Đăng ngày: 01/05/2023
Nhân sự kiện tập đoàn Netflix thông báo trong tuần qua kế hoạch đầu tư 2 tỷ rưỡi đô la vào Hàn Quốc để sản xuất phim ảnh và nội dung truyền hình cũng như trực tuyến, báo Pháp 20 Minutes đăng bài viết hôm 29/04/2023 để nói về ẩm thực Hàn Quốc, được tờ báo gọi là quyền lực mềm thứ nhì của Hàn Quốc, sau ngành công nghiệp giải trí.
Song song với các bộ phim nhiều tập (K-Drama) và các ban nhạc Hàn Quốc (K-Pop), làn sóng ẩm thực xứ bình minh yên tĩnh (K-Food) đang trở nên thịnh hành tại Pháp trong những năm gần đây. Theo báo 20 Minutes, trong nỗ lực giành một chỗ đứng trên thị trường quốc tế, ẩm thực Hàn Quốc, bên cạnh các chiến dịch quảng bá của chính phủ Hàn Quốc, còn nhận được sự hỗ trợ của ngành công nghiệp giải trí.
Sau các món nem rán (chả giò) và phở của Việt Nam, các món som tam và pad thai của Thái Lan, món kim chi và nhất là bibimbap của xứ Hàn, loại cơm trộn với rau xào, thịt bò và trứng, dọn trong một nồi đá nho nhỏ, đã trở nên khá quen thuộc với thực khách Pháp, nhất là giới trẻ ở độ tuổi 18-35.
Tại châu Âu, Pháp có nhiều tiệm ăn Hàn nhất
Các món ăn Hàn Quốc (hansik) thường pha trộn nhiều hương vị, có nhiều nét gần giống ẩm thực Nhật Bản, ngày càng thu hút đông đảo khách hàng. Tại Pháp, số lượng tiệm ăn Hàn Quốc nói chung vẫn ở một mức ổn định tại các tỉnh thành. Trong khi tại thủ đô Paris, số nhà hàng chuyên phục vụ các món Hàn lại tăng gấp đôi chỉ trong vòng vài năm. Theo Tổng công ty phân phối Nông thủy sản và Thực phẩm Hàn Quốc (Korea Agro-Fisheries & Food Trade Corp) một tổ chức của chính phủ Hàn Quốc, thủ đô Paris hiện có hơn 250 tiệm ăn Hàn Quốc, so với 120 quán vào năm 2018. Về điểm này, Pháp trở thành quốc gia châu Âu có nhiều tiệm ăn Hàn Quốc nhất. Vài năm trước đây, danh hiệu này do Vương quốc Anh nắm giữ.
Còn theo tuần báo Pháp Elle, một dấu hiệu khác cho thấy trào lưu ẩm thực Hàn Quốc đang trở nên thịnh hành tại các vùng đô thị lớn, trên các ứng dụng giao hàng như Deliveroo hay Uber Eats, lượng đơn đặt các món ăn Hàn Quốc K-Food (cũng như các món sushi và maki của Nhật) đã tăng hơn 60% chi trong vòng một năm trở lại đây.
Giống như điện ảnh Hàn (Han Cinema), âm nhạc K-Pop hoặc phim truyền hình nhiều tập K-Drama, nghệ thuật ẩm thực xứ bofnh minh yên tĩnh tham gia vào phong trào \”Hàn lưu\” (Hallyu), góp phần phổ biến rộng rãi văn hóa Hàn Quốc ở nuoc ngoài.
Quảng cáo sản phẩm bằng cách cài đặt vào trong phim Hàn
Không phải ngẫu nhiên, ẩm thực Hàn Quốc thường được đề cao trong ngành giải trí, việc tô điểm hình ảnh vẫn nhằm mục đích quảng bá văn hoá, kích cầu du lịch. Theo cô Luna Kyung, tác giả quyển sách \”Corée Gourmande\” do nhà xuất bản Mango phát hành cuối năm 2022, trong hầu hết các bộ phim truyền hình và điện ảnh, đều có những cảnh dài dành để quay các bữa ăn, điều đó để thúc đẩy khách yêu chuộng văn hóa Hàn cũng muốn ăn thử một số món mà họ từng được xem trong phim.
Chẳng hạn như trong bộ phim \”Parasite\” (Ký sinh trùng), từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có 4 giải Oscar năm 2020. Trong một cảnh phim, người mẹ trộn hai loại mì ăn liền hiệu Nongshim. Chi trong một thời gian ngắn sau đó, doanh thu của công ty thực phẩm này của Hàn Quốc, đã tăng mạnh tại Hoa Kỳ, theo ghi nhận của tờ báo Korea Herald.
Theo ông Benjamin Joinau, giáo sư tại Đại học Hongik ở Hàn Quốc, đây không phải là chuyện ngẫu nhiên, ngành công nghiệp giải trí thường cài đặt những sản phẩm, những nét đặc trưng của dân Hàn nhằm xuất khẩu văn hóa Hàn ra thế giới. Các yếu tố này luôn được sử dụng rộng rãi trong các đoạn video ca nhạc cũng như phim truyền hình nhiều tập, hai ngành xuất khẩu mũi nhọn của làng giải trí Hàn Quốc.
Một trường hợp khác là bộ phim nhiều tập \”Business Proposal\” xoay quanh ẩm thực Hàn Quốc. Phim kể lại câu chuyện của một chủ công ty nông thực phẩm với mơ ước toàn cầu hóa món kim chi và bánh mandu, món bánh gối của người Triều Tiên, tương tự món gyoza của người Nhật Bản. Trong suốt bộ phim, các nhân vật chính thường hay nêu bật các sản phẩm của công ty Bibigo. Bộ phim hài này được phát hành trực tuyến trên mạng Netflix đã giúp cho công ty thật ở ngoài đời, tăng thêm lợi nhuận trong năm 2022.
Ẩm thực Hàn Quốc vươn ra biển lớn
Việc quảng bá ẩm thực Hàn Quốc (K-Food) cũng gặt hái được thành quá nhờ nỗ lực của chính phủ. Ngay từ năm 2008, thủ tướng Hàn Quốc lúc bấy giờ là ông Han Seung-soo đã ban hành chinh sách “toàn cầu hóa ẩm thực Hàn Quốc”. Một năm sau, Seoul phát động chiến dịch “Ẩm thực Hàn Quốc vươn ra thế giới”, với mục tiêu quảng bá rộng rãi các món ăn Hàn Quốc, với hy vọng ẩm thực xứ Hàn sớm được thế giới công nhận.
Nhiều chương trình sinh hoat đã được thành lập trong chiếu hướng này, kể cả việc mở lớp dạy nấu các món ăn Hàn tại các trường dạy nghề hay tại các trung tâm văn hóa đặc biệt là ở Paris. Ngoài ra, còn có các liên hoan ẩm thực. Kể từ 2016, tòa thị chính quận 15 Paris tổ chức hàng năm Korea Expo (Hội chợ triển lãm Hàn Quốc), nơi đề cao các đặc sản và nghệ thuật ẩm thực xứ Hàn. Nhờ vào những chương trình này, các món ăn nhu cơm trộn bibimbap hay món thịt bò nướng bulgogi của Triều Tiên, bắt đầu nổi tiếng ở nước ngoài và trở nên tiêu biểu cho ẩm thực xứ Hàn trong mắt nhiều thành phần thực khách Pháp.
Hiện giờ tại Paris, số tiệm ăn Hàn vẫn chưa nhiều bằng các quán sushi. Tuy chưa đạt được thành tích cao như mong đợi và cũng chưa thể sánh ngang hàng với các nền ẩm thực lớn khác của châu Á như Trung Hoa và Nhật Bản, nhưng nhìn chung, Hàn Quốc đã có được nhiều bước tiến đáng kể. Theo Viện Quảng bá Thực phẩm Hàn Quốc (KFPI), số lượng nhà hàng chuyên phục vu các món ăn Hàn Quốc ở nước ngoài đã tăng gấp ba lần trong chưa đầy một thập niên, từ 10.000 tiệm ăn lên tới hơn 33.000 quán từ năm 2009 đến năm 2018. Trong đó, có các quán gà rán hiệu Bonchon của Hàn Quốc đã phát triển khá nhanh với gần 400 cơ sở trên toàn thế giới. Giờ đây, ngoài hai chữ \”bon appétit\”, thực khách Pháp còn bắt đầu học lóm thêm câu nói \”masitge deuseyo\” để chúc cho nhau một bữa ăn thật ngon miệng.