Xung đột Ukraina và tranh luận về thế trung lập của Thụy Sĩ

Đăng ngày: 11/05/2023

Cuộc xung đột tại Ukraina đặt Thụy Sĩ trong một thế khó để giải thích về thế trung lập. Tuy lên án cuộc chiến xâm lược của Nga chống lại Ukraina, chính quyền Berne kiên định với lập trường « trung lập » từ chối cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraina, gây khó chịu cho nhiều nước phương Tây.

\"\"
\"\"
Ảnh minh họa: Tranh biếm họa của Pháp về Đại hội Vienna 1815. © Wikipedia

Từ ngày 01/01/2023, Thụy Sĩ – gia nhập Liên Hiệp Quốc từ năm 2002 – lần đầu tiên là thành viên không thường trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Một bước tiến khác « mang tính lịch sử » là tháng 5/2023, Thụy Sĩ đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An trong vòng một tháng. Một vai trò mà nhiều nhà quan sát cho rằng sẽ « đầy gian nan », do vị thế trung lập của nước này trong cuộc chiến xâm lược do Nga tiến hành tại Ukraina.

« Thụy Sĩ là một quốc gia trung lập ! »

Nhưng đối với Thụy Sĩ, thế trung lập này, có được từ hơn hai thế kỷ qua, còn là một « giá trị », một « chuẩn mực », đi kèm theo chiều dài lịch sử đương đại đất nước kể từ thế kỷ XIX. Trên Đài Phát thanh – Truyền hình Thụy Sĩ (RTS) ngày 14/03/2022, nhà sử học Matthieu Gillabert, đại học Fribourg, trước hết nhắc lại rằng « quy chế trung lập được ban hành sau Cuộc chiến 30 năm vào thế kỷ XVII, nhưng mãi đến năm 1815, các cường quốc lớn ở châu Âu mới công nhận Thụy Sĩ là quốc gia trung lập. Từ đó, Thụy Sĩ không ngừng khẳng định vị thế này của mình trong nhiều cuộc xung đột lớn đánh dấu thế kỷ XX, hay nhiều cuộc xung đột khác. »

Với quy chế trung lập vĩnh viễn được các cường quốc thắng trận trong các cuộc chiến với Napoleon trao năm 1815 tại Đại hội Vienna, Thụy Sĩ phải tuân thủ các quy định như không tham dự vào các cuộc xung đột, không cung cấp lính đánh thuê, đổi lại, sẽ không còn một cuộc chiến nào diễn ra trên lãnh thổ Thụy Sĩ.

Và nguyên tắc này vẫn không thay đổi. Luật về thế trung lập được quốc tế ban hành năm 1907 tại La Haye còn bắt buộc các nước tham gia quy chế này không được tham chiến dù là trực tiếp hay gián tiếp. Các nước trung lập phải đối xử bình đẳng với quân đội các nước tham chiến. Điều đó có nghĩa là những nước này không thể cho phép bay vào không phận, cũng như cung cấp vũ khí – kể cả qua một trung gian một nước thứ ba – cho phe tham chiến này hay phe kia.

Nếu như quy chế này đã được quy định rõ trong Hiến Pháp của Thụy Sĩ, theo quan điểm của giáo sư sử học Matthieu Gillabert, khi nói đến thế trung lập, cần phải hiểu đó còn là cả một chính sách trung lập. « Để cho một quốc gia được trung lập, và thế trung lập của nước đó được tôn trọng, người ta phải xây dựng một chính sách trung lập, nghĩa là phải truyền đạt chính sách đó và nhất là phải thể hiện rõ chính sách này giữa các cuộc xung đột khác nhau. »

Chính sách này đã được Thụy Sĩ không ngừng nhắc đến kể từ đầu cuộc xung đột Nga – Ukraina đến nay. Thăm Kiev ngày 20/10/2022, ông Ignazio Cassis, với tư cách là tổng thống Thụy Sĩ năm đó, trong buổi họp báo cùng đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky, tuy lên án Nga gây hấn, vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nhưng ông cũng không quên nhấn mạnh « Thụy Sĩ là một nước trung lập ».

« Trung lập toàn diện » ?

Vị thế này không ngăn cản chính quyền Berne đi theo Liên Hiệp Châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga. Hơn bảy tỷ franc Thụy Sĩ vốn dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga cùng nhiều bất động sản khác đã bị phong tỏa ở Thụy Sĩ.

Nếu như động thái này của Berne được các nước phương Tây đồng minh chính của Kiev xem là một cử chỉ « từ bỏ » chính sách trung lập, thì ở trong nước sự việc đã làm dấy lên một cuộc tranh luận giữa hai phe về việc định nghĩa và xác định tầm quan trọng của thế trung lập. Cuộc tranh cãi còn thêm phần gay gắt khi đề cập đến khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraina.

Phe bảo thủ, đi đầu là Liên minh Dân chủ Cánh trung (CDU) mang tư tưởng dân túy, chủ trương duy trì một thế trung lập nghiêm ngặt và đề xuất một sáng kiến công dân nhằm đưa vào Hiến Pháp một quy chế « trung lập toàn diện » nghĩa là không tham gia cả các trừng phạt kinh tế. Trả lời phỏng vấn báo Le Monde (01/05/2023), Christophe Blocher, cựu lãnh đạo đảng CDU, ví quyết định theo chân Liên Âu trừng phạt Nga như là một hành động can dự vào cuộc xung đột, vô hình chung biến Thụy Sĩ thành một trong số các kẻ thù của Nga.

Theo ông, « một ngày nào đó cuộc xung đột sẽ phải chấm dứt, và Thụy Sĩ sẽ có thể đóng vai trò trung gian. Hơn nữa, cuộc gặp sau cùng giữa Biden và Putin trước khi chiến tranh nổ ra là diễn ra ở Geneve hồi tháng 6/2021. Bây giờ đối với Nga, Thụy Sĩ không còn là một chọn lựa nữa. »

Phe mang tư tưởng tự do cấp tiến, hiện chiếm đa số trong chính phủ, lại ủng hộ một thế trung lập tích cực. Cũng trên kênh RTS, Brigitte Crottaz, dân biểu đảng Xã hội của bang Vaud đánh giá đề xuất của đảng CDU chưa hẳn là một giải pháp mầu nhiệm:

« Kể từ năm 1815, chúng ta đã đồng tình là chính Hội đồng Liên bang phải xem xét mọi khía cạnh của vấn đề và đưa ra giải pháp áp dụng. Tôi không hiểu vì sao vào năm 2022, chúng ta phải quyết định ghi vào Hiến Pháp các điều khoản rất cứng nhắc về tính trung lập. Tôi cho rằng phải đánh giá thế trung lập tùy theo tình hình quốc tế ».

Chính sách trung lập : Công cụ cả đối ngoại và đối nội

Nhưng đây cũng không phải là lần đầu tiên Thụy Sĩ tranh cãi về thế trung lập của mình. Sử gia Christophe Farquet lưu ý lập trường trung lập của Thụy Sĩ chưa bao giờ là bất khả xâm phạm và đã đôi lần thay đổi tùy theo tình huống. Từ khi nước này gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 2002, Thụy Sĩ cũng như nhiều quốc gia trung lập khác phải rời xa dần khái niệm trung lập truyền thống và xích lại gần hơn với cộng đồng quốc tế.

Theo quan điểm của chuyên gia người Áo về luật quốc tế, Peter Hilpold, đại học Innsbruck, được RTS trích dẫn, Thụy Sĩ xuất phát từ nguyên tắc rằng luật trung lập không áp dụng cho các nhiệm vụ quân sự của Liên Hiệp Quốc, bởi vì, cuối cùng chính Hội Đồng Bảo An « muốn tái lập hòa bình trên thế giới ».

Do vậy, « tính chất trung lập theo nghĩa cổ điển sẽ khó mà tương thích với việc là thành viên của Liên Hiệp Quốc và còn ít hơn nữa nếu nước này nằm trong Liên Hiệp Châu Âu ». Chính vì điểm này mà Thụy Sĩ đã quyết định không gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, không giống với nhiều nước trung lập khác như Irland, Thụy Điển và Áo.

Còn theo phân tích của Stefanie Walter, giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế và Kinh tế – Chính trị trường đại học Zurich, « trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Thụy Sĩ đã ngầm đứng về phía phương Tây. Hơn nữa, nước này có một lập trường về nhân quyền ». Trong khuôn khổ cuộc chiến Ukraina, Liên bang Thụy Sĩ đã ngay lập tức lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraina là đi ngược với luật lệ quốc tế.

Dẫu sao thì giới chuyên gia cũng có cùng một nhận định, trong trường hợp xảy ra xung đột, mà cuộc chiến tranh Nga – Ukraina hiện nay là một ví dụ điển hình, rõ ràng trung lập là một hướng khó đi theo. Nhà sử học Matthieu Gillabert nhắc lại vì sao trong suốt Đệ Nhị Thế Chiến, tính chất trung lập của Thụy Sĩ luôn được đi kèm với chính sách truyền thông về vị thế lập trường quan trọng này.

Ông nói : « Năm 1938, Hội đồng Liên bang ban hành trở lại điều được gọi vào thời điểm đó là thế trung lập toàn diện, khác với tính trung lập khác biệt, buộc Thụy Sĩ phải thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế trong khuôn khổ của Hội Quốc Liên. Và từ năm 1938, Thụy Sĩ đã bổ sung các tùy viên báo chí trong các phái bộ ngoại giao và các tòa đại sứ Thụy Sĩ ở nước ngoài để truyền đạt tính trung lập này trong suốt Chiến tranh lạnh. »

Cuối cùng, cũng theo ông Matthieu Gillabert, việc Thụy Sĩ luôn kiên định và mạnh mẽ nhắc đi nhắc lại vị thế trung lập không chỉ nhằm mục đích đối ngoại, mà còn cho phép Thụy Sĩ « vô hiệu hóa » những thành tố khác biệt văn hóa và tôn giáo hình thành nên đất nước.

 « Trong thời kỳ Chiến Tranh Thế Giới Thứ nhất, có một thời gian chia rẽ đã hình thành. Trước tình hình này, một chính sách trung lập tích cực đã được thiết lập, họ bổ sung vào đó nhiều giá trị khác như nhân đạo mà chúng ta có trong suốt thế kỷ XX, rồi Thụy Sĩ còn thêm tình liên đới vào chính sách trung lập. Đó là một cách để củng cố thế trung lập cả trong nội bộ người dân lẫn ở bên ngoài để làm cho thế trung lập này trở nên hữu ích hơn bên lề thế giới. Chẳng hạn như sau Đệ Nhất Thế Chiến, khi tham gia hiệp ước Versailles, thế trung lập của Thụy Sĩ đã được công nhận vì tính hữu ích của chính sách này đối với nền hòa bình. »

Minh Anh

Bài Liên Quan

Leave a Comment