Nội chiến Sudan : “Cuộc chiến ủy nhiệm” Nga với Ai Cập ?

Đăng ngày: 01/05/2023

\"\"
\"\"
Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, biệt danh Hemedti, chỉ huy lực lượng đối địch với Quân đội Sudan. Ảnh chụp trong một cuộc họp báo tại Khartum, ngày 19/02/2023. REUTERS – MOHAMED NURELDIN ABDALLAH

Trọng Thành

Cuộc chiến giành quyền lực giữa hai phe trong chính quyền quân sự Sudan, miền đông châu Phi, bùng lên từ giữa tháng 4/2023, đang ngày càng khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Liên Hiệp Quốc cảnh báo ‘‘quy mô và tốc độ các diễn biến là chưa từng có’’. Hiện tại Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út đang nỗ lực bảo trợ một thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên viễn cảnh xung đột là đầy bất trắc. Theo nhiều nhà quan sát, đứng sau hai bên xung đột là nhiều thế lực lớn.

Đằng sau hai bên đối địch là các thế lực nào ?

Về chủ đề này, báo Đức DW có bài ‘‘Sudan, đấu trường của một cuộc chiến tranh ủy nhiệm’’. Đứng hàng đầu trong các thế lực đằng sau là Ai Cập và Nga. Chính quyền quân sự Ai Cập công khai ủng hộ phe Quân đội Sudan, với lãnh đạo là tướng Abdel Fattah al-Burhane. Báo Đức dẫn lời chuyên gia Roland Marchal (chuyên về nội chiến ở châu Phi, Học Viện Sciences Po, Paris), cho biết hiện Ai Cập là nước can dự mạnh nhất về mặt ngoại giao và quân sự.

Theo chuyên gia Roland Marchal, ‘‘đã có bằng chứng nhiều binh sĩ Ai Cập bị bắt tại sân bay Meroe. Nhiều máy bay Ai Cập đã bị phá hủy tại chính căn cứ này. Có một số nhân chứng cho biết ít nhất một phi cơ quân sự Ai Cập đã tham gia không kích một căn cứ của Lực lượng Phản ứng Nhanh (RSF) (tức phe đối địch) gần sân bay của cảng Sudan’’. Chủ tịch Hiệp hội Diễn đàn Sudan và Nam Sudan, Marina Peter, cũng nhấn mạnh đến lập trường kiên quyết của Ai Cập ủng hộ phe Quân đội là do Ai Cập muốn một chế độ ở Sudan tương tự như ở Ai Cập, do các tướng lĩnh chỉ huy.

Trong khi đó phe của Lực lượng Phản ứng Nhanh bán vũ trang, dưới sự chỉ huy của tướng Mohamed Hamdane Daglo, biệt danh ‘‘Hemedti’’, có được sự ủng hộ của các nước láng giềng như Erythee, Etiopia, Yemen, cũng như Libya, Tchad và Nga. Quan hệ giữa phe của tướng Hemedti với Nga là rất phức tạp.

Nga tuyên bố ‘‘trung lập’’, chiến tranh ‘‘bất lợi’’ với Matxcơva

Theo chuyên gia Roland Marchal, Nga và một số các quốc gia khác trong khu vực như Ả Rập Xê Út hay Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, cho dù có quan điểm nghiêng về một bên, nhưng trong hiện tại đang thể hiện lập trường ‘‘trung lập’’ trong xung đột này.

Theo một số chuyên gia, cuộc chiến tranh giữa các tướng lĩnh nói trên là ‘‘một kịch bản không mấy có lợi cho Nga’’. Đài Pháp France Info dẫn lời chuyên gia Igor Delanoe, Đài Quan Sát Pháp – Nga, một trung tâm nghiên cứu chính trị có trụ sở tại Matxcơva, khẳng định Nga đang có một dự án triển khai căn cứ quân sự tại Sudan, tình trạng bất ổn chính trị tại đây bất lợi cho Matxcơva.

Tập đoàn quân sự cầm quyền tại Sudan, trước khi xung đột bùng phát, đã là một đồng minh trung thành của Matxcơva, khi triệt để chống lại các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lăng Ukraina. Từ khi xung đột giữa hai phe bùng lên tại Sudan, Matxcơva đã nhiều lần kêu gọi ngừng bắn.

Tuy nhiên, đối với Le Figaro, tình hình phức tạp hơn nhiều. ‘‘Về mặt chính thức’’, Nga tỏ ra đứng giữa hai phe, tránh chọn bên, tránh nguy cơ có thể ‘‘đánh mất hoàn toàn’’ đồng minh châu Phi này, nhưng tuy nhiên, chuyên gia Anne-Laure Mahé, Trường London School of Economics, Anh Quốc, nêu bật ảnh hưởng lớn công ty bán quân sự Nga Wagner tại Sudan. Mà Wagner có liên hệ mật thiết với phe của tướng Hemedti.

Mỏ vàng Darfour: Nguồn lợi của Nga, địa bàn của phe Hemeti

Khai thác vàng tại Sudan là một hoạt động chủ yếu của công ty này, theo chuyên gia Raphaëlle Chevrillon, Viện Nghiên cứu và Phát triển Pháp IRD. Vàng được khai thác tại Darfour, một vùng đất hoang sơ, nguy hiểm, rất ít nhà đầu tư dám mạo hiểm. Mà theo một người hiểu rõ về khu vực này, được Le Figaro dẫn lời, tỉnh Darfour chính là địa bàn hoạt động của Lực lượng bán vũ trang Phản ứng Nhanh RSF của tướng Hemedti. Đây chính là lý do khiến công ty bán quân sự Nga và đối thủ của Quân đội Sudan tìm đến với nhau.

Kể từ năm 2017, quan hệ hai bên được siết chặt. Có khả năng Wagner đã kiếm được hàng trăm triệu đô la để chi cho cuộc chiến tại Ukraina. Đổi lại, có khả năng Wagner đã cung cấp vũ khí và nhiều huấn luyện đặc biệt cho binh sĩ của Lực lượng Phản ứng Nhanh của tướng Hemedti. Theo Le Figaro, trong hiện tại, quan hệ giữa công ty Wagner và phe của tướng Hemedti đã quá mật thiết, rất khó dứt ra.

‘‘Tên lửa vác vai’’, tuyên bố đánh Ukraina của Putin ….

Hai báo New York Times và Washington Post, dẫn lại thông tin tình báo Mỹ, đã ghi nhận có nhiều chuyến bay mới đây giữa các căn cứ của Wagner ở Libya và các căn cứ của phe tướng Hemedti. Rất có thể là để cung cấp vũ khí cho phe này, đặc biệt trong đó phải kể đến tên lửa phòng không vác vai. Đây là một vũ khí rất quan trọng với Lực lượng Phản ứng Nhanh, bởi lực lượng này gần như không có phương tiện để chống lại các phi cơ của Quân đội Sudan.

Cùng hướng với Le Figaro, báo Mỹ Slate dẫn lời một chuyên gia về các tổ chức quân sự tư nhân, đại tá Peer de Jong, khẳng định ‘‘người Nga đứng sau tướng Hemedti’’, chỉ huy Lực lượng Phản ứng Nhanh. Trang mạng Hoa Kỳ Slate chú ý đến quan hệ mật thiết giữa tướng Hemedti và Matxcơva, đặc biệt với việc chỉ một ngày trước khi bắt đầu cuộc xâm lăng Ukraina cuối tháng 2 năm ngoái, viên tướng này đã đến Matxcơva. Tướng Hemedti có mặt đúng vào lúc tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở màn chiến dịch quân sự chống Ukraina.

Nga liên tục chống lưng các chế độ độc tài ở Sudan

Về vấn đề này, Slate có bài tóm lược tình hình, cho thấy Nga đã có chiến lược gây ảnh hưởng và tiến tới bám trụ tại Sudan liên tục từ gần 20 năm nay. Chính sách nhất quán của Nga là ủng hộ mạnh mẽ các chế độ độc tài ở Sudan để chiếm lĩnh được vị trí chiến lược về Hải quân của cảng Port-Sudan, nằm bên bờ Biển Đỏ, cũng như có được một cánh cửa để thâm nhập vào lục địa châu Phi, bên cạnh mối lợi đáng kể khác, nguồn tài nguyên vàng đứng thứ ba châu lục ở Sudan.

Năm 2005, tức hai năm kể từ khi bùng phát cuộc nổi dậy Darfour, khiến khoảng 300.000 người chết, Matxcơva đã vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, là bên duy nhất cung cấp vũ khí cho chế độ độc tài tại Sudan. Tổng thống Sudan vào thời điểm đó, cựu sĩ quan nhảy dù Omar el-Bechir, đã được Matxcơva bảo trợ, bất chấp lệnh truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế năm 2009. Nhờ hậu thuẫn của Nga, chế độ độc tài của Omar el-Bechir tồn tại bất chấp cấm vận quốc tế, và khi 80% ngân sách quốc gia được chi cho quân sự.

Năm 2017, Nga và Sudan ký thỏa thuận xây dựng một căn cứ hải quân Nga ở cảng Port-Sudan. Tuy nhiên, năm 2019, sau 29 năm cầm quyền, nhà độc tài Omar el-Bechir bị một phong trào nổi dậy đòi dân chủ lật đổ. Một chính quyền chuyển tiếp được lập ra vào tháng 8/2020. Thỏa thuận về xây dựng cảng hải quân bị đình chỉ. Song, chỉ hơn một năm sau, một cuộc đảo chính quân sự đã đưa Abdel Fattah al-Burhan và Hemedti, hai tướng lĩnh đang đối địch hiện nay, lên cầm quyền. Một tháng sau cuộc đảo chính, dự án xây dựng cảng hải quân Nga đã được nối lại.

Bài Liên Quan

Leave a Comment