Tổng thống Zelensky muốn Liên Âu mở ngay đàm phán về kết nạp Ukraina

Đăng ngày: 10/05/2023

\"\"
\"\"
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen (T) và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy trong cuộc họp báo chung, tại Kiev, Ukraina, ngày 09/05/2023. REUTERS – VALENTYN OGIRENKO

Thanh Phương

Tiếp chủ tịch Ủy Ban Châu Âu tại Kiev hôm qua, 09/05/2023, tổng thống Volodymyr Zelensky đã đưa ra các đề xuất đối với Liên Hiệp Châu Âu, trong đó có đề nghị mở ngay các cuộc đàm phán về việc kết nạp Ukraina làm thành viên.

Trong cuộc họp báo chung với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, ông Zelensky tuyên bố: “ Đã đến lúc nên có một quyết định thuận lợi về mở các đàm phán về việc Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu”.

Từ nhiều năm qua, Ukraina vẫn xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO. Kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược vào tháng 2/2022, Kiev đã nhiều lần yêu cầu Bruxelles mở đàm phán về việc thâu nhận Ukraina, xem đây là bảo đảm duy nhất cho an ninh của nước này trước nước Nga.

Liên Hiệp Châu Âu đã cấp quy chế ứng viên chính thức cho Ukraina từ tháng 6/2022, nhưng yêu cầu Kiev tiếp tục thực hiện các cải tổ cần thiết, nhất là về chống tham nhũng. Việc mở đàm phán về thâu nhận Ukraina phải được các nước thành viên Liên Âu nhất trí thông qua, sau khi có đề nghị của Ủy Ban Châu Âu.

Theo dự kiến, trong những tuần tới, Ủy Ban Châu Âu sẽ cho ý kiến tạm thời về những tiến bộ của Ukraina để quyết định về việc mở đàm phán với Kiev, trước khi ra báo cáo chính thức vào tháng 10. Theo thẩm định của Bruxelles, đàm phán về việc thâu nhận Ukraina phải mất từ 6 đến 10 năm, trong khi Kiev muốn được vào Liên Âu sớm hơn. 

Trong bối cảnh quân đội Ukraina đang chuẩn bị mở cuộc phản công nhằm giành lại các vùng lãnh thổ bị quân Nga chiếm đóng, tổng thống Zelensky hôm qua đã cám ơn chủ tịch Ủy Ban Châu Âu về quyết định cung cấp một triệu đạn pháo cho Ukraina, nhưng nhấn mạnh là cần phải giao số đạn đó nhanh hơn. 

Ông Zelensky còn kêu gọi nhanh chóng bãi bỏ các hạn chế về xuất khẩu nông phẩm Ukraina, vốn đang gây căng thẳng giữa Kiev với các nước láng giềng. Năm nước Ba Lan, Slovakia, Hungary, Bulgari và Rumani đã thi hành các biện pháp nhằm  bảo hộ mậu dịch, trước tình trạng ngũ cốc Ukraina tràn ngập, khiến giá nông phẩm sụt giảm mạnh, gây thiệt hại cho các nông gia ở những nước này. 

Cuối tháng Tư vừa qua, Ủy Ban Châu Âu đã đạt được một thỏa thuận giữa các nước có liên quan để ngũ cốc Ukraina được trung chuyển qua các nước này đến các nước thứ ba.

Bài Liên Quan

Leave a Comment