Nga: Chiến tranh Ukraina góp phần làm khủng hoảng dân số thêm nghiêm trọng

Đăng ngày: 03/05/2023

\"\"
\"\"
Ảnh minh họa: Nhiều thanh niên Nga đã vượt qua trạm kiểm soát biên giới giữa Nga và Gruzia ở Verkhny Lars để vào Gruzia ngày 27/09/2023, sau khi lệnh động viên được tổng thống Nga ban hành. © AP Photo/Zurab Tsertsvadze

Trọng Nghĩa

Vốn đã bị đại dịch Covid-19 làm nặng nề thêm, cuộc khủng hoảng dân số tại Nga lại càng nghiêm trọng hơn với cuộc chiến tranh ở Ukraina, với hàng trăm ngàn người trong độ tuổi sinh sản bị thiệt mạng hay bỏ nước ra đi. Theo các nhà phân tích, đà tuột giảm dân số vốn đã mang tính chất cấu trúc tại Nga, giờ lại bị các yếu tố tình huống thúc đẩy thêm, là một nguy cơ nan giải cho quốc gia có diện tích lớn nhất hành tinh này

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, chính các chuyên gia của Trường Cao Đẳng Kinh Doanh Matxcơva đã lên tiếng báo động vào trung tuần tháng Tư vừa qua, khi đưa ra kịch bản: Nga sẽ phải đón bình quân từ 390.000 đến hơn một triệu người di cư mỗi năm, từ nay cho đến cuối thế kỷ, nếu không muốn thấy dân số của mình bị suy giảm một cách vô phương cứu chữa.

Trả lời AFP, ông Arnaud Dubien, giám đốc Đài Quan Sát Pháp-Nga ở Matxcơva, cho rằng tuy rất đáng sợ, nhưng lời báo động đó chỉ phản ánh “tình hình dân số nói chung thực sự không mấy tốt đẹp” ở Nga.

Về phía Nga, Alexei Rakcha, một nhà nhân khẩu học độc lập, nói rõ thêm: “Vấn đề là xu hướng giảm số ca sinh, bắt nguồn từ tình trạng số lượng bé gái sinh vào những năm 1990 rất thấp, điều tệ hại nhất về mặt nhân khẩu đối với Nga”. Chính thế hệ 9X này – sinh ra trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, xã hội và đạo đức sau khi Liên Xô sụp đổ – hiện giờ đã đến tuổi sinh con.

AFP nêu bật một dấu hiệu phản ánh cuộc khủng hoảng nhân khẩu học trầm trọng tại Nga: Đất nước đứng hàng thứ 9 trên thế giới này về mặt dân số, với khoảng 146 triệu dân (theo số liệu của Liên Hiệp Quốc vào năm 2022), đã mất tổng cộng 600.000 cư dân vào năm 2022, 1,04 triệu một năm trước đó và gần 700.000 vào năm 2020.

Đại họa Covid-19

Trên nền tảng không mấy tốt đẹp đó, đại dịch Covid-19 vào năm 2020-2021 đã tấn công mạnh vào Nga, với gần 400.000 người chết theo báo cáo chính thức, một con số phần lớn bị giới quan sát cho là thấp hơn nhiều so với thực tế.

Theo tuần báo Anh The Economist ngày 04/03/2023, số liệu chính thức của Nhà Nước Nga, vốn chỉ ghi nhận 388.091 ca tử vong trong đại dịch Covid-19, đã bị hầu hết các chuyên gia đánh giá là thấp hơn rất nhiều so với số người chết thực thụ. Theo tờ báo Anh, từ năm 2020 đến năm 2023, số tử vong cao hơn mức bình thường tại Nga nằm trong khoảng từ 1,2 đến 1,6 triệu người chết.

Ngay cả cơ quan thống kê Nhà nước Nga Rosstat cũng đưa ra một con số người chết vì Covid-19 vượt mức 660 ngàn người, cao hơn gấp đôi số liệu của chính phủ.

Theo ông Igor Efremov, một nhà nhân khẩu học nổi tiếng thuộc Viện Nghiên Cứu Chính Sách Kinh Tế Gaidar ở Matxcơva, “tuổi thọ ở Nga đã giảm khoảng ba tuổi trong hai năm xảy ra đại dịch”, trước khi quay trở lại mức trung bình là gần 73 tuổi.

Tử vong cao tại Ukraina

Đối với dân số Nga, có thể nói là họa vô đơn chí. Tác hại từ đại dịch Covid-19 chưa giải quyết được thì chính quyền Putin đã lại tung ra một cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina vào tháng 2 năm 2022, một cuộc chiến mà một trong những hệ quả rõ rệt nhất là tiêu tốn nhân lực.

Hôm 01/05 vừa qua, chính quyền Mỹ đã tung ra một quả bom khi công bố một bản ước tính về tổn thất của Nga tại Ukraina trong thời gian gần đây, theo đó thì đã có đến 100.000 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến từ tháng 12 năm ngoái (2022) đến nay, trong đó có 20.000 người tử trận.

Gần như là đồng thời, bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Ukraina đã công bố báo cáo về tổn thất của Nga kể từ đầu chiến dịch xâm lược Ukraina vào ngày 24/02/2022. Theo phía Kiev, đã có đến 181.550 lính Nga bị thiệt mạng trong các cuộc giao tranh (bao gồm 460 người trong tuần trước).

Do việc các số liệu về mức độ thương vong là bí mật quốc gia của mọi bên tham chiến, các số liệu nêu trên chưa thể kiểm chứng được, nhưng rõ ràng tổn thất của Nga rất lớn.

Một bản ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, xuất bản vào tháng Hai, ghi nhận rằng “Số binh sĩ Nga thiệt mạng ở Ukraina trong năm đầu tiên của cuộc chiến cao hơn tất cả các cuộc chiến khác mà nước này đã tham gia kể từ sau Thế Chiến Thứ II”.

Về phần mình, trong một bản tin ngày 17/02, bộ Quốc Phòng Anh ước tính rằng \”các lực lượng của Bộ Quốc Phòng Nga và các nhà thầu quân sự tư nhân có thể đã bị mất đi từ 175.000 đến 200.000 người kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraina”.

Đối với ông Alain Blum, chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu Nhân Khẩu Học Quốc Gia (INED) tại Pháp, số thương vong trên chiến trường “có ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc của các gia đình, qua đó tác động đến tỷ lệ sinh sản và tuổi thọ trong nước”. Lý do là những người Nga bị động viên đi lính hầu hết là nam thanh niên, đang trong độ tuổi sinh đẻ và xây dựng gia đình.

Thất thoát nhân lực

Một tác động thứ hai của cuộc chiến Ukraina trên dân số Nga là hiện tượng thanh niên bỏ nước ra đi để tránh bị động viên nhập ngũ. Hiện tượng này đặc biệt phổ biến sau sắc lệnh động viên “bán phần” được ban hành vào tháng 9 năm ngoái.

Theo nhà nghiên cứu Alexei Rakcha, hiện đang sống ở nước ngoài sau khi làm việc cho cơ quan thống kê Nga Rosstat, kể từ tháng 9, “hơn 2% trong số những người 20-40 tuổi đã bị gọi nhập ngũ, và khoảng 3% nữa trong thế hệ này đã rời bỏ nước Nga”.

Ông ước tính rằng “ít nhất nửa triệu người đã rời đi, có thể nhiều hơn, chủ yếu là nam giới”, trong đó có “nhiều người rất có trình độ”. Trước đó, có lẽ đã có khoảng 100.000 người khác bỏ Nga ra đi từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2022, khi xung đột nổ ra.

Sự thất thoát nhân khẩu này càng làm suy yếu nền kinh tế Nga vào lúc số người tham gia vào thị trường lao động ít hẳn đi. Ông Rakcha phân tích: \”Nga thiếu công nhân. Đó là một vấn đề cũ, nhưng đã trở nên tồi tệ hơn vì lệnh động viên và hiện tượng rời đi ồ ạt”.

Theo AFP, bà Natalia Zubarevich, một nhà kinh tế tại Đại Học Quốc Gia Matxcơva, cho rằng trong số những người Nga đã ra nước ngoài từ hơn một năm nay, \”một số sẽ quay trở lại\”.

Ông Igor Efremov cũng đánh giá \”ảnh hưởng\” của nạn chảy máu chất xám đã bị “phóng đại”, và hàng nghìn người Nga bỏ ra nước ngoài vẫn tiếp tục làm việc từ xa cho các công ty Nga, đôi khi đi đi về về.

Thế nhưng một đạo luật vừa ban hành gần đây đã hạn chế các cơ hội kinh tế của những người tìm cách trốn quân dịch. Điều đó có thể khuyến khích những người đã trốn ra nước ngoài định cư lâu dài ở đó, có nguy cơ làm trầm trọng thêm những khó khăn về dân số mà Nga đang phải đối phó.

Bài Liên Quan

Leave a Comment