Đăng ngày: 18/05/2023
Tổng đầu tư của Trung Quốc vào Liên Hiệp Châu Âu trong năm 2022 giảm mạnh, nhưng ngành công nghiệp xe hơi và lĩnh vực sản xuất bình ắc quy cho xe hơi điện là những ngoại lệ. Ngày 12/05/2023, tổng thống Emmanuel Macron thông báo dự án liên doanh giữa tập đoàn Trung Quốc XTC với hãng Pháp Orano để sản xuất linh kiện và tái chế bình điện tại Dunkerque, miền bắc nước Pháp. Tổng trị giá đầu tư là 1,5 tỷ euro.
Châu Âu, bàn đạp cho xe hơi điện Trung Quốc
Đang dẫn đầu cuộc chơi, các nhà sản xuất bình điện Trung Quốc đang « đổ bộ » vào Lục Địa Già. Pháp, Đức, Anh và Hungary là những điểm đến được quan tâm hơn cả.
CATL, tập đoàn số một thế giới trong ngành, vào tháng 12/2022 đã mở nhà máy đầu tiên ngoài Hoa Lục tại Đức, để phục vụ tốt hơn hai khách hàng quan trọng nhất là BMW và Volkswagen. Envision, một tên tuổi lớn khác trong ngành của Trung Quốc, không che giấu tham vọng xem « châu Âu là bàn đạp để chinh phục 15 % thị phần thế giới từ nay đến 2026 ». Ngoài kế hoạch liên doanh giữa XTC và Orano tại Pháp, ít nhất ba kế hoạch đầu tư khác của Trung Quốc trên quê hương của Renault cũng đang trong giai đoạn « thai nghén ».
Theo báo cáo tháng 5/2023 của cơ quan tư vấn Rhodium Group (Mỹ) và viện nghiên cứu Merics (Đức), ba phần tư thị trường bình điện trên thế giới hiện do các đại tập đoàn Trung Quốc kiểm soát, với CATL đứng đầu bảng xếp hạng. Hoạt động từ 2011, có trụ sở tại Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến, một mình tập đoàn này hiện chiếm gần 35 % thị phần thế giới, trang bị bình điện từ các kiểu xe điện Trung Quốc cho đến các kiểu xe Citroen hay Peugeot của Pháp, xe Ford của Mỹ hay Kia của Hàn Quốc, cho dù Hàn Quốc đã có LG và Samsung.
Hiện tại đây là « mũi nhọn » đầu tư của Trung Quốc nhắm vào châu Âu. Trong năm 2022, vào lúc tổng đầu tư Trung Quốc vào châu lục này giảm 22 % so với 2021, riêng đầu tư vào các hãng sản xuất bình bình điện cho ô tô điện lại « có một bước đột phá chưa từng thấy » : chiếm gần 60 % tổng đầu tư trực tiếp Trung Quốc vào Châu Âu, tập trung vào Anh, Pháp, Đức và Hungary cho các dự án sản xuất bình điện phục vụ ngành công nghiệp xe hơi « sạch » trong tương lai.
Agatha Kraztz của Rhodium Group ghi nhận Trung Quốc đang « bơm hàng tỷ euro để trở thành một mắt xích thiết yếu trong dây chuyển sản xuất xe hơi điện châu Âu ». Kinh tế gia Max J. Zenglein của viện Merics nêu bật một yếu tố khác : các dự án đầu tư của Trung Quốc thuộc diện greenfield, đóng góp cho công cuộc bảo vệ môi trường xanh, sạch, « ít bị kiểm soát ngặt nghèo so với đầu tư vào các lĩnh vục then chốt hay vào công nghệ cao ».
Do khó mà « chiếm đoạt » các cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược như hải cảng hay phi trường, ruộng đất hay công nghệ cao của châu Âu, các nhà đầu tư Trung Quốc tập trung vào « công nghệ xanh ». Ví dụ như trong lĩnh vực high tech trong năm 2022, « 10 trên tổng số 16 dự án của Trung Quốc » muốn mua lại một doanh nghiệp châu Âu đã bị bỏ dở và nhìn chung thì tổng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Âu đã rơi xuống mức thấp nhấp kể từ 2013.
Anh Quốc tuy đã ra khỏi Liên Âu, nhưng Luân Đôn cũng như Bruxelles không còn « ngây thơ » trước các đối tác Trung Quốc. Berlin đã « chận lại » tham vọng của Bắc Kinh muốn mua lại hãng Elmos của Đức trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Các giới chức Anh từ chối chuyển nhượng Pulsic, cũng trong lĩnh vực này, cho một đối tác Trung Quốc.
Trung Quốc đổi chiến lược đầu tư
Phải chăng vì thái độ thận trọng đó của châu Âu mà Trung Quốc thiên về giải pháp mở nhà máy tại chỗ hơn là mua lại các hãng xưởng trên Lục Địa Già như từ trước tới nay ?
Vẫn báo cáo của Rhodium Group và Merics cho thấy, có lẽ thời kỳ mà các nhà đầu tư Trung Quốc tung tiền mua lại hay sáp nhập với các công ty của châu Âu đã qua. Năm 2022, FDI Trung Quốc vào Liên Âu đạt 7,9 tỷ euro và 4,5 tỷ trong số đó là để mở các nhà máy tại châu lục này. 100 % các nhà máy của Trung Quốc trên Lục Địa Già tập trung trong lĩnh vực sản xuất bình điện cho xe hơi điện.
Tháng 8/2022 CATL thông báo mở nhà máy tại Hungary. Bốn tháng sau cũng tập đoàn này khánh thành nhà máy đầu tiên ngoài Hoa Lục tại Đức. Envision từ 2021 đã khởi động một dự án tại miền bắc nước Pháp và trên nguyên tắc nhà máy này sẽ bắt đầu cung cấp bình điện cho thị trường châu Âu từ cuối 2024. Một nhãn hiệu khác của Trung Quốc là Svolt thì đang đàm phán về một dự án tại Đức. Gần đây nhất, EVE Power, cũng của Trung Quốc, thông báo « cắm rễ vào Hungary ».
Tổng cộng từ 2018 đến nay, Trung Quốc đã « rót » hơn 17 tỷ euro vào nền công nghiệp sản xuất bình điện châu Âu với mục đích « chiếm ít nhất 20 % thị phần trên toàn châu lục này trước ngưỡng 2030 ».
Châu Âu, ngõ thoát hiểm duy nhất của xe hơi điện Trung Quốc
Qua việc mở nhà máy sản xuất bình điện này, các tập đoàn Trung Quốc chủ yếu nhắm đến thị trường xe hơi điện của Liên Âu.
Một mặt Bruxelles đang hướng tới mục tiêu 100 % xe hơi điện từ nay đến ngưỡng 2035, mặt khác, cánh cổng vào thị trường Mỹ « đang càng lúc càng khép chặt », các tập đoàn Trung Quốc bắt buộc đẩy mạnh đầu tư vào châu Âu. Washington đang thiên về chiến lược phát triển công nghiệp xe hơi điện « Without China », tức là không có chỗ đứng cho Trung Quốc trong dây chuyền sản xuất.
BYD, tập đoàn thứ ba thế giới về xe hơi điện hiện nay, thì đang cân nhắc giữa nhiều địa điểm để đặt ít nhất 2 nhà máy ở châu Âu. Lãnh đạo tập đoàn này ý thức được rằng, trong cuộc tranh hùng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay, cộng thêm với đạo luật IRA của chính quyền Biden khuyến khích phát triển công nghệ xanh, các kiểu xe mang nhãn hiệu BYD ít có cơ hội chinh phục thị trường Mỹ.
Châu Âu có nguy cơ đánh mất công nghệ xe hơi ?
Hôm 12/05/2023 tổng thống Pháp Emmanuel Macron hào hứng thông báo kế hoạch liên doanh XTC và Orano, một dự án đầu tư cho phép tạo thêm 1.700 công việc làm cho dân cư trong vùng Les Hauts de France. Đôi bên dự trù trang bị bình điện cho 100.000 xe hơi điện của châu Âu mỗi năm.
Trong hậu trường, liên minh ACC, bao gồm tập đoàn Pháp, Total (năng lượng), Stellantis (công ty mẹ của tập đoàn xe hơi Peugeot) vội vàng chuẩn bị kế hoạch phản công, bởi dự án của Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với các nhà máy của ACC. Trên nguyên tắc, đến cuối năm nay, ACC bắt đầu cung cấp bình điện cho xe của Pháp (chủ yếu Peugeot) và kể từ cuối 2025, ACC cung cấp cả cho các đối tác tại Đức.
Giới quan sát e rằng châu Âu đang trở thành đất dụng võ cho các nhà sản xuất châu Á : 2/3 khả năng sản xuất bình điện đang « đặt tại Hoa Lục ». Thực tế đó càng rõ nét hơn nữa như ghi nhận của cơ quan tư vấn Alix Partners : trong một thời gian rất ngắn, các hãng Trung Quốc « không ngừng đe dọa luôn cả những đối thủ nặng ký của châu Á như Panasonic của Nhật Bản, Samsung SDI và LG Chem của Hàn Quốc ». Vậy thử hỏi châu Âu liệu sẽ cầm cự được bao lâu ?
Theo tạp chí kinh tế Challenge của Pháp, với đà này Liên Âu có nguy cơ « đánh mất công nghệ chế tạo xe hơi ». Bruxelles hô hào về chiến lược « tự chủ công nghiệp » nhưng lại giao phó khâu sản xuất bình điện, tức là 1/3 giá trị của những chiếc xe trong tương lai, cho các tập đoàn sản xuất nước ngoài. Đây là một lĩnh vực mà « Trung Quốc đang đi trước châu Âu ít nhất là 10 năm ».