Một tuần trước hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản xác nhận đang thảo luận với khối NATO về việc mở văn phòng liên lạc của họ tại Nhật.
NATO-Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương không đón nhận thành viên ở Đông Á, vì lý do địa chính trị, nhưng sự hiện diện của khối quân sự này ở Đông Bắc Á khiến Trung Quốc và Nga lo ngại.
Vùng Viễn Đông của Nga
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nói với đài Mỹ CNN hôm 10/05/2023 rằng lý do Nhật tăng cường quan hệ với NATO là vì \”cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraine làm thế giới ít an toàn hơn trước\”.
Tin báo chí đã đăng từ trước nói rằng sau chuyến thăm của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tới Nhật Bản và Hàn Quốc hồi đầu năm, việc hợp tác của Liên minh Bắc Đại Tây Dương với các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc tại vùng Thái Bình Dương sẽ tăng lên đều.
Tờ Nikkei Asia ngày 3/5 nói NATO dự định mở văn phòng đại diện đầu tiên tại châu Á ở Nhật Bản vào năm sau, nhằm mục đích trao đổi, điều phối quan hệ hợp tác với các nước đồng minh trong vùng.
Tuy thế, với Nga thì đây là chuyện nghiêm trọng vì sau ngày 4/4, khi Phần Lan chính thức là thành viên 31 của NATO, Nga có thể phải đối mặt với thách thức từ bốn hướng: Tây, Bắc, Nam và ở vùng Viễn Đông.
Ngay lập tức, trong tháng 4 vừa qua, các tàu chiến Nga đã tập trận chống ngầm ở biển Nhật Bản sau khi bắn hỏa tiễn từ tàu mặt nước hồi tháng 3 trong vùng biển Okhotsk.
Việc can dự của Tokyo vào cuộc chiến Ukraine, và hợp tác quốc phòng, quân khí chặt chẽ giữa Hàn Quốc và Ba Lan đều là các chuyển biến khiến Nga phải suy nghĩ và phản ứng.
Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida trong tháng 3 đã bất ngờ thăm Ukraine.
Cùng thời gian, Nga cử hai phi cơ ném bom chiến lược bay qua vùng nước ngoài khơi Nhật Bản trong bảy giờ liền, theo Reuters.
Bên cạnh đó, theo các báo Nhật thì lo ngại về Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là lý do khác nữa khiến Tokyo mở rộng hợp tác với NATO.
Kịch bản \”ác mộng\” cho Trung Quốc?
Từ sau khi Liên Xô tan rã, Trung Quốc lo ngại sự hiện diện sát biên giới của bất cứ thế lực nào thân Hoa Kỳ, nhất là từ vùng Trung Á vốn tiềm tàng bất ổn.
Trung Quốc có Tân Cương là vùng người Uighur theo đạo Hồi và đồng văn với một số quốc gia theo văn hóa giống Thổ Nhĩ Kỳ (Turkic). Bên trong, Bắc Kinh nói về nhu cầu chống \”chủ nghĩa ly khai\”. Bên ngoài, giới quan sát cho rằng Trung Quốc đã nỗ lực tạo ra các sáng kiến ngoại giao để không bị tác động \”đổ vỡ\” tại khu vực thuộc Liên Xô cũ lan sang, và để tránh tình trạng NATO tiến lại gần biên giới phía Tây.
Điều đáng lo ngại nhất cho Trung Quốc là thời Boris Yeltsin, Nga có vẻ không thấy việc NATO mở rộng sang phía Đông là đáng sợ.
Theo Richard Weitz (Naval War College Review, 2003), thời Giang Trạch Dân, Trung Quốc đã thuyết phục được Moscow \”nghĩ lại\” và cùng lên tiếng chống lại việc NATO mở rộng sang phía Đông, cụ thể là Đông Âu và vùng Kavkaz (Georgia).
Kể từ đó, được sự đồng ý của Nga, Trung Quốc tăng cường thuyết phục các nước cộng hòa Trung Á hợp tác với mình, để đi đến thành lập ra Nhóm năm nước Thượng Hải (Shanghai Five) năm 1996.
Đây là tiền thân của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organisation-SCO, 2001) do Trung Quốc chủ trì. Tuy không phải là khối quân sự, chỉ nhấn mạnh đến an ninh khu vực, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình, SCO cũng liên tiếp mở rộng thu nạp thành viên, quan sát viên, đối tác (như Campuchia, Nepal).
Sang năm 1997, Trung Quốc và Nga ký văn bản đối tác chiến lược và đã cùng nhau lên án việc NATO oanh kích quân Serbia ở Kosovo và không có nghị quyết của LHQ.
Tuy vậy, một kịch bản khác, không phải ác mộng vẫn đem quân NATO tới gần biên giới Trung Quốc, ở một hình thức khác: Hoa Kỳ vận động các nước NATO chia sẻ gánh nặng gìn giữ hòa bình tại Afghanistan, nước láng giềng của Trung Quốc.
ISAF là chiến dịch khổng lồ, với 130 nghìn người, thuộc khối quân sự và cả dân sự từ 51 nước NATO và đối tác tới hoạt động kéo dài tại Afghanistan từ 2001 đến 2014. Thế nhưng, vì Trung Quốc luôn muốn quốc tế hoá các vấn đề toàn cầu thông qua LHQ, và ủng hộ các hoạt động gìn giữ hòa bình, nên việc NATO tới Afghanistan không phải là vấn đề lớn. Nó chỉ cho Trung Quốc và Nga thấy sức mạnh tổ chức, khả năng triển khai đa phương tiện, liên binh chủng của quân NATO ở nước ngoài.
Gần đây, khi đưa tin cuộc chiến của Nga ở Ukraine, truyền thông TQ nhấn mạnh tới ý họ cho là \”lỗi của Ukraine muốn vào NATO, khiêu khích Nga\”.
Đây cũng là mối lo tiềm ẩn của Trung Quốc, nhất là khi từ năm nay, NATO không chỉ hạn chế hoạt động ở vùng châu Âu và phụ cận mà muốn hiện diện ở châu Á qua các hoạt động hợp tác.
Quan hệ Nhật Bản – NATO đã có từ lâu
Trên thực tế, quan hệ Nhật Bản-NATO bắt đầu từ thời Shinzo Abe và Angela Merkel và nay định hình cụ thể hơn.
Theo lời trung tướng Francesco Diella (người Ý), trưởng phái đoàn NATO thăm Nhật (24-26/04/2023) thì hai bên đã và đang thảo luận về các cơ hội tăng cường hợp tác.
Nhưng theo lời Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, Đại tướng Yoshihide Yoshida, thì trong những năm qua, NATO và Nhật đã hợp tác trong lĩnh vực chiến tranh mạng trong Cyber Coalition, trong huấn luyện quân gìn giữ hòa bình nhằm chống lại \”đe dọa phức hợp\”.
Lần đầu từ nhiều thập niên, sĩ quan Nhật đã tới Taliinn, Estonia tập huấn cùng quân NATO về chiến tranh mạng. Sự có mặt của người Nhật trở lại vùng Baltic trong các hoạt động quân sự khu vực này gợi ra quan hệ Phần Lan-Nhật Bản sâu nặng trong thời kỳ giữa hai Thế Chiến. Theo Hiroshi Momose, Nhật Bản dưới chế độ quân phiệt khi đó là một trong ba nước đầu tiên công nhận Phần Lan độc lập khỏi Đế chế Nga, và đã ủng hộ Phần Helsinki trong cuộc chiến chống Liên Xô xâm lăng (Chiến tranh Mùa Đông 1939-40).
Tất cả các hoạt động này khiến Trung Quốc tiếp tục phản đối NATO \”vươn sang phía Đông\”, mà lần này là Viễn Đông.
Theo CNN, Trung Quốc coi hoạt động ở Đông Âu của NATO giống như việc Hoa Kỳ \”can dự vào vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương\”, điều Hoa Kỳ bác bỏ.
Một tạp chí của Đảng CS TQ cảnh báo việc NATO hiện diện tại khu vực \”sẽ gặp hậu quả không lường trước\” mà không nói cụ thể là hậu quả gì.