Liên Âu muốn trừng phạt công ty Trung Quốc tiếp tay Nga gây chiến ở Ukraina : Tại sao lại khó ?

Đăng ngày: 16/05/2023

\"\"
\"\"
Ảnh min họa : Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) tại Samarkand, Uzbekistan, ngày 16/09/2022 và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 02/12/2019. AP – Sergei Bobylev; Noel Celis

Thu Hằng

Đặc sứ Trung Quốc Lý Huy đến Kiev ngày 16-17/05/2023, sau đó đi Nga và một số nước châu Âu, để thảo luận về “một giải pháp chính trị cho khủng hoảng Ukraina”. Về ngoại giao, Bắc Kinh muốn thể hiện trọng trách nỗ lực vãn hồi hòa bình cho Ukraina. Tuy nhiên, nhiều công ty Trung Quốc bị cáo buộc cung cấp trang thiết bị, kể cả lưỡng dụng, giúp Nga duy trì chiến tranh. Liên Hiệp Châu Âu đang nghiên cứu trừng phạt một số công ty này trong loạt trừng phạt thứ 11.  

Khi thăm Kiev ngày 09/05, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết loạt trừng phạt đang được nghiên cứu sẽ tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp, và thậm chí là Nhà nước bị tình nghi giúp đỡ Matxcơva lách lệnh trừng phạt bằng cách làm nước trung chuyển để Nga mua sản phẩm được sản xuất tại Liên Hiệp Châu Âu. Cuộc truy tìm đồng phạm của Nga lại đặt ra vấn đề vẫn ám ảnh khối 27 nước từ nhiều năm nay : Đó là \”nguyên tắc ngoài lãnh thổ\”

Vượt rào, phá vỡ cấm kị ? 

Cho đến nay các loạt trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu chỉ tập trung vào các cá thể, doanh nghiệp và thực thể Nga, với các biện pháp phổ biến như phong tỏa tài sản, cấm lưu thông, hạn chế thương mại, gây sức ép… Theo trang Euronews ngày 11/05, biện pháp trừng phạt là một công cụ của chính sách đối ngoại và được các nước có chủ quyền tùy ý áp dụng để trừng phạt điều mà họ coi là thái độ bất hợp pháp hoặc chí ít là đáng trách của một người, một tổ chức hoặc một Nhà nước. Những biện pháp này đều được ban hành trong phạm vi quyền tài phán của quốc gia áp đặt. 

Trong 10 loạt trừng phạt được ban hành, loạt thứ 8 có điểm trừng phạt một số cá nhân dù mang bất kỳ quốc tịch nào hỗ trợ Nga lách trừng phạt. Tuy nhiên, nhắm đến các doanh nghiệp, thậm chí là Nhà nước như đề xuất trong loạt trừng phạt thứ 11 là điều chưa từng có. Và Liên Âu đứng trước thách thức phá vỡ chính nguyên tắc của mình. 

Phó giáo sư Viktor Szép chuyên ngành luật tại Đại học Groningue (Hà Lan) giải thích với trang Euronews : “Chúng ta đang nói về việc mở rộng phạm vi áp dụng của luật pháp quốc gia ra nước ngoài. Đó là những biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ, chủ yếu ngăn cản các công ty và cá nhân bên thứ ba kinh doanh với các nước bị nhắm đến. Hoa Kỳ đã mở rộng cơ bản quyền tài phán của họ ở quy mô khá lớn đối với những cá nhân không phải là người Mỹ. Và vì rất nhiều doanh nghiệp lớn có mối liên hệ với Hoa Kỳ nên các đạo luật của Mỹ có phạm vi đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính quốc tế”.  

Bất nhất của Liên Âu về “nguyên tắc ngoài lãnh thổ” 

Liên Hiệp Châu Âu vẫn kịch liệt phản đối “nguyên tắc ngoài lãnh thổ”, còn được gọi là biện pháp trừng phạt thứ cấp. Sự phản đối kịch liệt này được thể hiện qua luật 1996, còn được gọi “Blocking Statute” và được coi là cách đáp trả trực tiếp các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran, Cuba và Libya. Luật này cấm các doanh nghiệp của Liên Hiệp Châu Âu tuân theo những biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ, hủy các phán quyết mà các tòa án nước ngoài ban hành và cho phép yêu cầu bồi thường thiệt hại. Sau đó, luật này được cập nhật để tố cáo hành động của Washington trả đũa Teheran sau khi tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Vienna với Iran. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp châu Âu buộc phải chọn thị trường tài chính lớn nhất thế giới thay vì nền kinh tế suy yếu của Iran. 

Phó giáo sư Viktor Szép giải thích : “Liên Hiệp Châu Âu vẫn luôn coi các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ là trái với luật pháp quốc tế. Các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu chưa bao giờ vượt ngoài lãnh thổ, có nghĩa là các biện pháp đó không áp dụng cho các doanh nghiệp hoặc các cá nhân không thuộc Liên Hiệp Châu Âu và hoạt động bên ngoài khối”.  

Dường như Liên Hiệp Châu Âu sẵn sàng “phá lệ” trước tình trạng Nga lách trừng phạt, thông qua các nước thứ ba như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazhakstan, Armenia… Thực ra, năm 2022, nhóm G7, trong đó có ba thành viên Liên Hiệp Châu Âu, đã thông qua biện pháp áp đặt mức giá trần đối với dầu thô của Nga. Trên giấy tờ, mức trần này là một hình phạt sơ cấp nhưng trên thực tế, biện pháp này đã gây ra tác động trên toàn thế giới, vì rất nhiều nước khác đã tuân thủ mức trần đó để mua rẻ dầu lửa Nga trong khi hoạt động thương mại phụ thuộc vào các công ty bảo hiểm và tập đoàn vận tải hàng hải phương Tây. 

“Nguyên tắc ngoài lãnh thổ” và bất lợi của Liên Âu 

Sử dụng nguyên tắc ngoài lãnh thổ có lẽ là một bước \”đại nhảy vọt\” đối với chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Châu Âu và thêm vào danh sách những điều cấm kỵ đã bị khối này phá vỡ kể từ khi điện Kremlin phát động cuộc xâm lược Ukraina. Tuy nhiên, trang Euronews cho rằng Liên Hiệp Châu Âu phải cần đến một đòn bẩy đủ mạnh, phải tìm ra những yếu tố kinh tế khác để khiến các đối tác phải suy nghĩ kỹ vì chưa chắc đồng euro có đủ sức mạnh như đồng đô la Mỹ để làm vũ khí răn đe. 

Giáo sư về luật quốc tế Tom Ruys, Đại học Gand (Bỉ), giải thích : “Ở một mức độ nào đó, Liên Hiệp Châu Âu là bên mới tham gia vào lĩnh vực trừng phạt thứ cấp. Châu Âu không có trọng lượng như Hoa Kỳ, với khả năng tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ, với việc sử dụng đồng đô la làm vũ khí, giữ vai trò quan trọng đối với một số lượng lớn các tổ chức tài chính trên thế giới. Tôi cho rằng chỉ có Mỹ mới có điều đó”

Theo ông Tom Ruys, Liên Hiệp Châu Âu có ba phương tiện để chống lách trừng phạt : Hạn chế tiếp cận vào thị trường nội địa phong phú ; Cam kết truy tố hình sự ra các tòa án quốc gia đối với những người bị nghi ngờ trốn trừng phạt ; Bổ sung thêm các doanh nghiệp mới vào danh sách đen của Liên Âu. Lập danh sách đen được coi là lựa chọn an toàn nhất do kết quả đạt được và phạm vi tương đối hạn chế vì biện pháp này sẽ dẫn đến phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh vào khối. Theo các chuyên gia, dừng ở bước lập danh sách các doanh nghiệp không phải của Nga sẽ giúp Liên Âu gần như tránh phải sử dụng đến nguyên tắc ngoài lãnh thổ. 

Tuy nhiên, Trung Quốc, nước đang bị theo dõi gắt gao vì có quan hệ quân sự và kinh tế chặt chẽ với Nga, đã cảnh cáo Liên Âu. Trong chuyến công du Berlin, ngoại trưởng Tần Cương nhấn mạnh : “Chúng tôi phản đối việc các nước ban hành các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ hoặc đơn phương nhắm vào Trung Quốc hoặc bất kỳ nước nào khác nhân danh các đạo luật quốc gia của họ. Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ phản ứng một cách nghiêm khắc và cứng rắn”.  

Nội bộ thiếu thống nhất trong việc áp dụng 

Trước đây, Liên Hiệp Châu Âu cũng đã bị Trung Quốc ban hành biện pháp trừng phạt đáp trả. Nhà nghiên cứu cấp cao Maria Shagina của Viện Nghiên cứu và Phát triển Quốc tế – IISS cho rằng trước khả năng Bắc Kinh trả đũa, các nước thành viên Liên Âu có thể sẽ thông qua một cách tiếp cận có chủ đích hơn, ví dụ tập trung vào việc giảm xuất khẩu chuyên biệt hơn là trừng phạt các công ty hoặc quốc gia. Tuy nhiên theo bà, việc Bruxelles sẵn sàng viện đến nguyên tắc ngoài lãnh thổ “là bằng chứng về một Liên Hiệp Châu Âu quyết đoán hơn, sẵn sàng đẩy xa các giới hạn”. Nhưng chưa chắc Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã nằm trong danh sách trừng phạt, mà “Kazakhstan và Armenia có nhiều khả năng hơn”

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu trấn an là cơ chế sắp tới sẽ được sử dụng “thận trọng” và là biện pháp “sau cùng” sau khi “phân tích rủi ro cẩn thận”. Những phát biểu này phản ánh vị trí tế nhị của Liên Âu hiện nay, bị kẹt giữa việc ghét cay ghét đắng nguyên tắc ngoài lãnh thổ với mong muốn các biện pháp trừng phạt Nga mang lại hiệu quả. Dù kết quả đàm phán cuối cùng như thế nào, đợt trừng phạt mới sẽ phải đối mặt với khó khăn cố hữu trong nội bộ 27 nước vì dù được tập thể nhất trí thông qua nhưng việc thực thi các biện pháp trừng phạt lại dựa trên cơ sở quốc gia và việc này dẫn đến kết quả bất tương xứng. 

Cuối cùng còn có một khó khăn khác được giáo sư Tom Ruys, Đại học Gand (Bỉ), nêu lên : “Mỗi lần các biện pháp trừng phạt mới được thảo ra, các đối tượng bị nhắm đến lại sớm thích ứng nhờ tìm được cách lách mới, nhất là hiện giờ nguy cơ rất cao vì đích nhắm đến là một trong những nền kinh tế lớn của thế giới. Đó là trò chơi mèo vờn chuột mà chúng ta không thấy hồi kết”

Bài Liên Quan

Leave a Comment