Đăng ngày: 12/05/2023
Các ngoại trưởng của 27 quốc gia thành Liên Hiệp Châu Âu có cuộc họp không chính thức hai ngày tại Stockholm, Thụy Điển. Nội dung chủ yếu của ngày họp đầu tiên hôm nay, 12/05/2023, là điều chỉnh lập trường chung của khối này đối với Trung Quốc.
Hãng tin Anh Reuters tiếp cận được bản tài liệu 7 trang được dùng làm cơ sở cho việc điều chỉnh chính sách với Trung Quốc, mà cơ quan ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã chuyển đến các quốc gia thành viên. Từ năm 2019, Liên Âu đã xác định chính sách ứng xử ba mặt với Bắc Kinh, khi coi Trung Quốc vừa là ‘‘đối tác’’ trong nhiều lĩnh vực, vừa là đối thủ cạnh tranh về các ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng cũng là ‘‘đối thủ mang tính hệ thống’’ về mô hình chính trị.
Theo tài liệu của cơ quan ngoại giao Liên Âu, đường hướng chung nói trên không thay đổi, nhưng ‘‘cần được điều chỉnh’’ trong bối cảnh ‘‘thế đối địch với Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng hơn trong những năm gần đây’’. Trong một thư đi kèm với tài liệu, cũng được gửi đến các ngoại trưởng 27 nước, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Joseph Borrell nhấn mạnh ‘‘việc điều chỉnh’’ là cần thiết, đặc biệt do ‘‘gia tăng cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tác động đến tất cả các lĩnh vực chính trị’’.
Liên Âu ‘‘không thể để bị cuốn vào cuộc đối đầu Mỹ – Trung’’, cho dù việc duy trì các hợp tác mật thiết với Hoa Kỳ luôn luôn là điều ‘‘căn bản’’ đối với Liên Âu, cũng là một điểm được nêu bật trong bản tài liệu của cơ quan ngoại giao Liên Âu.
Tài liệu này cũng nêu khả năng Liên Âu siết chặt hơn nữa đối với đầu tư và xuất khẩu để giảm bớt sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, đồng thời kêu gọi toàn khối ‘‘đa dạng hóa các nguồn cung ứng trong các lĩnh vực chủ chốt, đặc biệt là những lĩnh vực hệ trọng đối với chính sách chuyển đổi sang kinh tế xanh và kỹ thuật số’’.
Theo AFP, ngày mai, các ngoại trưởng 27 nước Liên Âu sẽ thảo luận về các vấn đề an ninh, với tâm điểm là căng thẳng tại eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, theo một giới chức cao cấp châu Âu, cuộc họp ngày mai ‘‘sẽ thảo luận về xây dựng các quan hệ đối tác’’, và chủ trương của Liên Âu là ‘‘duy trì nguyên trạng giữa Trung Quốc và Đài Loan để tránh căng thẳng gia tăng’’.