“Anh hùng TĐT TĐ92 BĐQ, phòng thủ Căn Cứ Tống Lê Chân hơn 500 ngày.”
Từ ngày rời Trường Mẹ đến nay đã lâu quá rồi, biết bao kỷ niệm nhớ quên! Có nhiều bạn bè từ dạo đó đến nay chưa lần gặp mặt. Có bạn chỉ gặp trong bước đường cùng (ở tù), có bạn gặp khi sang xứ người (Mỹ). Hôm nay tôi muốn viết về một người bạn đặc biệt mà chúng mình ai cũng nhớ tên nhưng nhiều người chưa gặp lần nào từ khi rời trường: Đó là cựu SVSQ Lê Văn Ngôn, đại-đội A/21.
Ngôn dáng người tầm thước, mặt khá đẹp trai, hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ và có duyên. Quê anh ở Vĩnh Long, gia đình gia giáo (thân phụ là nhà giáo lão thành). Khi ở quân trường, Ngôn học giỏi (cựu sinh viên Dược Khoa mà!), làm sinh viên cán bộ đại đội trưởng trong hệ thống tự chỉ huy. Thời gian quân trường, Ngôn chơi thân với bạn Lê đình Lay.
Ngày mãn khoá, Khoá 21 về binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt mười đứa, trong đó có Ngôn và tôi. Thế là Ngôn và tôi có cơ hội gần gũi với nhau thêm khoảng 4 tháng nữa khi cùng theo học khoá LLĐB và Nhảy Dù. Chúng tôi thường đi chơi chung với nhau mỗi cuối tuần ở Nha Trang và sau này, Sài Gòn. Tôi còn nhớ Ngôn thích ăn món “cua rang muối”… Tụi tôi ra chơi ngủ đêm ở nhà anh em Không Quân Khoá 21 trong toà “Lâu Đài Ma”, cạnh Bộ Tư Lệnh LLĐB. Chọn đơn vị phục vụ, Ngôn về trình diện C3/LLĐB, còn tôi đi C1 với bạn Chiêm Thanh Hoàng.
Thời gian 1970 tôi thuyên chuyển về B15 ở Bình Long, gặp lại Ngôn lúc này đã thăng cấp Đại Uý. Làm trưởng trại bên Tống Lê Chân, cái tên đã gắn liền với cuộc đời Lê Văn Ngôn. Tôi về làm phó căn cứ Bù Đốp, thời gian này thỉnh thoảng gặp các bạn Khoá 21 Không Quân, phi đoàn trực thăng H34 thả toán.
Đến năm 1972, ở BĐQ, Ngôn đã lên Thiếu Tá, có xin với Đại Tá CHT BĐQ/QK3 cho tôi về làm phó cho Ngôn. Tôi trở thành thuộc cấp của Ngôn, khoảng hơn nửa năm. Thời gian sống chung tôi mới thấy Ngôn rất giỏi. Tổ chức đơn vị chu đáo, chăm lo đời sống gia đình vợ con binh sĩ. Anh rất chín chắn trong lời nói và hành động. Tối tối anh còn thức rất khuya học thêm Anh văn và Quân sử để sau này mong trở thành một cấp chỉ huy quân sự lớn. Trong tình bạn, Ngôn dặn chỉ huy hậu cứ, mỗi khi thăm gia đình Ngôn đều cùng phải thăm gia đình tôi, coi cần gì để giúp đỡ. Có về phép hoặc đi họp, dù ít giờ, Ngôn đều ghé thăm nhà tôi. Ngoại và Mẹ tôi thương và khen Ngôn hết lời!
Khoảng cuối năm 1972, gia đình tôi gặp chuyện không may. Em trai tôi lúc đó là Y sĩ trưởng Liên đoàn 5/BĐQ bị mất tích ở mặt trận Quảng Trị. Riêng TĐ92 BĐQ bị áp lực địch khá mạnh, mất vài tiền đồn. Ngôn muốn cho tôi sống đã cố thuyết phục và cuối cùng ra lệnh cho tôi về học Anh văn để chuẩn bị cho Khoá Bộ Binh Cao Cấp tại Hoa Kỳ. Tôi rời Tiểu Đoàn trên chiếc trực thăng “cuối cùng” đáp xuống được. Từ đó về sau không còn chuyến nào khác đáp xuống được căn cứ! Tiểu Đoàn phải nhận mọi yểm trợ bằng tiếp tế thả dù mà người làm công việc này nhiều nhất là bạn Lê Đình Lay (hiện ở Houston).
Tiểu Đoàn bị địch bao vây rất lâu, khoảng hơn một năm, pháo kích liên hồi, đặc công thường xuyên cố gắng đột nhập. Ngoài ra chúng còn dùng loa kêu gọi binh sĩ đầu hàng! Để giữ vững tinh thần binh sĩ, đêm đêm Ngôn cũng bắc loa đấu khẩu với các cán bộ chính trị của địch đang xa xả dụ hàng! Hành động này của Ngôn đã khiến tinh thần “tử thủ” của binh sĩ lên rất cao. Ngoài ra anh còn tạo một hệ thống mìn bẫy chằng chịt, phòng chống đặc công rất hữu hiệu. Ngôn rất nổi tiếng về mìn bẫy. Tôi còn nhớ trước kia, Quân Đoàn III thường cho các đơn vị khác đến Tiểu Đoàn của Ngôn để học tập mìn bẫy. Người ta đã gọi anh là “Ông vua về Mìn Bẫy”!
Riêng tôi không học hành gì được nhiều mỗi khi nghĩ đến Ngôn và các anh em trong tiểu đoàn. Tôi thường đến thăm nhà Ngôn ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật, Bàn Cờ (lúc đó Trần Ngọc Lình, E/21 đang làm Phường-Trưởng). Anh em trong Tiểu đoàn của Ngôn mỗi người được thăng một cấp. Riêng Ngôn, BTL QĐIII đã cử Th/Tá Không Quân Trần Gia Bảo, G/21, thả dù cặp lon Trung-tá xuống cho Ngôn. Thế là Ngôn trở thành vị Trung Tá đầu tiên của Khoá 21 và cũng là một Trung Tá trẻ nhất trong QLVNCH.
Trung Tá Lê Văn Ngôn
Cuối năm 1973, Tiểu đoàn Ngôn bị địch tràn ngập! Ngôn đã mở một đường máu, dẫn được một số anh em về tới An Lộc (Bình Long). Gặp lại nhau, tôi và Ngôn mừng mừng tủi tủi … Trong thâm tâm, tôi nghĩ là Ngôn không bao giờ chết được! Ít lâu sau, tôi và Ngôn lại cùng về học Khoá 2/74 Bộ Binh Cao Cấp ở Long Thành. Lúc này Ngôn có ghé thăm gia đình tôi, mang cặp lon trung tá nguỵ trang màu đen và vì Ngôn trong còn trẻ quá, nên lối xóm của tôi cứ ngỡ là trung uý.
Trong thời gian học khoá Bộ Binh, chúng tôi cũng có gặp nhiều bạn cùng Khoá 21 như Liên Khi Gia D21, Mai Văn Tấn D21, Hồ Đăng Xứng G21, … đặc biệt nhất có hai bạn Lê Văn Nhãn H21, và Lê Tuấn Trí D21 thăng cấp trung tá tại lớp học. Anh em Khóa 21 lại được dịp chung vui. Sau đó Ngôn thuyên chuyển sang SĐ5 làm Trung Đoàn Phó Trung Đoàn 8. Trong dịp hành quân lên Phú Giáo tỉnh Bình Dương, tôi gặp lại Ngôn. Anh em mừng rỡ và có vào quận gặp bạn Hải Mập, quận trưởng.
Nhưng rồi vận nước đưa đẩy đến ngày 30-4-1975, tất cả vào tù! Tôi ở Trại Long Giao K1, trong một dịp nổ kho đạn, chạy sang khu kế bên, gặp lại Ngôn và Trí, anh em khuyến khích an ủi nhau … Tôi còn nhớ một lần biết anh đang ở trại giam kế bên, tôi đánh liều xin phép một cán bộ Việt cộng để sang thăm. Hắn hỏi tôi sao lại phải thăm? Tôi trả lời: người này trước kia là “xếp” của tôi. Hắn gạt đi:” Xếp, xếp! Đã vào đây rồi mà còn xếp … bố nếu bố náo!!”
Năm 1976, tù thuyên chuyển ra Bắc, về liên trại 1 ở Yên Bái. Trong một chuyến đi khiêng thực phẩm ở liên trại, gặp lại Ngôn nhưng lần này anh em không nói được gì nhiều, chỉ chúc nhau sức khoẻ, riêng Ngôn còn dặn dò tôi: đừng nóng tánh, có hại. Tôi không ngờ đó là lần cuối chúng tôi gặp nhau! Đổi đi liên trại 5 ở Văn Bàn, khi trở lại liên trại 1, hỏi thăm và biết là Ngôn vừa mất vì bạo bệnh, không ăn được gì trước khi chết. Thôi, thế là hết một kiếp người, một người lính thực sự là lính. Suốt thời gian quân ngũ không có được mấy ngày để lo cho gia đình! Ngôn mất đi để lại vợ và hai con trai nhỏ.
Tôi chưa lần nào viết văn, bài này chỉ là những kỷ niệm nhỏ giữa Ngôn và tôi, vừa là một người bạn cùng khoá, vừa là một cấp chỉ huy. Vĩnh biệt Ngôn, hãy yên nghỉ ở một vùng trời không còn thù hận, và đoàn tụ với những người thân thương. Chúng tôi, những người còn lại, luôn luôn nhớ về Bạn.
Nguyễn Ngọc Tùng A/21