, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ John Kirby cho rằng đối thoại mở ra giữa hai lãnh đạo Trung Quốc và Ukraina là “một điều tốt”, cho dù chưa thể biết là “điều đó có thể dẫn đến một sáng kiến, đề xuất hay kế hoạch hòa bình nghiêm túc hay không”.
Lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell hôm qua cũng hoan nghênh cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai ông Tập Cận Bình và Zelensky, cho đấy là “một bước đầu tiên quan trọng” tiến tới hòa bình, nhưng “không phải là bất kỳ hòa bình nào”, mà phải là “một nền hòa bình công bằng, công nhận các quyền của người dân Ukraina”, cũng như “chủ quyền” và “sự toàn vẹn của biên giới” Ukraina.
Tại Paris, bộ Ngoại Giao Pháp cũng đánh giá “tích cực” việc hai ông Tập Cận Bình và Zelensky nói chuyện với nhau, đồng thời nhắc lại rằng chính tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây đã đề nghị chủ tịch Tập Cận Bình sớm đối thoại với người đồng cấp Ukraina.
Theo thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh, một trong những ý nghĩa quan trọng của việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu nói chuyện với ông Zelensky và cử một phái đoàn Trung Quốc qua Ukraina, đó là công nhận rõ ràng chủ quyền và nền độc lập của Ukraina :
Chính quyền Bắc Kinh không thông báo lịch trình chuyến thăm của phái đoàn Trung Quốc qua Ukraina, mà chỉ cho biết trưởng phái đoàn sẽ là ông Lý Huy (Li Hui) cựu đại sứ Trung Quốc ở Nga, một người đã làm việc ở Matxcơva trong 10 năm từ 2009 đến 2019, tức là vào thời điểm cuộc chiến Donbass bắt đầu.
Phái đoàn Trung Quốc cũng sẽ ghé thăm các nước láng giềng của Ukraina, nhưng một lần nữa chính quyền không cho biết thêm chi tiết.
Bắc Kinh như vậy vừa mở cửa đối thoại với Kiev, vừa tránh làm mất lòng đồng minh Nga. Theo lời vụ phó Vụ Á-Âu tại bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Bắc Kinh cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình một cách vô tư. Ông nói:“Tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau là cơ sở chính trị của quan hệ Trung Quốc-Ukraina. Trung Quốc sẽ kiên quyết thúc đẩy các cuộc đàm phán để chấm dứt chiến tranh và đạt được ngừng bắn càng sớm càng tốt để tái lập hòa bình.”
Hòa bình thông qua đàm phán và đối thoại, hai từ này đã lại được báo chí chính thức sử dụng rộng rãi sáng nay, tránh dùng từ ngữ “Nga xâm lược” mà chỉ nói đến “cuộc khủng hoảng Ukraina”.
Theo một nhà bình luận trên Hoàn Cầu Thời Báo, Trung Quốc muốn sử dụng ảnh hưởng của mình trên Kiev và Matxcơva, đồng thời chứng tỏ trách nhiệm của mình với tư cách là một nước lớn.