Đăng ngày: 09/05/2023
Ngày 09/05/1950, bản \”Tuyên bố Schuman\”, tên ngoại trưởng Pháp thời đó, có ghi rằng: \”Hòa bình thế giới chỉ có được nếu không có những nỗ lực sáng tạo tương xứng với những hiểm nguy đang đe dọa nền hòa bình\”. 73 năm sau, tuyên bố này hơn bao giờ hết vẫn mang tính thời sự.
Ngược dòng thời gian, vào thời điểm đó, Robert Schuman, ngoại trưởng Pháp, theo đề xuất của Jean Monnet, Ủy viên Kế hoạch đầu tiên về việc thành lập một tổ chức chịu trách nhiệm sản xuất chung than và thép Pháp – Đức. Văn bản này đã dẫn đến việc hình thành Cộng Đồng Than Thép Châu Âu giữa sáu nước châu Âu.
Kể từ đó, châu Âu chọn ngày này, 09/5, làm Ngày Châu Âu và được Hội Đồng Châu Âu đặt thành ngày lễ vào năm 1985. Bảy mươi ba năm sau ngày « tuyên bố Schuman », được cho là đã đặt nền móng cho việc xây dựng cộng đồng chung châu Âu, Liên Hiệp Châu Âu đang phải đối mặt với ít nhất ba câu hỏi lớn trong bối cảnh cuộc xâm lược Ukraina do Nga tiến hành từ hơn một năm qua : Làm thế nào bảo vệ an ninh cho châu lục Già ? Làm thế nào ngăn chặn tình trạng tăng giá năng lượng ? Và liệu nên duy trì khối 27 nước như hiện nay hay là nên mở rộng cửa cho nhiều nước khác ?
Trong lĩnh vực quốc phòng, ý tưởng xây dựng một quân đội châu Âu dưới sự giám sát của NATO có từ thời Schuman, từng bị Quốc Hội Pháp bác bỏ năm 1954, giờ như được khởi sắc qua việc Ủy ban Châu Âu hôm 3/5 đề nghị tăng tốc sản xuất đạn dược chung tại châu lục (dù là để hỗ trợ Ukraina).
Theo đánh giá của Pierre Haroche, chuyên gia quan hệ quốc tế thuộc Queen Mary University ở Luân Đôn, được nhật báo La Croix trích dẫn, để có thể khẳng định vị thế của khối trên trường quốc tế, Liên Âu cần phải vạch ra một chính sách phòng thủ thật sự, nghĩa là ngoài những cơ sở công nghiệp quốc phòng hiện có, khối 27 nước phải « mua vũ khí chung hay thiết bị quân sự chung để làm nổi bật ngành công nghiệp vũ khí ».
Trên bình diện năng lượng, Liên Hiệp Châu Âu có thể trông cậy vào « lá chủ bài » năng lượng tái tạo, khi « tăng cường phần đóng góp của nguồn năng lượng sạch này trong gói hỗn hợp năng lượng và thiết lập nhiều mối quan hệ chặt chẽ với nhiều đối tác khác như Qatar, Algeri hay Na Uy – ổn định hơn và ít nguy hiểm hơn là Nga », theo như phân tích của nhà nghiên cứu Susi Dennison, Hội đồng Quan hệ Quốc tế châu Âu (ECFR). Cũng theo nữ chuyên gia này, Liên Âu cũng nên tránh quá lệ thuộc vào Washington. Bất kể là ai, Donald Trump hay Joe Biden là tổng thống Mỹ trong sắp tới, châu Âu cũng đều có nguy cơ đối mặt với nhiều hệ quả tiêu cực với những lý do khác nhau.
Vấn đề lớn thứ ba là việc mở rộng Liên Hiệp Châu Âu. Eric Maurice, giám đốc Quỹ Robert-Schuman trụ sở tại Bruxelles nhận xét, Liên Âu 36 nước thành viên (tức bao gồm Ukraina, các nước vùng Tây Balkan , Moldova và Gruzia) sẽ không thể vận hành như khi có 27 nước. Liên Hiệp Châu Âu khi đó, buộc phải tiến hành các cải cách về cách thức vận hành nội bộ (số lượng đại biểu, ủy viên châu Âu…) cũng như ở bên ngoài do có liên quan đến vị thế của khối trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh này, nhà ngoại giao người Pháp, Maxime Lefebrev, trong một ghi chú, cảnh báo về nguy cơ một châu Âu tan rã hơn là sự hội nhập do những « mất cân bằng nội bộ và phân tán quyền lực gây ra thay vì tiếp tục cải tổ sâu rộng ». Nhà ngoại giao này cho rằng, để tránh « kịch bản thảm khốc » xảy ra, một sự « đồng thuận » của trục Pháp – Đức vững mạnh sẽ giúp củng cố khối này thêm bền chắc.
Trong bối cảnh này, ngày 09/5 năm nay sẽ mang một ý nghĩa biểu tượng mới : Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ có bài phát biểu trước Nghị Viện Châu Âu. Năm 2022, chính tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thực thi nhiệm vụ này !