RFA
2023.05.17
Yoeung Kaiy- một người Khmer Krom và bản in Tuyên ngôn của LHQ về quyền của người bản địa
Facebook Yoeung Kaiy
Chính phủ Việt Nam bị tố \”dối trá\” khi bác bỏ các cáo buộc của LHQ về đàn áp người Khmer Krom
Chính phủ Việt Nam bác bỏ toàn bộ các cáo buộc đàn áp người Khmer Krom trong văn thư phản hồi Cơ chế nhân quyền đặc biệt của Liên Hiệp quốc (LHQ), tuy nhiên người hoạt động nhân quyền nói rằng nội dung của thư không phản ánh đúng sự thực.
Gần đây, Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ đã công bố văn bản mang số hiệu No. 75/VNM.23 đề ngày 10/5/2023 của Phái đoàn Ngoại giao của Việt Nam tại Văn phòng LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các cơ quan quốc tế khác tại Geneva (Thuỵ Sĩ). Văn bản này phản hồi chất vấn của 7 báo cáo viên đặc biệt thuộc cơ chế nhân quyền LHQ về cáo buộc đàn áp người Khmer Krom.
Việt Nam nói không sử dụng khái niệm “dân tộc bản địa”
Chính phủ Việt Nam nói đã ký Tuyên bố của Liên Hiệp quốc về quyền của người bản địa (UNDRIP) năm 2008 vì tinh thần quốc tế về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nói chung nhưng cho rằng khái niệm “dân tộc bản địa” không phù hợp với đặc điểm, lịch sử hình thành và phát triển của các dân tộc ở Việt Nam.
Chính phủ cho rằng, ở Việt Nam không có khái niệm về người bản địa mà chỉ có “người dân tộc thiểu số” và không có hàm ý phân biệt chủng tộc.
Ngày 17/5, ông Trần Mannrinh, một thành viên của Liên minh Khmer Krom (KKF), nhóm tranh đấu cho quyền của người bản địa Khmer Krom, hiện đang ở tiểu bang Pennsylvania (Hoa Kỳ) nói qua điện thoại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do:
“Việt Nam tìm cách quanh co chối quẩn, nếu Việt Nam không biết thế nào là ‘dân bản địa’ mà ký vào bản Tuyên ngôn của LHQ có tầm quan trọng quốc tế mà không biết ý nghĩa thế nào mà đặt bút ký là thế nào?”
Hợp tác hoá để lấy đất của người bản địa Khmer Krom
Trong giác thư số hiệu Ref.: AL VNM 5/2022 của bảy báo cáo viên thuộc cơ chế nhân quyền LHQ, Việt Nam bị cáo buộc thực hiện chính sách hợp tác hoá sau năm 1975 để lấy đất đai của người Khmer. Chính phủ Việt Nam bác bỏ cáo buộc này, viện lý do rằng đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước thống nhất quản lý theo Hiến pháp 2013.
Hà Nội nói vùng đất của người Khmer cũng như các dân tộc khác luôn thuộc quyền sở hữu của các dân tộc nói riêng và người Việt Nam nói chung.
Ông Trần Mannrinh, người định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1985, cho biết sau năm 1975, chính quyền tỉnh Sóc Trăng thực hiện chính sách hợp tác hoá, buộc người dân Khmer đưa đất đóng góp cho hợp tác xã rồi cùng làm để hưởng công điểm. Sau một thời gian không hiệu quả, họ giải tán hợp tác xã và đem ruộng đất ra chia đều cho người dân trong địa phương.
Ông nói về việc này ở xã Lai Hoà, huyện Vĩnh Châu (nay là thị xã Vĩnh Châu), tỉnh Sóc Trăng, nơi ông cư trú trước khi sang định cư tại Hoa Kỳ:
“Xã Lai Hoà 75% là người dân tộc Khmer. Đất đai đa phần là của người Khmer. Khi mà họ bãi bỏ hợp tác xã, họ chia lại đất đồng đều cho tất cả mọi người. Lúc đó người Khmer ở sát người Việt (Kinh- PV) thì bị mất đất vì phải chia đồng đều cho người ta.”
Ông còn nói ở địa phương có trường học thuộc chùa Khmer, sau này khi nhà nước quản lý các trường này, thì “đất trường học thành ra đất của nhà nước.”
Ông còn cho biết thêm thời điểm xảy ra Chiến tranh biên giới Tây Nam với Khmer đỏ, chính quyền Việt Nam buộc người Khmer sống ở Châu Đốc gần biên giới với Campuchia phải đi các tỉnh khác. Sau khi Khmer đỏ bị sụp đổ, họ được trở về nhà nhưng phần lớn đất đai và tài sản đã bị người khác chiếm mất.
Việc sách nhiễu, đàn áp người hoạt động
Trong giác thư gửi Hà Nội vào tháng 5/2022, các báo cáo viên LHQ nêu quan ngại về một số vi phạm điển hình đối với thành viên trong cộng đồng Khmer Krom, trong đó có các trường hợp công an thẩm vấn hoặc đánh đập các ông Dương Khải, Danh Sết, Tăng Thủy, và Thạch Rine trong trong các năm 2021-2022 vì các hoạt động nhân quyền liên quan đến quyền của người Khmer Krom, bao gồm cả quyền tự quyết của họ.
Trong thư phản hồi, Việt Nam nói rằng Dương Khải, Danh Sết, và Tăng Thủy là ba cá nhân từng có nhiều hoạt động phức tạp về an ninh trật tự tại địa phương.
Những cá nhân này bị cho là có nhiều mối quan hệ với các \”phần tử cực đoan các tổ chức chống phá Việt Nam,\” thường xuyên kích động hận thù dân tộc, đòi ly khai, tự chủ, chia cắt lãnh thổ Việt Nam.
Chính phủ nói các cá nhân trên lan truyền thông tin sai lệch và gây hiểu lầm về chính sách của chính quyền địa phương và pháp luật, vu khống chính quyền đàn áp người Khmer, kích động người Khmer, gây ra sự đe dọa đến chủ quyền của Việt Nam, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
Hà Nội nói vì các vi phạm trên, chính quyền địa phương đã mời họ đến trụ sở địa phương để cung cấp thông tin, xác minh làm rõ sự việc và đồng thời nhắc nhở các cá nhân không tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, ông Trần Mannrinh nói rằng họ bị cưỡng bức lên đồn công an: ông Tăng Thủy bị đánh và dí súng, còn ông Danh Sết cũng bị đánh và ép cung vì hành vi in Tuyên ngôn LHQ về người bản địa (UNDRIP) ra thành sách và định phân phát cho đồng bào.
Ông Thạch Rine bị bắt vào tháng 10/2021 với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự vì đăng tải hình ảnh bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Facebook cá nhân.
Tháng 01/2022, ông Thạch Rine bị tuyên sáu tháng tù giam và hết án vào tháng 4 cùng năm.
Ông Trần Mannrinh nhận định rằng, đây là một cái bẫy để trả thù việc ông Thạch Rine là người đầu tiên đọc bản Tuyên ngôn của LHQ về quyền của người bản địa bằng tiếng Khmer trên Facebook. Ông nói thêm rằng ông Thạch Rine không có khả năng vẽ hình xúc phạm ông Hồ, và cũng đặt dấu hỏi tại sao công an Việt Nam không điều tra rốt ráo về tác giả của nó.
Phía Việt Nam nói rằng việc bắt giữ và kết tội ông Thạch Rine theo đúng trình tự pháp luật Việt Nam trong khi phía LHQ có thông tin cáo buộc bắt giữ tuỳ tiện và xét xử không công bằng, kể cả việc ông không được quyền tiếp cận luật sư từ khi bị bắt đến khi được trở về nhà.
Các quyền bị vi phạm khác
Trong phản hồi của mình, Hà Nội cũng biện hộ về việc bảo đảm các quyền giáo dục và dạy chữ Khmer cũng như quyền tự do tôn giáo cho cộng đồng người Khmer Krom ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Ông Trần Mannrinh cho biết việc dạy tiếng Khmer hạn chế ở các trường dân tộc nội trú với chỉ 2-3 tiết/tuần và giáo viên không khuyến khích trẻ em người Khmer học tiếng mẹ đẻ mà khuyên học tiếng Việt, dẫn tới việc nhiều trẻ em không thạo tiếng nói của dân tộc mình.
Việt Nam cấm sử dụng sách dạy tiếng Khmer in từ Campuchia trong khi các sách giáo khoa về tiếng Khmer có nhiều sai sót về chính tả và nội dung, vì được viết bởi người Kinh, ông nói.
Tuy vậy, trong một bài báo năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông nói rằng nhà giáo nhân dân Lâm Es, người Khmer, là tác giả của các bộ sách giáo khoa bằng tiếng Khmer và từ năm học 2005-2006, bộ sách mới chữ Khmer của ông dành cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số được chính thức đưa vào giảng dạy.
Đại diện của KKF cho biết, người Khmer không được thành lập tổ chức Phật giáo của riêng mình mà các chùa Khmer theo phái Nam Tông bị đặt dưới sự chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức thành viên theo phái Bắc Tông của Mặt trận Tổ quốc. Người Khmer không có quyền bổ nhiệm các vị sư chủ trì, thậm chí người giúp việc của các chùa Khmer.
Ông cũng nói KKF không phải là tổ chức chống phá Nhà nước Việt Nam như Hà Nội khẳng định, mà chỉ có mục tiêu đòi quyền cơ bản cho người Khmer Krom ở Việt Nam.