Đăng ngày: 04/05/2023
Vụ drone tấn công vào điện Kremlin vào sáng sớm ngày 03/05/2023 và bị bắn hạ đã làm dấy lên tranh cãi gay gắt giữa Matxcơva và Kiev, với việc Nga quy trách nhiệm cho Ukraina, buộc Kiev phải cực lực cải chính. Ai đúng, ai sai, điều đó chưa thể xác định được, vì nhiều câu hỏi liên quan đến vụ việc vẫn chưa có lời giải đáp.
Về diễn biến của vụ việc, hãng tin Pháp AFP ghi nhận là cho đến giờ, chỉ mới có các hình ảnh từ video được truyền thông Nga phát ra trên mạng xã hội: Trong một đoạn video, người ta thấy một thiết bị bay phát nổ thành một đám lửa ngay bên trên một lá cờ Nga cắm trên mái vòm của Cung Thượng Viện, môt trong những tòa nhà chính trong khuôn viên điện Kremlin.
Về tác giả vụ tấn công, Matxcơva khẳng định rằng đó là Ukraina, một cáo buộc bị Kiev hoàn toàn bác bỏ. Thậm chí, theo hãng AFP, ông Mykhaïlo Podoliak, một trong những cố vấn của tổng thống Ukraina còn cáo buộc Nga “dàn dựng” mọi sự để biện minh cho “một cuộc tấn công khủng bố lớn ở Ukraina”.
Về phía Mỹ, ngoại trưởng Antony Blinken cũng cho rằng cần phải xem xét những gì mà Matxcơva đưa ra “một cách hết sức thận trọng”.
Riêng ông Sergei Sullenny, một chuyên gia về Đông Âu, thì lại quy kết trách nhiệm cho Nga, nêu bật việc chính điện Kremlin đã nhanh chóng “xác nhận” vụ việc và cho lưu hành ngay các đoạn phim trích từ các camera an ninh trong tay chính quyền. Theo chuyên gia này, rõ ràng là Matxcơva muốn “mọi người chứng kiến” sự kiện đó.
Ukraine cũng có thể là tác giả
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác không loại trừ khả năng Ukraina là tác giả vụ tấn công, vì nước này có thừa khả năng kỹ thuật và công nghệ để thực hiện các cuộc tấn công tầm xa, sâu trong lãnh thổ Nga, như họ đã từng làm trước đây.
Nhà phân tích Samuel Bendett, thuộc Trung Tâm Phân Tích Hải Quân tại Mỹ, cho rằng phương tiện được dùng để tấn công có thể là loại drone UJ-22, thậm chí là loại PD-1 của Ukraina, hoặc Mugin-5 do Trung Quốc chế tạo mà Kiev đã từng sử dụng.
Theo chuyên gia này, UJ-22 “có tầm hoạt động xa và có khả năng vươn tới Matxcơva”. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là chiếc drone đó xuất phát từ nơi nào.
Ngoài ra, vụ việc cũng đặt ra câu hỏi về hiệu quả của hệ thống phòng không của Nga. Chuyên gia Bendett nhắc lại: “Vào năm ngoái, giới phân tích Nga đã hàm ý rằng màng lưới phòng không Nga không thể bảo vệ toàn bộ đất nước và một số sơ hở nhất định có thể bị khai thác”.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng tự hỏi là “tại sao chiếc drone lại không bị bắn chặn trên bầu trời Matxcơva”.