Nga xâm lược Ukraina, Bắc Kinh hậu thuẫn: Phương Tây không thể tiếp tục làm ngơ

Đăng ngày: 11/05/2023

\"\"
\"\"
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin, Matxcơva, Nga, ngày 20/03/2023. AFP – SERGEI KARPUKHIN

Trọng Thành

Cho đến nay, các đồng minh của Ukraina chủ yếu tập trung vào việc theo dõi, ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga, do lo ngại với sự hậu thuẫn vũ trang trực tiếp của Bắc Kinh, cuộc chiến tranh của Matxcơva chống Ukraina có nguy cơ châm ngòi cho một xung đột toàn cầu. Hậu thuẫn của Trung Quốc cho Nga về mặt quân sự, không trực tiếp liên quan đến vũ khí sát thương, dường như đã ít được chú ý hơn nhiều.

Tuy nhiên, hôm 08/05/2023, Ủy Ban Châu Âu thông báo gửi tới các thành viên Liên Âu đề xuất gói trừng phạt thứ 11 chống Nga. Lần đầu tiên trong các đối tượng trừng phạt của châu Âu, có các doanh nghiệp Trung Quốc bị cáo buộc xuất khẩu hàng điện tử hoặc chất bán dẫn, phục vụ công nghiệp quốc phòng của Nga. Các trừng phạt dự kiến của Liên Âu nhắm vào các doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu hàng phục vụ công nghiệp quốc phòng Nga dĩ nhiên bị Bắc Kinh phản đối dữ dội, đe dọa trả đũa.

Điều đáng chú ý là các biện pháp trừng phạt nói trên của Liên Âu đã nhắm vào một mảng khuyết lớn: Hậu thuẫn ‘‘rất lớn’’ của Trung Quốc dành cho Matxcơva trong cuộc xâm lược Ukraina. Trên đây là nhận định của một nhóm chuyên gia Mỹ, chuyên về khu vực Đông Bắc Á, trong một phân tích trên diễn đàn của Viện tư vấn Atlantic Council. Đứng đầu nhóm chuyên gia là ông Markus Garlauskas, một cựu quan chức ngành tình báo Mỹ. RFI xin lược thuật.

***

‘‘Lằn ranh đỏ của Phương Tây’’: Thỏa hiệp với Trung Quốc

Trong bài phân tích mang tiêu đề ‘‘Bắc Kinh có thể chưa cung cấp ‘‘vũ khí sát thương’’, nhưng hậu thuẫn Trung Quốc dành cho Nga trong cuộc xâm lược Ukraina là ‘‘rất lớn’’,  đăng tải ngày 08/05/2023, nhóm chuyên gia Mỹ trước hết vạch ra một mảng khuyết lớn trong sự nhìn nhận của phương Tây về các hỗ trợ của Trung Quốc đối với Nga liên quan đến cuộc xâm lược Ukraina.

Quan điểm phổ biến tại Hoa Kỳ và hầu hết các nước châu Âu là Bắc Kinh đã và đang chỉ hậu thuẫn ‘‘có mức độ’’ Nga trong cuộc xâm lược này. Quan tâm chủ yếu của chính quyền Mỹ trong những tuần gần đây là làm sao để Bắc Kinh không ‘‘vượt qua lằn ranh đỏ’’, tức viện trợ các vũ khí, đạn dược hay còn gọi là các phương tiện ‘‘sát thương’’.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, trong một cuộc điều trần mới đây tại Quốc Hội, đã khẳng định “chúng tôi chưa thấy họ vượt qua ranh giới đó.” Các chuyên gia khẳng định thái độ này của phương Tây ‘‘rất có lợi cho Bắc Kinh và Matxcơva,  khi Washington và các đồng minh tập trung cao độ vào lằn ranh đỏ, đến mức mà họ không tập trung ngăn chặn — hoặc thậm chí không liệt kê đầy đủ và tố cáo  — các hỗ trợ khác quan trọng khác mà Trung Quốc cung cấp cho Nga’’.

Tình hình dường như càng thêm có lợi cho Trung Quốc và Nga, khi mà trong lúc phương Tây gần như nhắm mắt trước các hậu thuẫn như vậy, chính quyền Trung Quốc rảnh tay đánh bóng hình ảnh, khẳng định trước công luận quốc tế ‘‘Trung Quốc luôn đứng về phía hòa bình’’. Đây cũng là điều mà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại trong cuộc điện thoại với tổng thống Ukraina mới đây.

Nhóm chuyên gia Mỹ đề xuất phương Tây cần có một thay đổi lớn trong chính sách đối với Trung Quốc (điều mà Liên Âu bắt đầu xem xét thực hiện). Cụ thể là vạch rõ các hậu thuẫn rất lớn của Trung Quốc dành cho kinh tế Nga, đặc biệt trong việc mua dầu khí của Nga, bán cho cho Nga các phương tiện vận tải cỡ lớn, có thể dùng trong các chiến dịch quân sự tại Ukraina, cũng như là các linh kiện điện tử, bán dẫn được sử dụng để chế tạo vũ khí.

Cứu vãn ngành dầu mỏ của Nga

Trước hết, bất chấp các trừng phạt nhắm vào Nga, trao đổi mậu dịch giữa Trung Quốc và Nga tăng vọt. Trong ba tháng đầu năm nay, tổng trao đổi thương mại Nga-Trung đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu dầu thô từ Nga của Trung Quốc đạt mức kỷ lục trong tháng 3 vừa qua, và có khả năng tăng cao hơn nữa. Các chuyên gia nhận định : Trung Quốc đã giúp ‘‘bảo vệ nền kinh tế Nga – đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ quan trọng của nước này’’, nay bị ngăn không cho xuất sang thị trường châu Âu. Nếu không bán được dầu cho Trung Quốc, khả năng trữ lại dầu trong nước, vốn hạn chế của Nga, sẽ nhanh chóng đạt đến đỉnh điểm. Có nghĩa là Nga sẽ phải đóng cửa các giếng dầu. Đây là một quá trình rất tốn kém, gây tổn thất cho sản xuất về dài hạn.

‘‘Xe tải siêu nặng’’ phục vụ chiến tranh

Bên cạnh việc giúp cứu vãn ngành dầu mỏ của Nga, Trung Quốc còn cung cấp cho Nga nhiều phương tiện vận tải. Các tác giả đơn cử việc xuất khẩu ‘‘xe tải siêu nặng’’ (super-heavy truck) của Trung Quốc sang Nga — vốn rất cần cho việc vận chuyển các thiết bị quân sự hạng nặng. Riêng trong tháng 12/2022, số lượng xuất khẩu đã tăng đến hơn 11 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia Mỹ ghi nhận Nga đã được Trung Quốc cứu trong lĩnh vực xe tải siêu nặng, bởi chưa kể trong thời gian chiến tranh Ukraina, mà ngay trước chiến tranh, Nga đã thiếu trầm trọng các phương tiện hậu cần vận tải.

Linh kiện bán dẫn là một mặt hàng chiến lược mà Trung Quốc đã \”chống lưng\” cho Nga một cách hiệu quả. Linh kiện bán dẫn rất cần thiết trong việc chế tạo các hệ thống vũ khí hiện đại, bao gồm các tên lửa với số lượng hạn chế mà Nga duy trì, để  phục vụ cho các cuộc tấn công tại Ukraina. Từ tháng 2/2022, Hoa Kỳ cùng các đối tác và đồng minh có cùng quan điểm, là về trên nguyên tắc, cần phối hợp kiểm soát xuất khẩu đối với Nga, hạn chế quyền tiếp cận của nước này đối với chất bán dẫn.

Bán dẫn: Xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp sang Nga tăng vọt

Dựa trên việc tổng hợp các số liệu của Hải Quan Trung Quốc, nhóm nghiên cứu Mỹ cho biết trong năm 2022, Trung Quốc đã cung cấp cho Nga vi mạch tích hợp, với tổng trị giá 179 triệu đô la, tăng gấp đôi lượng xuất khẩu của năm 2021. Tuy nhiên, số hàng hóa này chưa phải là tất cả những gì thuộc về lĩnh vực bán dẫn mà Trung Quốc xuất qua Nga. Các chuyên gia Mỹ cho biết thêm : lượng hàng vi mạch tích hợp Trung Quốc xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng vọt, từ gần 73 triệu đô la vào năm 2021 lên gần 125 triệu đô la vào năm 2022, bất chấp tình trạng bất ổn của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Nói cách khác, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ không đủ điều kiện hấp thụ lượng hàng lớn nói trên. Trên thực tế, năm 2022, vi mạch tích hợp từ Thổ Nhĩ Kỳ xuất sang Nga tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước 2021. Điều này cho thấy, rất nhiều khả năng Trung Quốc đã thông qua một bên thứ ba, cụ thể ở đây là Thổ Nhĩ Kỳ, để cung cấp cho Nga các linh kiện bán dẫn mà Nga cần cho cuộc chiến tranh tại Ukraina.

Các vi mạch tích hợp này được sử dụng trong lĩnh vực dân sự cũng như trong quân sự. Bằng chứng gần đây về nhiều linh kiện do Trung Quốc sản xuất được tìm thấy trong vũ khí của Nga cho thấy hàng hóa lưỡng dụng (dân sự – quân sự) của Trung Quốc có thể đã được sử dụng trong các vũ khí chống Ukraina.

26 loại drone xuất sang Nga

Ngoài ba lĩnh vực dầu mỏ, xe tải siêu nặng và linh kiện bán dẫn, nhóm chuyên gia Mỹ cũng nêu bật một lĩnh vực thứ tư. Có một số bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã xuất khẩu ồ ạt drone sang Nga. Một điều tra của New York Times được công bố mới đây cho biết gần 70 công ty xuất khẩu Trung Quốc đã bán 26 loại drone sang Nga. Như chúng ta biết, drone là một loại phương tiện mà chính quyền Nga sử dụng để tiến hành nhiều vụ oanh kích vào các cơ sở dân sự cũng như quân sự của Ukraina. 

Theo nhóm chuyên gia Mỹ, quy mô nói trên của các hậu thuẫn cho quân đội Nga từ Trung Quốc cho thấy đã đến lúc phương Tây cần công bố đầy đủ thông tin, trực tiếp lên án vai trò của Bắc Kinh – đã tạo điều kiện cho chế độ Putin tiếp tục tiến hành cuộc chiến gây hấn tại Ukraina. Không thể để cho Bắc Kinh lẩn trốn trách nhiệm, bằng cách khẳng định những gì họ làm là hoàn toàn được phép, miễn là không vượt qua ‘‘lằn ranh đỏ’’ cung cấp vũ khí sát thương – điều mà chính quyền nhiều nước phương Tây vẫn chủ trương cho đến nay.

Bài Liên Quan

Leave a Comment