Nhiệm vụ Saildrone Surveyor về lập bản đồ đại dương đã phát hiện một vật thể kỳ lạ khổng lồ xuất hiện ngoài khơi California – Mỹ.
Các nhà khoa học từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) đã bất ngờ phát hiện một vật thể kỳ lạ khổng lồ, giống một chiếc bánh bông lan lớn.
NOAA cho biết, đó là một khối đá bí ẩn cao gần 1.000 m so với đáy biển xung quanh, có thể được mọc lên từ tàn tích của một ngọn núi lửa đã tắt.
Đó quả thực là một ngọn núi lửa dưới đáy đại dương mới được phát hiện, nhưng hình dáng của nó thực sự gây kinh ngạc cho các nhà khoa học. Nó không vươn thẳng lên trên mặt biển và tạo nên một hòn đảo như Hawaii, mà hoàn toàn nằm dưới mặt nước biển sâu, đỉnh của nó còn cách mặt nước biển tới 366 m.
Nhưng đây là một ngọn núi lửa không giống bất kỳ một ngọn núi lửa nào khác. Theo tiến sĩ Aurora Elmore, Giám đốc chương trình của Viện Hợp tác khám phá đại dương thuộc NOAA, các ngọn núi lửa dưới nước khác có sườn dốc giống núi Phú Sĩ, nhưng ngọn núi này lại có sườn dốc hết sức kỳ lạ và thú vị.
Saildrone Surveyor — phương tiện lập bản đồ đại dương không người lái lớn nhất thế giới – đang thực hiện việc khảo sát đáy đại dương ngoài khơi nước Mỹ, đã phát hiện ra vật thể kỳ lạ này cách bờ biển phía Bắc California khoảng 322 km.
Khu vực này nằm ngoài khu vực mà các núi ngầm thường được phát hiện, do đó giúp mở rộng phạm vi mà núi lửa dưới đáy biển có thể tồn tại.
Hình dạng chiếc bánh kỳ quái có thể là kết quả hoạt động của một núi lửa dữ dội nhưng kết thúc nhanh chóng, hoặc đó là một sự tích luỹ phun trào âm ỉ hàng thế kỷ mà đã tạo nên hình dạng kỳ lạ của của sườn núi.
Những núi lửa ngầm như thế này là môi trường sống của nhiều loài sinh vật biển, các nhà khoa học cho biết phát hiện này mang đến một nguồn nguyên liệu quý giá cho các nghiên cứu đa ngành.
Theo Live Science