Đăng ngày: 13/05/2023
Hôm qua, 12/05/2023, một cuộc họp cấp cao bộ ba công thức Weimar – nhóm hợp tác giữa ba nước Pháp, Đức và Ba Lan – diễn ra ở phía tây Ba Lan, với sự hiện diện của phó thủ tướng Ukraina. Ba nước mong muốn thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập Liên Hiệp Châu Âu cho Ukraina. Tuy nhiên, vấn đề ngũ cốc Ukraina có nguy cơ tràn ngập thị trường Ba Lan lại là mối bận tâm chính của chính quyền Vacxava.
Từ thủ đô Ba Lan, thông tín viên Martin Chabal giải thích :
« Đây chính là những thay đổi cụ thể mà việc Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu có thể mang lại. Hiện tại, Ba Lan đã đơn phương quyết định cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraina. Nước này muốn hạn chế tác động cho chính nông dân của mình, vốn đã biểu tình từ đầu năm nay. Ukraina hiểu hoàn cảnh lúc này
Bà Ola Stefanichyna, phó thủ tướng Ukraina nói : \”Chúng tôi hy vọng là sẽ sớm có một nhóm tư vấn để theo dõi và kiểm soát tình hình. Nhưng không nên đưa ra một quyết định nào có thể đi theo hướng tuyên truyền của Nga.\”
Nhưng vấn đề này rất có thể nhanh chóng được đưa trở lại bàn đàm phán nếu như Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Nông dân Ba Lan sẽ một lần nữa đối mặt trước tình trạng hàng hóa Ukraina, rẻ hơn của họ, tràn vào thị trường. Đối với bà Laurence Boone, quốc vụ khanh chuyên trách châu Âu của Pháp, châu Âu bắt buộc phải thay đổi.
Bà giải thích : \”Chúng ta nên xem xét lại các chính sách của Liên Hiệp Châu Âu để xem chúng ta có thể vận hành như thế nào khi Liên Âu sẽ có 35 thành viên, vì lợi ích của 35 nước.\”
Trong bối cảnh hiện nay, đó là một châu Âu chắc chắn mang tính chính trị và quân sự. Và những rắc rối từ ngũ cốc Ukraina cho thấy rõ là dù Vacxava đang thúc đẩy để nước láng giềng trở thành thành viên của khối, thì không phải trong mục đích hội nhập Ukraina vào thị trường chung. »
Trước việc 5 nước Ba Lan, Rumani, Hungary, Bulgari và Slovakia đơn phương cấm nhập khẩu và cho trung chuyển ngũ cốc Ukraina đến các cảng biển của châu Âu để xuất khẩu, hôm qua, bộ trưởng Nông Nghiệp của 12 nước thành viên khác trong Liên Hiệp Châu Âu đã gởi thư ngỏ phản đối đến Ủy Ban Châu Âu. Những nước này bao gồm : Áo, Bỉ, Croatia, Đan Mạch, Đức, Estonia, Hà Lan, Hy Lạp, Ireland, Luxembourg, Pháp và Slovenia.