Bình luậnQuang Nhật • 04/05/23
Ngay sau tin Fed tăng lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản, vàng lập tức thiết lập kỷ lục mới, phản ánh nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư trước cơn bão khủng hoảng ngân hàng chưa qua. Mặc dù Fed đã để ngỏ khả năng dừng lại chu kỳ tăng lãi suất điều hành, nhưng mức lãi suất vừa thiết lập – nếu kéo dài đủ lâu – cũng khiến hệ thống tài chính ngân hàng của Mỹ tiếp tục khó khăn và khó lường.
Hôm nay, ngày 4/5/2023, có thời điểm vàng đã đạt đến mức giá cao chưa từng có trong lịch sử giao dịch, 2.073 USD/ounce. Hiện tại, giá vàng ở mức 2.040 USD/ounce.
Giá vàng tăng mạnh, thiết lập kỷ lục, ngay sau tin tức Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đưa ra quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%, đưa lãi suất chính sách của Fed về mức 5 – 5,25%/năm. Đây là lần thứ 10 liên tiếp Fed tăng lãi suất. Dù Fed để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất điều hành trong kỳ họp tới, song lạm phát vẫn còn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của Fed, điều này có thể khiến chu kỳ tăng lãi suất tiếp tục. Nhưng dù là thế nào, mức lãi suất 5-5,25%/năm chưa thể hạ xuống trong vài tháng tới.
Dù sao, trong phát biểu sau kỳ họp quyết định chính sách của Fed, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã không còn đưa ra dự đoán rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Không chỉ Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất chính sách vào hôm nay thứ Năm ngày 4/5/2023.
Kinh tế Mỹ yếu đi, rủi ro khủng hoảng gia tăng, lạm phát kéo dài và lỳ lợm khiến đồng USD mất giá theo.
Trong giai đoạn này, vàng có tất cả các lý do để tăng giá, bởi vì sự tăng giá nhanh chóng của vàng không bao giờ là bong bóng giá như bất kỳ hàng hoá nào khác trên thị trường. Ngược lại, nó là dấu hiệu cho thấy một cuộc khủng hoảng đã bắt đầu, các loại tiền tệ khác đã suy yếu, các thị trường hàng hoá khác đã không còn có thể tăng trưởng, ngược lại có thể bắt đầu giảm giá và thậm chí là đổ vỡ.
Thực tế, ngân hàng trung ương các nền kinh tế còn phụ thuộc vào USD như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, … đã tăng cường mua vàng vật chất trong suốt một năm qua. Điều nay luôn diễn ra trong các giai đoạn đồng USD suy yếu. Như NTDVN đưa tin, Trung Quốc đã bổ sung 1,03 triệu ounce (32 tấn) vàng vào kho dự trữ của họ vào tháng 11/2022, theo một tuyên bố chính thức của Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) vào ngày 07/12. Trong khi đó, lượng trái phiếu kho bạc Mỹ nước này nắm giữ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm.
USD suy yếu không chỉ bởi chính sách tiền tệ của Mỹ, lạm phát kéo dài ở nước này mà còn bởi cuộc khủng hoảng ngân hàng chưa thấy điểm kết thúc. Vào tháng 3/2023, Chủ tịch Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Hoa Kỳ ước tính rằng với mức lãi suất chính sách 4,75% của Fed, hệ thống NHTM của Hoa Kỳ lỗ 620 tỷ USD. Hiện nay, hai tháng sau công bố đó, lãi suất của Fed đã lên 5 – 5,25%. Đánh dấu một sự thua lỗ nặng hơn nữa cho hệ thống NHTM nước này. Các thị trường tài sản tài chính có thể tiếp tục xấu hơn, giá nhà ở suy giảm và chất lượng tài sản của các định chế tài chính có thể thúc đẩy một cuộc khủng hoảng tài chính sâu rộng hơn nữa.
Cùng với vàng tăng giá, chỉ số giá DXY của USD suy giảm mạnh, về mức 101 điểm, giảm 0,13% trong ngày và giảm 2,46% so với đầu năm.
Quang Nhật