Ông Trần Văn Bang
Facebook/Bang Trần
Việt Nam hãy hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do ngay cho nhà hoạt động Trần Văn Bang, người dự kiến bị đem ra xét xử vào ngày 12/5 ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Đó là kêu gọi của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch-HRW) đưa ra trong thông cáo ngày 11/5 từ Bangkok.
Ông Trần Văn Bang bị bắt vào ngày 1/3 năm ngoái với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” dưới Điều 117, Bộ Luật Hình sự Việt Nam.. Nếu bị buộc tội, ông Bang sẽ đối diện với bản án lên đến 12 năm tù.
Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW, ông Phil Robertson, được trích lời trong thông cáo: “Chính phủ Việt Nam sử dụng đi sử dụng lại Điều 117 để bịt miệng bất cứ công dân nào dám sử dụng mạng Internet để chỉ trích chính phủ hoặc lên tiếng ủng hộ dân chủ, nhân quyền.”
Theo HRW, kể từ năm 2018 khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực đến nay, tòa án Việt Nam đã kết án ít nhất 60 bloggers và nhà hoạt động theo Điều 117 với các mức án từ bốn đến 15 năm tù.
Ông Trần Văn Bang, thường được gọi là Trần Bang, 62 tuổi, từng là bộ đội trong những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Sau khi ra quân, ông học trở thành kỹ sư thủy lợi. Ông từng tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam. Hồi tháng 11/2015, trong cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm của Tập Cận Bình đến Việt Nam, ông bị an ninh hành hung đến bị thương. Ông cũng từng tham gia vào những cuộc biểu tình chống gây ô nhiễm môi trường, kêu gọi nhân quyền, phản đối Dự Luật An ninh Mạng hồi năm 2018.
Ông công khai ủng hộ nhiều tù nhân chính trị đã có án hay đang bị giam giữ gồm Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Lê Đình Lượng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn, nguyễn Văn Hóa, Phạm Chí Thành, Nguyễn Năng Tĩnh…
Vào tháng 12/2020, ông Trần Văn Bang tham gia tuyệt thực một ngày để ủng hộ tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức. Ông Bang cũng giúp gây quỹ để hỗ trợ cho những nhà hoạt động khác như Đinh Văn Hải, Vũ Tiến Chi khi những người này bị an ninh tấn công hồi tháng 6/2018 do đến thăm cựu tù nhân lương tâm Đỗ thị Minh Hạnh tại Lâm Đồng.
Trong những năm gần đây, ông thường xuyên bị an ninh canh nhà nên không thể tham gia những hoạt động mà cơ quan chức năng cho là “nhạy cảm chính trị”.
Trước khi bị bắt chỉ ít tháng, sức khỏe của ông Bang suy kém nên ông phải dừng mọi hoạt động, tập trung lo chữa trị.