Khan hiếm dược phẩm ngày càng trầm trọng: Pháp và Châu Âu cấp tốc tìm đối sách

Đăng ngày: 19/05/2023

\"\"
\"\"
Một hiệu thuốc ở Paris, Pháp. Tình trạng khan hiếm thuốc ngày càng trầm trọng tại Pháp. AP – Francois Mori

Thanh Phương

Thuốc trụ sinh, thuốc trị đau nhức paracetamol, thuốc chống co giật, thuốc chữa ung thư, v.v…: ngày càng có nhiều mặt hàng bị khan hiếm trong các nhà thuốc tại Pháp cũng như tại nhiều nước khác ở châu Âu. Tình hình này buộc Pháp nói riêng và Liên Hiệp Châu Âu nói chung phải cấp tốc tìm đối sách để bảo đảm nguồn cung cấp dược phẩm.

Pháp: Hơn 3.000 thuốc bị khan hiếm

Theo thượng nghị sĩ Sonia de La Provôté, chủ tịch ủy ban điều tra của Thượng Viện Pháp về vấn đề này, tình trạng khan hiếm dược phẩm tại Pháp đã ngày càng trầm trọng trong khoảng 15 năm trở lại đây. Bà cho biết là hiện giờ có đến hơn 3.000 loại thuốc đang bị khan hiếm, từ thuốc trị bệnh cho trẻ em, thuốc trị ung thư, cho đến thuốc trụ sinh và thuốc chống co giật.

Cơ quan Quốc gia về An ninh Dược phẩm ( ANSM ) trong báo cáo mới nhất cho biết là trong năm 2022, đã có đến 3.500 báo động về thiếu nguồn cung cấp thuốc hoặc về nguy cơ thiếu nguồn cung cấp, tăng rất rõ so với con số 2.160 báo động trong năm 2021. 

Theo tổ chức France Assos Santé, 45% số người gặp tình trạng khan hiếm thuốc đã buộc phải tạm hoãn điều trị, thay đổi hướng điều trị, hoặc thậm chí phải bỏ hẳn việc điều trị 

Bác sĩ nhi khoa châu Âu báo động

Nhưng không chỉ có Pháp: Vào cuối tháng 4, các bác sĩ nhi khoa ở nhiều nước châu Âu, trong đó có Pháp và Đức, đã báo động về nguy cơ đối với “sức khỏe của trẻ em và giới trẻ\”, do tình trạng khan hiếm thuốc toàn châu Âu. Riêng tại Pháp, trong mùa đông vừa qua đã có tình trạng khan hiếm nhiều loại thuốc trụ sinh, trong đó có amoxicilline, mà các bác sĩ thường kê toa cho trẻ em. 

Trong một bức thư ký tên chung gởi bộ trưởng Y Tế các nước Pháp, Đức, Áo, Thụy Sĩ và bộ trưởng Y tế Tỉnh tự trị Bolzano của Ý, các bác sĩ nhi khoa châu Âu yêu cầu các lãnh đạo chính trị của những nước này cấp tốc tìm ra một giải pháp “nhanh chóng, hiệu quả và bền vững” để bảo đảm việc sản xuất và cung cấp đầy đủ các loại thuốc cần thiết cho việc chữa trị trẻ em. Họ đặc biệt nhấn mạnh đến các loại thuốc trụ sinh, trị đau nhức, thuốc trị sốt và hen suyễn, cũng như các loại vac-xin. 

Những nguyên nhân

Tình trạng khan hiếm thuốc có rất nhiều nguyên nhân, thường là có liên quan đến bối cảnh quốc tế: khả năng sản xuất không đủ, tính chất phức tạp của các dây chuyền sản xuất, nhu cầu về thuốc tăng lên do dân số các nước già đi, hậu quả của các khủng hoảng quốc tế như đại dịch Covid-19 hay chiến tranh Ukraina, lạm phát…

Trong thời gian Covid, tại Trung Quốc, một trong những nước sản xuất dược phẩm hàng đầu thế giới, số ca nhiễm đã bùng nổ vào cuối năm 2022, khiến nước này quyết định không xuất khẩu một số loại thuốc, nhất là thuốc paracetamol, để ưu tiên cho thị trường nội địa. Chiến tranh Ukraina thì có tác động gián tiếp lên thị trường dược phẩm, vì kéo theo việc tăng giá bao bì đóng gói các sản phẩm

Riêng đối với Pháp, chủ tịch ủy ban điều tra của Thượng Viện về khan hiếm thuốc, bà  Sonia de La Provôté nêu lên việc ngành dược phẩm trong những năm gần đây đã chuyển cơ sở sản xuất các nguyên liệu ra nước ngoài, nhất là sang các nước châu Á, tức là những quốc gia bị tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 kể từ năm 2020. Nữ thượng nghị sĩ Pháp yêu cầu tái tạo toàn bộ chuỗi giá trị của dược phẩm, một việc không phải đơn giản, cho nên phải tập trung vào danh sách một số loại thuốc thật thiết yếu để có thể đáp ứng ngay khi có báo động khan hiếm.

Giải pháp

Tình hình lên đến mức mà hôm 11/05/2023, tổ chức Leem, quy tụ các công ty dược phẩm hoạt động ở Pháp, đã phải lên tiếng kêu gọi chính phủ bổ nhiệm một ủy viên cao cấp về dược phẩm để phối hợp hành động ở cấp độ nước Pháp và cấp độ châu Âu. 

Đáp lại yêu cầu đó, bộ trưởng Y Tế Pháp François Braun đã nhắc lại là chính phủ đang lập một danh sách các loại thuốc thiết yếu và sẽ công bố danh sách này vào tháng 6. Hôm 16/05 vừa qua, ông thông báo đã nhận được danh sách đầu tiên bao gồm 281 loại thuốc, trong đó có insuline, amoxiciline, paracetamol hay thuốc trị co giật.  

Theo lời bộ trưởng Y Tế Pháp, danh sách đầu tiên này sẽ giúp chính phủ nghiên cứu tốt hơn các dây chuyền sản xuất của từng loại thuốc và từ đó đề ra những biện pháp cụ thể để ngăn chận tình trạng khan hiếm. Ông nhắc lại mục tiêu mà tổng thống Emmanuel Macron đề ra nhằm khôi phục sự \”tự chủ công nghiệp\” cho nước Pháp cũng bao gồm cả lĩnh vực dược phẩm.

Ứng phó ở cấp độ châu Âu

Nhưng bộ trưởng François Braun đã nhấn mạnh ngoài chính sách về tự chủ công nghiệp cho nước Pháp, nhưng cũng cần một chính sách châu Âu để giải quyết tình trạng khan hiếm một số loại thuốc. 

Theo lời bộ trưởng Y Tế Pháp, Paris cùng với 18 nước thành viên khác của Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ một đề nghị của Vương quốc Bỉ ra một luật của châu Âu về khan hiếm thuốc, giống như luật về khan hiếm nguyên liệu thiết yếu.

Vào đầu tháng 4, Ủy ban châu Âu đã đề nghị một cải tổ nhằm buộc các công ty dược phẩm phải có những biện pháp để ngăn ngừa tình trạng khan hiếm thuốc, khuyến khích các công ty này phát triển những loại thuốc trụ sinh mới và đưa các thuốc này ra thị trường ở toàn bộ các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. 

Nhưng một số nhân vật trong ủy ban này cho rằng đề nghị nói trên sẽ không thể giúp giải quyết toàn bộ vấn đề. Đối với họ, châu Âu phải tìm mọi cách để tăng cường khả năng tự chủ công nghiệp và bảo đảm nguồn cung cấp các nguyên liệu thiết yếu. 

Đối với bộ trưởng Y Tế Pháp, các hãng bào chế dược phẩm cần phải tỏ ra minh bạch hơn về sản xuất, bởi vì cho tới nay các hãng này vẫn không sản xuất đủ thuốc, lấy lý do chính sách giá cả hiện giờ không bảo đảm cho họ có lãi. Đúng là giá thuốc tại Pháp thuộc loại rẻ nhất nhất châu Âu vì do nhà nước ấn định, hay đúng hơn là bị nhà nước khống chế, để giảm bớt chi phí bồi hoàn của quỹ bảo hiểm y tế. 

Nhưng theo bộ trưởng François Braun cũng phải có sự đoàn kết giữa các nước châu Âu, cụ thể là nước nào mà trong kho dự trữ còn nhiều thuốc thì có thể giúp các nước đang bị thiếu. Đồng thời phải lập ra một danh sách các loại thuốc thiết yếu cho châu Âu để từ đó bảo đảm làm sao các thuốc này được sản xuất ở Pháp và ở châu Âu nói chung.

Nhưng theo lãnh đạo tổ chức Leem, quy tụ các công ty dược phẩm hoạt động ở Pháp, vấn đề là hiện nay luật lệ quy định ở các nước châu Âu có quá nhiều khác biệt, cần phải được đồng bộ hóa để dễ theo dõi những khó khăn của nguồn cung cấp thuốc. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment