Tác giả : Reuters | Nguồn: VOA Tiếng Việt | Ngày đăng: 2023-05-04 |
Vương miện Nhà nước Đế chế Anh (10/5/2022).
Một số người Nam Phi đang đề nghị Vương quốc Anh trả lại viên kim cương lớn nhất thế giới, có tên Ngôi sao Châu Phi, được gắn trên vương trượng hoàng gia mà Vua Charles III sẽ cầm trong lễ đăng quang hôm thứ Bảy 6/5.
Viên kim cương nặng 530 carat, được phát hiện ở Nam Phi vào năm 1905 và được chính quyền thuộc địa tại quốc gia này, lúc bấy giờ nằm dưới sự cai trị của Anh, tặng cho chế độ quân chủ Anh.
Giờ đây, giữa lúc có những cuộc thảo luận trên toàn cầu về việc trả lại các tác phẩm nghệ thuật và đồ tạo tác đã bị cướp bóc trong thời thuộc địa, một số người Nam Phi đang kêu gọi hãy trả lại viên kim cương đó.
Mothusi Kamanga, một luật sư và cũng là nhà hoạt động ở Johannesburg, người đã thúc đẩy một bản kiến nghị trực tuyến về việc trả lại viên kim cương đã thu thập được khoảng 8.000 chữ ký, nói: \”Viên kim cương cần quay về Nam Phi. Lẽ ra nó phải là biểu tượng thể hiện niềm tự hào, di sản và văn hóa của chúng tôi\”.
\”Tôi nghĩ rằng nhìn chung người dân châu Phi đang bắt đầu nhận ra rằng phi thực dân hóa không chỉ là để cho mọi người có một số quyền tự do nhất định, mà còn là để lấy lại những gì đã bị tước đoạt khỏi chúng tôi\”.
Có tên chính thức là Cullinan I, viên kim cương trên vương trượng được cắt từ viên kim cương Cullinan, nặng 3.100 carat được khai thác gần Pretoria.
Một viên kim cương nhỏ hơn được cắt từ cùng một viên đá quý đó, có tên là Cullinan II, được đặt gắn vào Vương miện Nhà nước Đế chế, được các vị quân vương Anh đội trong các dịp nghi lễ. Cùng với vương trượng, nó được cất giữ bên cạnh những viên ngọc quý khác trong Tháp London.
Một bản sao viên kim cương Cullinan, có kích thước bằng nắm tay của một người đàn ông, được trưng bày tại Bảo tàng Kim cương Cape Town.
“Tôi tin rằng nó cần được hồi hương vì rốt cuộc là họ đã tước nó khỏi tay chúng tôi trong khi đang đàn áp chúng tôi”, Mohamed Abdulahi, cư dân Johannesburg, nói.
Những người khác nói rằng họ không cảm thấy đây là vấn đề lớn.
\”Tôi không nghĩ chuyện này còn quan trọng nữa. Mọi thứ đã thay đổi, chúng ta vẫn đang thay đổi, tiến bộ\”, cư dân địa phương Dieketseng Nzhadzhaba nói.
\”Điều từng là quan trọng đối với họ trong những ngày xa xưa để chứng tỏ họ ở vị thế cao hơn … thì nay nó không còn quan trọng với chúng tôi nữa\”.