Ngoài Vương quốc Anh ra thì vua Charles còn là nguyên thủ quốc gia của 14 nước khác, đa số rất nhỏ, trong Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth).
Theo một bài trên BBC News đánh giá Liệu vua Charles có còn là nguyên thủ của cả 15 nước nay mai hay không thì nước to nhất trong khối này, Australia, chắc chắn sẽ bỏ nền quân chủ dù là hình thức.
Xu thế của người Úc là chọn chuyển sang chế độ cộng hòa, theo chính lời Thủ tướng Anthony Albanese.
Tuy thế, để bỏ vua, Australia cần cuộc trưng cầu dân ý với kết quả quá bán và có 4 trên 6 bang đồng ý.
Thủ tướng Albanese mới năm ngoái còn đặt ra một chức quốc vụ khanh (thứ trưởng) chuyên trách về vấn đề \”nền cộng hòa\”.
Quốc gia láng giềng của Australia, với đa số dân gốc Anh, Scotland…cũng đi theo hướng đó.
Mới tuần này, Thủ tướng Chris Hipkins cho hay ông là \”người theo tư tưởng cộng hòa\” và vào một ngày, New Zealand sẽ bỏ nền quân chủ.
Ở Canada, nước có đông đảo dân là gốc Anh và gốc Âu, tình cảm với vua Charles cũng được đánh giá là không sâu sắc và lễ Đăng quang cuối tuần này ở London \”bị thờ ơ\”.
Tin mới nhất, theo đài SkyNews thì Bộ trưởng Ngoại giao Jamaica cho hay nước này có thể \”nhanh chóng bỏ vua Charles\”, chỉ trong năm 2024.
Lý do là họ cảm thấy gắn bó với cố Nữ hoàng Elizabeth II hơn là với tân vương nước Anh.
Triệu người xem, triệu người không
Vua Charles và Hoàng hậu Camilla: Lễ Đăng quang 06/05/2023 sẽ được hàng triệu dân ở Anh và người trên thế giới xem qua truyền hình trực tiếp.
Một báo Anh sáng thứ Bảy 04/05 cho hay đại lễ, gồm các màn diễu binh, kỵ mã, lễ rước vua và vương miện cùng trình diễn phi cơ trên bầu trời London, sẽ đem về cho thành phố này 400 triệu bảng tiền du lịch.
Nhưng một điều tra dư luận nói có tới 21 triệu người ở Anh nói họ sẽ tranh thủ lấy các ngày nghỉ cuối tuần, gồm ngày nghỉ \’mừng Tân vương\’ vào thứ Hai 08/05, để đi nghỉ xa chứ không xem lễ.
Đài BBC sẽ truyền hình trực tiếp từ sáng thứ Bảy và BBC News Tiếng Việt cũng sẽ có trang web trực tuyến về sự kiện này từ 10:20 sáng, theo giờ London.