Trung Quốc tìm cách chia rẽ Liên Âu với Hoa Kỳ

Đăng ngày: 11/05/2023

\"\"
\"\"
Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Đức Annalena Baerbock tại Berlin, Đức, ngày 09/05/2023. via REUTERS – POOL

Thu Hằng

Chuyến công du châu Âu đầu tiên (từ 08-12/05/2023) của ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương diễn ra vào « thời điểm bản lề » trong mối quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Bắc Kinh. Ngoại trưởng các nước thành viên Liên Âu sẽ họp tại Thụy Điển ngày 12/05/2023 để thảo luận về thay đổi trong mối quan hệ của khối 27 nước với Bắc Kinh, cũng như những thách thức mà Trung Quốc đặt ra cho khối.

Khai thác khác biệt quan điểm về vai trò của Trung Quốc trong chiến tranh Ukraina

Chuyến công du của ông Tần Cương là nỗ lực tiếp theo của Bắc Kinh để đóng vai trò trung gian trong cuộc chiến tại Ukraina. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đề nghị chủ tịch Tập Cận Bình sử dụng ảnh hưởng của ông để tác động đến tổng thống Putin. Yêu cầu này một lần nữa được ngoại trưởng Đức, tiếp theo là ngoại trưởng Pháp nêu lên khi tiếp đồng nhiệm Trung Quốc ở Berlin và Paris. Bà Annalena Baerbock không chấp nhận thái độ trung lập, vì « trung lập có nghĩa là đứng về phía kẻ xâm lược ». Còn bà Catherine Colonna nhấn mạnh Trung Quốc cần làm cho Matxcơva hiểu rằng « nước Nga đang lâm vào ngõ cụt » tại Ukraina.

Tuy nhiên, đằng sau mục đích chính là chiến tranh Ukraina, nhật báo Mỹ Wall Street Journal cho rằng chuyến công du của ông Tần Cương còn nhằm làm Liên Hiệp Châu Âu rời xa Hoa Kỳ. Thứ nhất, Trung Quốc tìm cách khai thác một số khác biệt lập trường về chiến tranh Ukraina giữa hai đồng minh. Liên Hiệp Châu Âu tỏ ra ngần ngại gia nhập cuộc đối đầu ngày càng gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh. Thay vì tỏ ra kiên quyết như Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu nhấn mạnh đến đối thoại ngoại giao và duy trì giao thương, dù vẫn cố đầy lùi các hành động của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, châu Âu lại bị « phản đòn » do Bắc Kinh theo đuổi chính sách đối ngoại ngày càng hung hăng, kiểm soát chặt chẽ hơn doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc và ủng hộ Nga về mặt chính trị. Nhật báo Mỹ cho rằng Bruxelles đang chịu sức ép ngày càng lớn phải trang bị cho các nước thành viên Liên Âu khả năng giảm bớt phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Cách tiếp cận này được các nhà lãnh đạo châu Âu gọi là « giảm rủi ro », sau khi dịch Covid-19 cho thấy châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Mang lợi ích kinh tế để dọa Liên Âu

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 09/03 tại Berlin với đồng nhiệm Đức, ngoại trưởng Tần Cương cảnh báo rằng « những rủi ro thực sự » đối với Bruxelles chính là để bị kéo vào cuộc đối đầu với Bắc Kinh và « sẽ làm giảm những cơ hội, hợp tác, ổn định và phát triển ». Một cuộc chiến tranh lạnh mà ông Tần Cương lên án « do một số nước tiến hành bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương », dù không nêu đích danh Mỹ, « không chỉ tác động đến lợi ích của Trung Quốc, mà châu Âu cũng sẽ phải hy sinh lợi ích của mình ».

Phát biểu của ngoại trưởng Trung Quốc « là thông điệp trấn an, nhưng cũng là lời đe dọa ». Theo giáo sư danh dự Khoa học Chính trị Jean-Pierre Cabestan, Đại học Hồng Kông, « sự phối hợp chặt chẽ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ để đối phó với Trung Quốc là mối bận tâm chính của Bắc Kinh ».

Cho dù ngoại trưởng Trung Quốc mang lợi ích kinh tế ra thuyết phục châu Âu, nhưng số liệu thống kê được nhật báo Mỹ trích dẫn lại cho thấy nỗ lực của Liên Hiệp Châu Âu giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Trao đổi thương mại song phương đã đạt 850 tỉ euro trong năm 2022, với thâm hụt thương mại nghiêng về Liên Âu. Còn theo báo cáo của công ty tư vấn Rhodium Group tại Washington, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào châu Âu đạt 7,9 tỉ euro năm 2022, giảm 22% so với năm trước và chỉ tương đương với mức từ năm 2013. Kết quả này cho thấy tâm lý hoài nghi, cảnh giác của các nước châu Âu đối với đầu tư của Trung Quốc, lo ngại cường quốc kinh tế thứ hai thế giới tìm cách thâu tóm những ngành công nghiệp hoặc hoạt động thương mại trọng điểm của khối 27 nước.

Đài Loan cũng là một chủ đề khác mà Trung Quốc tìm cách chia rẽ giữa Liên Âu và Hoa Kỳ. Dù cả hai đồng minh ủng hộ nguyên trạng, Washington vẫn cung cấp vũ khí cho Đài Bắc và tham gia huấn luyện quân đội Đài Loan, còn các nước thành viên Liên Âu không có lập trường đồng nhất, đặc biệt sau phát biểu của tổng thống Pháp vào đầu tháng 4, giữ khoảng cách với Washington về vấn đề Đài Loan. Cuộc họp giữa ngoại trưởng của 27 nước tại Thụy Điển ngày 12/05 trùng với thời điểm ông Tần Cương kết thúc chuyến công du châu Âu. Không biết có ngẫu nhiên hay không: các ngoại trưởng châu Âu sẽ thảo luận về vấn đề Đài Loan trong cuộc họp về quan hệ của Liên Âu với Bắc Kinh. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment