Chỉ với 39 bài viết trên mạng xã hội, ông Trần Bang bị xử 8 năm tù!

  • 2 tháng 5, 2023

Saigon Nhỏ

\"\"

Ông Trần Bang

Theo VnExpress, tòa cho rằng ông Trần Bang đã tàng trữ nhiều tài liệu và đăng 39 bài viết trên Facebook có nội dung “xuyên tạc, chống phá nhà nước”, tuyên phạt ông 8 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117 Bộ luật hình sự”.

Hội đồng xét xử cho rằng “hành vi” của bị cáo là “rất nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến an ninh quốc gia” khi ông Trần Bang sử dụng tài khoản Facebook Trần Bang, Bang Trần và Tran Josh đăng 39 bài viết có nội dung “xuyên tạc, nói xấu chính quyền nhân dân”; “thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân”; kêu gọi tẩy chay việc tổ chức bầu cử đại biểu quốc hội Việt Nam.

Trong thời gian được xét xử, ông Bang thừa nhận đã đăng các bài viết như cáo trạng nêu, nhưng khẳng định hành vi của mình không phạm tội.

\"\"
Vẻ cương nghị của người yêu nước Trần Bang sau phiên xử ngày 12 Tháng Năm 2023 tại Sài Gòn – Ảnh VnExpress

Với nhiều cây bút phản biện nổi tiếng trên mạng xã hội, họ luôn nhớ Trần Bang là một người yêu nước, hoàn toàn khác với những gì mà tòa án TP.HCM đã kết tội ông.

Bình luận về bản án này, nhà báo Huynh Ngoc Chenh viết trên Facebook: “Kỹ sư Trần Bang, cựu chiến binh chiến trường Vị Xuyên, người yêu nước cương trực, người đấu tranh cho nhân quyền không mệt mỏi, bước ra khỏi toà án trưa ngày 12/5/2023 cùng bản án 8 năm tù giam và 3 năm quản chế với gương mặt bình thản và cương nghị”.

Phó GS-TS Mạc Van Trang viết: “TRẦN BANG KHÔNG ÂN HẬN: Anh biết trước: “Dấn thân vô là phải chịu tù đày”!”. Trong một status khác, ông Trang cho biết: “Nói xử CÔNG KHAI nhưng  CA (công an) ngăn cản, cả MẸ của Trần Bang hơn 90 tuổi cũng không được vào “xem chúng nó xử” con mình thế nào?!”.

Vợ ông Mạc Văn Trang, diễn viên Kim Chi, viết về Trần Bang sáng 12 Tháng Năm, khi phiên tòa chưa bắt đầu:

“TRẦN BANG ƠI! Hôm nay là ngày 12/5/2023, tòa sẽ đưa em ra xử. Đêm qua chị cứ thao thức nghĩ về em. Càng nghĩ chị càng quý trọng, nể phục tấm lòng của em dành cho quê hương, đất nước và bà con dân oan mình. Chị còn nhớ trước khi em bị bắt, em đã đến thăm anh chị. Hai chị em mình đã nhận định rằng họ sắp bắt em… chị nói với em: “Cchị thương em quá Bang ơi! Với chị thì em chỉ có công chứ không hề có tội”.

Em đã cười buồn và lắc đầu nói: “Nhân quyền và tự do không miễn phí… Em chỉ sợ ngày em trở về thì mẹ em không còn nữa… Bà đã già yếu quá rồi! Em thương mẹ em quá!”

Đuổi giặc xâm lấn biển đảo của Việt Nam thì sao lại là người có tội? Phê phán cái xấu cái ác thì sao lại có tội? Chị tin sau này lịch sử sẽ công nhận những người đã dũng cảm dấn thân cho những điều tốt đẹp như em. Chị cầu chúc cho em mau hồi phục sức khỏe và vững vàng trước cái xấu, cái ác. Tất cả bạn bè chúng ta đều tin tưởng và yêu quý em”.

\"\"
Thống kê số tù nhân lương tâm bị bắt giam và xét xử từ năm 2020 – 2022 của RFA Tiếng Việt – Ảnh An Vui chụp màn hình

Một trong những thành viên của CLB Lê Hiếu Đằng, ông Son Long cho biết nhiều người bạn của ông Trần Bang bị ngăn cản tại nhà hoặc tại phiên tòa bị cấm không cho vào, phải đứng cùng nhau bên ngoài tòa, trong đó có người mẹ hơn 90 tuổi và em gái ông Trần Bang.

Không chỉ có thân nhân và bằng hữu của ông Trần Bang bị cấm tham dự phiên tòa, RFA Tiếng Việt chiều 12 Tháng Năm cho biết thêm: “Các viên chức ngoại giao nước ngoài bị tòa án từ chối không cho tham dự phiên tòa, hai viên chức của Tổng lãnh sự quán Mỹ và Pháp chỉ được đứng trong sân tòa trong buổi sáng nay và đợi giữa trời nắng cho đến khi kết thúc phiên xử”.

Ông Trần Bang từng là bộ đội chống Trung Quốc xâm lược năm 1979. Sau khi ra quân, ông đi học đại học và có bằng kỹ sư thủy lợi. Ông từng tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam. Hồi Tháng Mười Một 2015, trong cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm của Tập Cận Bình đến Việt Nam, ông bị an ninh hành hung đến bị thương.

Ông cũng từng tham gia vào những cuộc biểu tình chống gây ô nhiễm môi trường, kêu gọi nhân quyền, phản đối Dự Luật An ninh Mạng hồi năm 2018. Ông công khai ủng hộ nhiều tù nhân chính trị đã có án hay đang bị giam giữ gồm Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Lê Đình Lượng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn, Nguyễn Văn Hóa, Phạm Chí Thành, Nguyễn Năng Tĩnh…

Hồi Tháng Mười Hai 2020, ông Trần Bang tham gia tuyệt thực một ngày để ủng hộ tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức. Ông Bang cũng giúp gây quỹ để hỗ trợ cho những nhà hoạt động khác như Đinh Văn Hải, Vũ Tiến Chi khi những người này bị an ninh tấn công hồi Tháng Sáu 2018 do đến thăm cựu tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh tại Lâm Đồng.

\"\"
Thống kê số tù nhân lương tâm bị bắt giam và khép vào tội danh “Điều 331” đông nhất vào năm 2022 của RFA Tiếng Việt – Ảnh An Vui chụp màn hình

Đưa tin về bản án kết tội ông Trần Bang, VOA Tiếng Việt dẫn nguồn tin từ ông Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nêu nhận định: “Thật vô cùng phẫn nộ và không thể chấp nhận được khi ông Trần Văn Bang nhận bản án tù dài như vậy, chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình, thông qua các nền tảng truyền thông xã hội khác nhau”.

Ông Roberston khuyến cáo: “Đã đến lúc đưa một nghị quyết về Việt Nam lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, lồng các điều khoản về nhân quyền trong Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, và để Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp trừng phạt Magnitsky đối với các quan chức hàng đầu của Bộ Công an. Nếu không, tình hình sẽ tiếp tục xấu đi và nhiều nhà hoạt động như Trần Văn Bang sẽ phải ngồi tù những năm còn lại”.

Trước khi phiên tòa xử ông Trần Bang diễn ra, ngày 11 Tháng Năm, HRW và Tổ chức Ân xá Quốc tế lên tiếng bênh vực cho ông Trần Bang, kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do cho ông ngay lập tức.

HRW ước tính, hiện Hà Nội đang giam giữ ít nhất khoảng 150 tù chính trị, mặc dù nhà cầm quyền Việt Nam luôn khẳng định Việt Nam không có tù chính trị, chỉ có những người vi phạm pháp luật.

Báo cáo của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) công bố hồi cuối năm 2022 cho thấy Việt Nam vẫn đang giam giữ ít nhất 39 nhà báo, và là một trong 5 quốc gia cầm tù nhiều nhà báo nhất thế giới.

Thống kê của RFA trong giai đoạn 2020 – 2022 cho thấy, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 16 nhà báo. Mười bốn người trong số này bị cáo buộc vi phạm các Điều 117 (Tuyên truyền chống Nhà nước) và Điều 331 (Lợi dụng các quyền dân chủ) thuộc Bộ luật Hình sự. Đây là các điều luật đã bị quốc tế chỉ trích là mù mờ và thường dùng để bịt miệng những người dám lên tiếng chỉ trích nhà cầm quyền.

Trong giai đoạn này, có ít nhất 34 người bị kết án theo Điều 331, 34 người bị kết án theo Điều 117, với các án tù từ dưới 5 năm đến trên 10 năm tù.

Giá của TỰ DO không bao giờ rẻ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment