Phân tích: Đất nông nghiệp của Mỹ âm thầm rơi vào tay Trung Quốc như thế nào?

 Bình luậnAndrew Thornebrooke • 28/04/23

\"\"

Quyền sở hữu đất nông nghiệp của Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã tăng 5.000% trong một thập kỷ. Vậy Trung Quốc đã âm thầm thâu tóm đất nông nghiệp của Mỹ như thế nào?

Các thung lũng nhường chỗ cho thảo nguyên, thảo nguyên xanh nhường chỗ cho vùng đất cằn cỗi, nơi những cánh đồng hoa vàng nhường chỗ cho sức mạnh của cao nguyên sừng sững trên nền đá sọc.

Không gian mở gồ ghề của Nam Dakota đã khắc họa nên một bức tranh cổ điển của vùng nông thôn nước Mỹ, một sự chắt lọc tinh tế của cảnh quan thiên nhiên đã truyền cảm hứng cho những người tiên phong về một tương lai tươi sáng hơn từ nhiều năm về trước.

Tuy nhiên, người Mỹ sẽ sở hữu khu vực này trong bao lâu vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Đó là bởi vì trong hơn một thập kỷ qua, các thực thể thuộc sở hữu của Trung Quốc, một số có liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã mua đất đai ở Nam Dakota và các nơi khác ở Hoa Kỳ với tốc độ ngoạn mục.

Một số diện tích đất họ dành để phát triển nông nghiệp, một số được dùng cho tiêu thụ năng lượng và vẫn còn nhiều lô đất được cho là tiếp giáp với các địa điểm quân sự nhạy cảm của Hoa Kỳ.

Thật vậy, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ ước tính (pdf) rằng đất nông nghiệp của Hoa Kỳ do Trung Quốc nắm giữ đã vượt quá 352.000 mẫu Anh vào năm 2020, tăng hơn 5.300% so với dưới 14.000 mẫu Anh vào năm 2010.

Để ngăn chặn sự xâm lấn ngày càng tăng, chính quyền các tiểu bang trên khắp nước Mỹ đã ráo riết soạn thảo luật để chấm dứt xu hướng này một lần và mãi mãi.

Tuy nhiên, những nỗ lực này thường vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ các lợi ích kinh doanh cố thủ và, như trường hợp ở Nam Dakota, cuối cùng bị bỏ rơi để thỏa mãn lợi ích cá nhân.Đàn gia súc gặm cỏ gần Ojai, California, hôm 21/6/2022. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Khinh khí cầu do thám thường trực

Ông Adam Savit là Giám đốc bộ phận Chính sách Trung Quốc của Viện Chính sách Nước Mỹ Trên hết (AFPI), một tổ chức cố vấn theo hướng bảo tồn truyền thống có nhiệm vụ thúc đẩy các chính sách ưu tiên quyền và phúc lợi của công dân Mỹ hơn các mối quan tâm khác.

Ông lập luận rằng việc tiếp tục chấp nhận các vụ mua lại đất do ĐCSTQ hậu thuẫn ở Hoa Kỳ là một sự xúc phạm đến luật pháp và tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, cũng như vi phạm các thông lệ quốc tế công bằng.

Ông lập luận rằng việc cho phép ĐCSTQ tiếp tục đầu tư vào đất đai và tài nguyên của Hoa Kỳ, trong khi cấm các công ty Hoa Kỳ làm điều tương tự ở Trung Quốc, mâu thuẫn với ý tưởng \”có đi có lại\” mà cộng đồng quốc tế tin tưởng.

Ông Savit nói với The Epoch Times: “Nếu chúng ta không có quyền tiếp cận với nguồn tài nguyên, cơ hội hoặc thể chế của ĐCSTQ, thì họ cũng không có quyền tiếp cận với các tài nguyên đó ở đất nước chúng ta”.

Để đạt được mục tiêu đó, Savit là tác giả của bản tóm tắt mới nhất (pdf) của viện, trong đó phân tích các phản ứng của Hoa Kỳ đối với mối đe dọa ngày càng tăng về việc thâu tóm đất đai của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ.

Một số tiểu bang hiện đang tìm cách ngăn chặn ĐCSTQ hoặc các thực thể thù địch khác thâu tóm đất đai ở Hoa Kỳ.

Những nỗ lực này là phản ứng đối với mối đe dọa an ninh quốc gia do cho phép các công ty liên kết với ĐCSTQ mua đất gần các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ (như trường hợp ở Bắc Dakota), cũng như nỗ lực mua những vùng đất rộng lớn và cơ sở hạ tầng năng lượng (như ở Texas).

“Vùng đất này [gần các căn cứ quân sự] là phiên bản cố định của sự cố [khí cầu do thám] đó”, ông Savit đề cập đến những nỗ lực của ĐCSTQ.

\”Họ có thể thiết lập bất cứ thứ gì họ muốn, ở bất cứ nơi nào họ muốn”.

Để đạt được mục tiêu đó, ông Savit nhấn mạnh sự cần thiết của luật tiểu bang trong việc giúp hạn chế xu hướng đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc vào một ngành thiếu các biện pháp bảo vệ pháp lý.

Ông Savit lập luận rằng: “Hiện tại, không có rào cản pháp lý nào đối với [những thương vụ mua lại này] ở hầu hết các tiểu bang và không có quy trình nào để kiểm tra hoặc đánh giá tác động bất lợi của những thương vụ mua lại này”.

Chẳng hạn, chứng kiến những khó khăn của tiểu bang láng giềng phía bắc, Nam Dakota đã cố gắng tự bảo vệ mình khỏi những cuộc xâm lấn tương tự. Theo đó, các nhà lập pháp đã xây dựng luật trao cho Thống đốc tiểu bang quyền giám sát các khoản đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đất đai của tiểu bang.

Bất chấp sự ủng hộ ban đầu từ các nhà lập pháp tiểu bang, dự luật này đã bị gỡ bỏ hoàn toàn sau khi tất cả các liên đoàn và hiệp hội nông nghiệp lớn của tiểu bang vận động hành lang để ngăn chặn dự luật. Nguyên nhân được cho là do họ lo ngại rằng dự luật sẽ trao cho cơ quan hành pháp của tiểu bang quá nhiều quyền lực, cũng như dấy lên lo ngại rằng nỗ lực này sẽ kích động sự thù địch chủng tộc đối với người Mỹ gốc Hoa và người nhập cư.Các phi công thuộc Phi đội Bảo dưỡng Máy bay 319 từ Căn cứ Không quân Grand Forks, Bắc Dakota, thực hiện kiểm tra bảo dưỡng một máy bay không người lái vào ngày 6/6/2022. (Ảnh: Lực lượng Không quân Hoa Kỳ do Phi công cấp cao Ashley Richards chụp)

Các tiểu bang tìm cách đẩy lùi ảnh hưởng của ĐCSTQ

Nam Dakota không đơn độc trong vấn đề này. Nghiên cứu của AFPI nêu chi tiết các cuộc chiến pháp lý đang diễn ra ở 23 tiểu bang, từ Arizona đến Virginia, tổng cộng có 53 dự luật riêng biệt.

Theo ông Savit, một số dự luật có khả năng được sử dụng để ngăn chặn việc Trung Quốc mua lại đất đai của Hoa Kỳ đã tồn tại ở hơn chục tiểu bang khác, nhưng không bao giờ được thi hành.

Các dự luật xuất hiện trên khắp đất nước cũng đa dạng tùy theo các tiểu bang ban hành luật.

Trong đó phải kể đến các nỗ lực ở tiểu bang Iowa nhằm cấm đầu tư từ các thực thể có liên hệ với ĐCSTQ; luật ở tiểu bang Georgia nhằm cấm các quốc gia theo chủ nghĩa thù địch như Triều Tiên và Iran mua đất đai; và lệnh cấm hoàn toàn mọi hoạt động mua bán đất đai của người nước ngoài tại tiểu bang Texas. Lệnh cấm này gần đây đã được nới lỏng để áp dụng cho các thực thể có liên kết với nhà nước.

Ông Savit cảm thấy “không có giải pháp nào hoàn hảo” để ngăn chế độ độc tài của ĐCSTQ giành quyền kiểm soát lãnh thổ Hoa Kỳ, nhưng ông hoan nghênh những nỗ lực đa dạng của các tiểu bang nhằm giải quyết vấn đề theo những cách riêng của họ.

\”Không có giải pháp nào hoàn hảo vì mỗi tiểu bang có những mối quan tâm khác nhau\”, ông Savit nói.

\”Mỗi tiểu bang có luật hiện hành khác nhau. Mỗi tiểu bang có các lĩnh vực nông nghiệp khác nhau. Đây đều là những cuộc thử nghiệm\”.

“Không có đáp án chung cho tất cả. Đó là một thách thức năng động\”.

Hoa Kỳ không kiểm soát được các khoản đầu tư nước ngoài

Tuy nhiên, chính quyền các tiểu bang đang phải đối mặt với một vấn đề rất khó khăn trong việc phân biệt ai là nhà đầu tư thực sự và ai là người được ĐCSTQ ủy quyền. Đặc biệt là vào thời điểm mà số lượng kỷ lục người Trung Quốc đang tháo chạy khỏi đất nước do các hoạt động đàn áp ngày càng tàn bạo của ĐCSTQ.

Đối với ông Savit và AFPI, vấn đề rất đơn giản: những người có nguồn lực để mua đất đai ở Hoa Kỳ chắc chắn có liên hệ với ĐCSTQ.

“Một nhà đầu tư Trung Quốc sẽ có mối liên hệ nào đó [với ĐCSTQ]”, ông Savit cho biết thêm.

“Giả định của chúng tôi… là bất kỳ ai nắm giữ số vốn này hoặc có thể đầu tư theo cách này đều có liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với ĐCSTQ, hoặc được hưởng lợi theo cách khác”.

Tuy nhiên, có một lỗ hổng nghiêm trọng trong giả định này: Hoa Kỳ hầu như không chắc chắn ai đang thực sự mua đất.

Ông Lars Schonander, một nhà công nghệ chính sách của nhóm tư vấn Lincoln Network, cũng đã thảo luận về vấn đề này.Một tấm biển phản đối một nhà máy xay ngô ở Grand Forks, Bắc Dakota, nằm gần khu đất rộng 370 mẫu Anh (149 ha) mà thành phố mới mua lại cho dự án. Nhiều cư dân không muốn dự án này trong thành phố vì chủ sở hữu được cho là có liên hệ với ĐCSTQ thông qua chủ tịch công ty của họ. (Ảnh: Allan Stein/The Epoch Times)

Trong những năm gần đây, ông Schonander đã dành một khoảng thời gian dài để điều tra cái mà ông gọi là \”đầu tư nước ngoài thâm hiểm” vào Hoa Kỳ. Đó là các khoản đầu tư của các quốc gia thù địch vào Hoa Kỳ với mục đích cuối cùng là lợi dụng hoặc gây tổn hại đến lợi ích của quốc gia.

Ông nói với The Epoch Times rằng, dữ liệu quan trọng cần thiết để theo dõi các khoản đầu tư như vậy là “riêng tư nhưng không bí mật” và rất khó thu thập. Nói một cách đơn giản, chính phủ liên bang không thu thập thông tin chi tiết về các giao dịch mua đất đai của người nước ngoài.

Ông Schonander cho biết thêm: “Điều này diễn ra một cách kỳ lạ, đặc biệt khi một người muốn xem dữ liệu chi tiết [về các khoản đầu tư nước ngoài]”.

\”Những gì tôi phát hiện ra là các báo cáo hàng năm chứa dữ liệu cấp cao về số tiền mà các nhà đầu tư từ một quốc gia nhất định đầu tư trong một năm nhất định, nhưng quý vị chỉ có thể biết được các tập đoàn và tổ chức nước ngoài cụ thể đang đầu tư vào bằng cách truy cập vào cơ sở dữ liệu riêng tư. Điều này gần như là không thể nếu có một dự án cụ thể mà quý vị quan tâm”.

Đạo luật Tiết lộ Đầu tư Nước ngoài vào Nông nghiệp, buộc các công ty nước ngoài tiết lộ các giao dịch nông nghiệp cho Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), hiện là đạo luật liên bang duy nhất ghi lại các khoản đầu tư đó.

Tuy nhiên, Schonander cảnh báo rằng USDA chỉ được phép thu thập dữ liệu về việc mua đất cho tối đa ba lệnh sở hữu. Điều này có nghĩa là một loạt các công ty bình phong ở Hoa Kỳ cuối cùng có thể thuộc sở hữu của một tổ chức nước ngoài và cơ quan này sẽ không hề hay biết.

Ông nói rằng, vấn đề này trở nên trầm trọng hơn bởi khoảng thời gian trễ rất lớn giữa việc thực hiện đầu tư và nhập dữ liệu về khoản này.

Ông Schonander cho biết thêm: “Có thể sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể giữa việc mọi người tìm hiểu về một khoản đầu tư cụ thể và việc nó thực sự hiện diện trong cơ sở dữ liệu”.

“Dữ liệu chỉ được cập nhật vào cuối năm. Vì vậy, ngay bây giờ, chúng tôi chỉ có dữ liệu của năm 2021 vào cuối năm ngoái. Vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ có dữ liệu của năm 2022\”.

Kết quả là, ngay cả các thành viên của Quốc hội Mỹ cũng sẽ phải làm việc với dữ liệu gần nhất là từ một năm trước, theo ông Schonander.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chính quyền ông Biden luôn phớt lờ nhu cầu cung cấp thông tin chi tiết hơn về các khoản đầu tư nước ngoài.

Ông Schonander chỉ ra rằng Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ từng yêu cầu thông tin chi tiết về các khoản đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Hoa Kỳ mỗi năm, nhưng biểu mẫu duy nhất được sử dụng để thu thập thông tin đó đã bị bỏ qua sau khi chính phủ liên bang cắt giảm ngân sách vào năm 2011.

Ông Schonander cho biết thêm: “Đó là thông tin khá giá trị bởi vì trong các báo cáo gần đây, họ có dữ liệu về các thương vụ mua lại và nhà đầu tư. [Đây là những thông tin] mà ngày nay quý vị có thể phải tự thu thập thủ công hoặc trả tiền cho một nhà môi giới dữ liệu. Giờ đây chúng tôi không có ý kiến nào cả”.

Với suy nghĩ đó, ông Schonander tin rằng việc thu thập thêm dữ liệu có ý nghĩa có thể đơn giản như khởi động lại chương trình để đánh giá các khoản đầu tư đó bằng cách sử dụng các công cụ đã được thiết lập cho cùng một mục tiêu.

\”Họ vẫn có biểu mẫu và nhân sự để thiết lập chương trình đánh giá đó. Chỉ là họ đã không gửi các biểu mẫu trong hơn một thập kỷ”.

Phát ngôn viên của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ nói với The Epoch Times rằng cơ quan này không có kế hoạch khôi phục chương trình. The Epoch Times cũng đã liên hệ với USDA để yêu cầu bình luận.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Bài Liên Quan

Leave a Comment