- Lê Tây Sơn
6 tháng 5, 2023
Viên kim cương Koh-i-Noor trên vương miện Nữ hoàng Anh (Getty Images)
Koh-i-Noor, viên kim cương đa quốc tịch!
Trong nhiều thập niên, nước Anh đã trao trả những chiến lợi phẩm của thời đế quốc chinh phục: Hòn đá Scone cho Scotland vào năm 1996 và gần đây nhất là một số đồ đồng của Bénin, và có lẽ sẽ còn nhiều thứ khác nữa.
Tuy nhiên, cho đến nay, “ý tưởng” trả lại những gì đã lấy cho những sở hữu chủ hợp pháp không thể “áp dụng” đối với các đồ trang sức quí giá trên vương miện của Hoàng gia Anh. Điển hình nhất là viên kim cương Koh-i-Noor mà công chúng sẽ không được nhìn thấy trong lễ đăng quang của Vua Charles III vào Thứ Bảy ngày 6 Tháng Năm 2023; và “những viên kim cương máu” Cullinan.
Theo William Dalrymple và Anita Anand trong cuốn Koh-i-Noor: The Story of the World’s Most Infamous Diamond, trong nhiều thế kỷ, viên đá quý Koh-i-Noor 186 cara đã đi qua Trung Á, Nam Á và vào tay một số đế chế, từ người Mughal đến người Persia rồi Afghanistan (Koh-i-Noor trong ngôn ngữ Persia là “Ngọn núi ánh sáng”). Vào thập niên 1810, viên kim cương được chuyển cho Maharajah Ranjit Singh, thủ lĩnh của Đế chế Sikh (Sikh Empire) ở Punjab, một khu vực biên giới hiện nằm giữa Ấn Độ và Pakistan.
Năm 1839, khi Singh qua đời, một cuộc đấu tranh quyền lực kéo dài nhiều năm tranh ngai vàng xảy ra và viên kim cương về tay cậu con trai Duleep Singh 5 tuổi của Singh. Người mẹ giữ vai nhiếp chính. Vào thời điểm này, Công ty Đông Ấn Anh (British East India Company) đã kiểm soát lãnh thổ tiếp giáp với Đế chế Sikh.
Đế chế Silk sụp đổ và năm 1846, Duleep Singh, lúc này 7 tuổi, dâng Koh-i-Noor cho Nữ hoàng Victoria khi ký Hiệp ước Lahore. Trong vòng vài tháng, mẹ của Duleep bị cầm tù và cậu bé được những “người bảo vệ” của quân đội Anh nuôi dưỡng. Được đưa về London, viên kim cương Koh-i-Noor được cắt gọt lại thành kích thước 105 carat hiện nay.
The Washington Post cho biết, Ấn Độ đã yêu cầu trả lại viên kim cương từ khi giành độc lập từ Anh vào năm 1947. Pakistan, Bangladesh và Afghanistan cũng có yêu sách tương tự. Nhưng chính phủ Anh khẳng định rằng Hiệp ước Lahore giao viên kim cương là hợp pháp, ngay cả khi nó được ký bởi một đứa trẻ dưới sự cưỡng ép. Duleep Singh không gặp mẹ mình trong 13 năm sau khi bà bị bắt. Ông sống một cuộc đời buồn bã ở Anh và qua đời năm 1893.
Theo tài liệu của tổ chức Royal Collection Trust, Nữ hoàng Anh Victoria gắn viên Koh-i-Noor trên chiếc trâm cài, và các Hoàng hậu Alexandra, Mary và Elizabeth (Thái hậu) gắn nó trên vương miện của họ. Viên kim cương được nhìn thấy lần cuối trước công chúng tại đám tang của Nữ hoàng Victoria vào năm 2002.
Năm nay, Cung điện Buckingham cho biết Hoàng hậu Camilla sẽ không đeo Koh-i-Noor trong lễ đăng quang của Vua Charles. Thay vào đó, bà sẽ đội vương miện của Hoàng hậu Mary với những viên đá quý được cắt từ viên kim cương Cullinan (viên kim cương không màu lớn nhất từng được tìm thấy). Những viên đá quý khác cắt từ viên kim cương Cullinan được gắn trên Vương trượng và trên Vương miện của Vua Charles. Cả hai sẽ xuất hiện trong lễ đăng quang.
Viên kim cương máu Cullinan
Viên kim cương Cullinan không bị nguyên thủ quốc gia nào đòi trả lại nhưng nó vẫn bị vấy bẩn trong một bối cảnh lịch sử không muốn được nhớ đến của nước Anh, từ bạo lực đến phân biệt chủng tộc và cả trại tập trung. Lịch sử Nam Phi rất phức tạp. Vùng đất này là quê hương của nhiều bộ lạc châu Phi, từ người Khoisan, Xhosa, Zulu đến Tswana, Ndebele.
Thập niên 1600, người Hà Lan thành lập khu định cư đầu tiên ở Nam Phi và đưa những nô lệ từ các vùng khác của châu Phi về, dẫn đến chiến tranh với bộ tộc Khoisan. Năm 1815, người Anh tiếp quản, mang theo dân định cư châu Âu và cả những người lao động Nam Á nên xung đột đã nổ ra với bộ tộc Xhosa.
Một số người định cư Hà Lan, tự gọi mình là “người Boer” di chuyển xa hơn vào đất liền và tiếp tục làm bùng nổ cuộc chiến khủng khiếp với ba bộ tộc Zulu, Tswana, Ndebele khi cả ba tự công bố họ là những nước cộng hoà độc lập. Cùng lúc đó, một nhóm người đa chủng tộc bán du mục gọi là Griqua đến định cư gần đó làm cho tình hình rối ren thêm. Vào cuối thập niên 1860, kim cương được phát hiện trên vùng đất của người Griqua. Lập tức, quân Boer xâm chiếm và tràn vào khu vực.
Người Anh cũng tuyên bố quyền sở hữu. Cả hai cưỡng bức hàng chục ngàn lao động nhập cư châu Phi khai thác mỏ cho họ. Vào thời điểm này, những người châu Phi da đen trên khắp Nam Phi do Anh và Boer kiểm soát không được phép đi bất cứ đâu nếu không có “thẻ thông hành” (“pass” – đây là tiền đề cho chế độ phân biệt chủng tộc hình thành sau đó).
Cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát khu vực giàu kim cương lên đến đỉnh điểm với hai cuộc Chiến tranh Anh-Boer 1880-1881 và 1899-1902. Cuộc chiến thứ hai kéo theo sự hình thành các trại tập trung và về cơ bản vẫn là cuộc chiến giữa hai cường quốc thuộc địa da trắng để giành quyền khai thác những vùng đất chiếm đóng của người bản địa. Thời điểm này, doanh nhân người Anh gốc Ireland Thomas Cullinan đến để mở một mỏ kim cương gần Pretoria. Ba năm sau (1905), người quản lý mỏ Frederick Wells tìm thấy một viên kim cương 3,106 carat được chôn sâu 18 feet dưới lòng đất. Ông đặt tên nó theo tên ông chủ của mình.
Cullinan gửi viên kim cương mang tên ông ta đến London để bán, nhưng nó quá đắt nên không tìm ra người mua. Hai năm sau, Louis Botha, một anh hùng chiến tranh của người Boer, trở thành thủ tướng của nơi được gọi là Transvaal Colony do Anh kiểm soát. Botha đề nghị chính quyền thuộc địa mua viên kim cương và làm quà tặng cho Vua Edward VII như một biểu tượng cho lòng trung thành mới của người Boer đối với Hoàng gia Anh.
Chính quyền đã trả cho ông ta số tiền tương đương $29 triệu (USD) ngày nay. Tuy nhiên, Ngân khố Anh thu lại 60%, gọi là “thuế khai thác”. Ngày 9 Tháng Mười Một 1907, Edward nhận được viên kim cương lớn nhất thế giới như một món quà sinh nhật. Viên kim cương được cắt thành 9 viên chính và gần 100 viên nhỏ hơn. Viên lớn nhất Cullinan I hay “Ngôi sao vĩ đại của châu Phi” (Great Star of Africa), được gắn trên Vương trượng (Sovereign’s Scepter) với cây Thánh giá và được nhìn thấy lần đầu tại lễ đăng quang Vua George V (ông cố của Charles) vào năm 1911.
Với trọng lượng 530.2 carat, kỷ lục “viên kim cương cắt lớn nhất thế giới” của nó vẫn chưa bị phá. Vương trượng xuất hiện lần cuối trên nắp quan tài của Nữ hoàng Elizabeth II vào năm ngoái. Năm nay, Vua Charles mang nó trong lễ đăng quang. Viên Cullinan II, nặng 317.4 carat gắn trên mặt trước của Vương miện Hoàng gia (Imperial State Crown) được Charles đội trong các nghi thức đăng quang. Các viên Cullinan III, IV và V (cùng nặng 176.8 carat) gắn trên vương miện của Hoàng hậu Camilla.
Liệu những viên kim cương Cullinan có trả lại cho Nam Phi?
Năm 1994, sau nhiều thập niên nội chiến đẫm máu, Nam Phi trở thành một nền dân chủ đa chủng tộc. Dù không được sự hậu thuẫn của chính phủ nhưng nhiều người dân Nam Phi vẫn muốn lấy lại những viên kim cương Cullinan.
Hàng ngàn người đã ký vào một bản kiến nghị gửi tới Cao ủy Anh (British High Commission) trong Khối thịnh vượng chung (Commonwealth), đại sứ quán của các quốc gia thuộc khối và các đại sứ được gọi là cao ủy.
“Những viên kim cương Cullinan phải được trả về Nam Phi vì chúng là niềm tự hào, di sản và văn hóa của chúng tôi – luật sư và nhà hoạt động Mothusi Kamanga nói với Reuters – Theo tôi, nhìn chung, người dân châu Phi bắt đầu nhận thức rằng việc phi thực dân hóa không đơn giản là cho phép mọi người có một số quyền tự do nhất định mà còn là lấy lại những gì đã bị tước đoạt!”.
Khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời vào Tháng Chín năm ngoái, đảng đối lập tại Anh Economic Freedom Fighters nói với kênh Times Live: “Chúng tôi sẽ không thương tiếc bà ta, vì bà là đại diện cho một thời kỳ gợi nhớ đến những điều bi thảm ở đất nước này và Châu Phi”