Thứ Hai, 08 Tháng Năm 2023
Trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu lâu nay người Việt, thậm chí cả Tây, vẫn nghĩ là sự thần thánh của đạo quân chân đất Việt Minh. Nhưng thực ra nó là đó là một canh bạc lớn của Trung cộng, họ phải dồn nguồn lực vào đó, hỗ trợ bằng được ông em (về tuổi tác còn là ông anh) Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để đánh thắng Pháp.
Bởi vì, Trung cộng từ khi hình thành bốn năm trước vẫn mang tiếng là thổ phỉ đi lên, dạng khởi nghĩa nông dân cướp chính quyền của giới tinh hoa Quốc dân đảng. Chính danh chả có, không phải đánh đổ thực dân, phong kiến gì cả. Nên chẳng có vai trò trong mắt quốc tế.
Để khuếch trương thanh thế, tỏ ra một nước lớn, sau cả trăm năm bị coi là Đông Á bệnh phu, bị Tây, Nhật ức hiếp, Trung cộng bắt buộc phải \”xuất khẩu cách mạng\” sang Bắc Triều Tiên và Bắc Việt Nam. Đem làn sóng đỏ lan ra các nước lân bang, cũng chính là vùng đệm (thuộc quốc) cũ của Trung Quốc. Bề ngoài thì coi là tình hữu nghị vô sản cùng xây dựng thế giới đại đồng, nhưng bản chất là Trung cộng muốn vợt lại thuộc địa cũ.
Lưu ý là nước Triều Tiên trước khi bị Nhật chiếm, thì là thuộc quốc của Thanh triều. Còn nước Đại Nam, thì cũng tương tự, nhà Thanh còn đánh trận tưng bừng với quân Pháp ở Bắc Kỳ, theo lời cầu viện bí mật của Tự Đức. Kết cục là thua trận, nên bị mất thuộc quốc. Chiếc ấn Việt Nam quốc vương do Thanh triều ban cho vua Nguyễn đã bị nung chảy dưới triều Đồng Khánh, để chứng tỏ sự thoát Hán bởi người Pháp.
Như vậy, việc xuất khẩu cách mạng, hỗ trợ chế độ cộng sản ở Triều Tiên và Việt Nam cũng chính là việc đi tìm lại quá khứ hào hùng của đế chế Đại Thanh với cái danh xây dựng thế giới đại đồng mà thôi. Nếu liên hệ với hiện tại, thì cũng giống như việc nước Nga của Putin tấn công Ukraine để đòi thuộc quốc phải quay lại vòng tay của Sa hoàng Putin đại đế.
Hay việc Việt Nam đánh đuổi Khmer đỏ rồi đóng quân lại Campuchia cũng chính là lặp lại quá khứ huy hoàng thời chúa Nguyễn và đỉnh cao là thời Minh Mạng, bảo kê Chân Lạp, tranh giành ảnh hưởng với Xiêm. Tất cả đều nằm trong khái niệm vùng đệm địa chính trị chứ chả ai cho không ai cái gì cả, không có tình hữu nghị vô sản gì đâu.
Việc đánh thắng canh bạc Điện Biên Phủ và thắng lợi ở Bắc Triều Tiên sẽ tạo cho Trung cộng một chỗ đứng ở bàn đàm phán. Hội nghị Geneva đã đưa các đồng chí thổ phỉ, nông dân vào ngồi chung bàn đàm phán với các cường quốc từng họp hội nghị Yalta và Potsdam phân chia lại thế giới sau thế chiến như Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô (tứ cường). Với vị thế của \”nhà đầu tư\” cho đạo quân chiến thắng là Việt Minh, tự nhiên Trung cộng có một vị thế của kẻ đánh cờ phân chia vùng ảnh hưởng trong khu vực. Việc họp bàn về Triều Tiên bị đi vào ngõ cụt nên hội nghị Geneva chỉ còn bàn tới việc phân chia Đông Dương.
Chính Chu Ân Lai mới là kẻ đánh cờ trong hội nghị đầu tiên khiến Trung cộng rũ bùn đứng dậy sáng lòa một góc trời. Trước đây Trung Hoa Dân Quốc không thể có cái vị thế đàm phán ngang cơ thế được với các cường quốc. Trung cộng lúc đó chỉ là đàn em của Liên Xô mà thôi.
Kể từ món nợ Điện Biên Phủ, rồi sau đó là việc hỗ trợ đánh Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa càng lún sâu vào vòng xoáy nợ nần với Trung cộng không thể thoát ra. Lối thoát duy nhất chỉ là dựa vào Liên Xô được hơn 10 năm nhưng tạo nên một hệ lụy đau thương khi Liên Xô sụp đổ.
Như vậy, trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu cũng chính là thời điểm mấu chốt mà Việt Minh ký vào giấy vay nợ Trung cộng. Người ta đầu tư tiền bạc, trí lực, xương máu nhiều như vậy thì đâu dễ mà để mình tuột khỏi tay.
Sách giáo khoa lịch sử không bao giờ dạy bạn về bối cảnh địa chính trị như vậy đâu, chỉ dạy các bạn về lòng tự hào khi đánh thắng đế quốc to thôi. Nhưng làm thế nào để biến đạo quân chân đất chỉ biết bắn súng kíp thành một đạo quân biết bắn pháo, biết phối hợp binh chủng với chiến tranh hiện đại thì họ không dạy.
Trung cộng đầu tư cho thuộc quốc không khác gì đại ca giang hồ cho đàn em vay tiền, sao mà dễ bùng nợ, dù không hề có giấy vay nợ. Đại ca không bao giờ muốn đệ tử trở nên mạnh mẽ, để nó tranh ngôi đầu đàn sao?
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 07.05.2023