Đăng ngày: 19/05/2023
Chiến tranh Ukraina, gia tăng trừng phạt Nga và căng thẳng với Trung Quốc là ba trọng tâm thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản, mở ra từ hôm nay 19 đến ngày 21/05/2023. Tổng thống Ukraina cũng sẽ có mặt tại một thành phố có mang nặng vết tích của quả bom nguyên tử năm 1945. Đây sẽ là một thông điệp mạnh mẽ khối G7 gửi đến nước Nga, vốn đã nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.
Lãnh đạo 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản) họp thượng đỉnh tại Hiroshima, Nhật Bản, từ hôm nay. Mục tiêu chính thượng đỉnh nhằm thể hiện với Trung Quốc và Nga về mức độ đoàn kết của G7 trước « những hành vi của Trung Quốc dùng đòn kinh tế uy hiếp » thế giới, trước việc Nga « xâm lược Ukraina ».
Trong cuộc họp báo hôm qua 18/05 cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, Jake Sullivan, đã để ngỏ khả năng G7 sẽ « lên tiếng trước những hành vi uy hiếp kinh tế » của Bắc Kinh và sẽ « cố gắng vượt lên trên những bất đồng » trong chính sách đối phó với Trung Quốc.
Trước khi khai mạc thượng đỉnh, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, trong cương vị chủ nhà, đã cùng với các vị khách đặt vòng hoa trước đài tưởng niệm 140.000 nạn nhân Hiroshima và tham quan bảo tàng thành phố về sự kiện quân đội Hoa Kỳ thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Nhật Bản ngày 06/08/1945. Joe Biden là tổng thống Mỹ thứ nhì đặt chân đến Hiroshima. Như người tiền nhiệm Barack Obama, ông Biden cũng sẽ không chính thức lên tiếng xin lỗi về hành động này.
Từ Tokyo thông tín viên Bruno Duval giải thích về việc Nhật Bản chọn tổ chức G7 tại thành phố Hiroshima:
Đối với thủ tướng Nhật, Fumio Kishida, trải thảm đó tại Hiroshima nghênh tiếp lãnh đạo các cường quốc hạt nhân trên thế giới không xúc phạm tới việc tưởng niệm 140.000 nạn nhân bom nguyên tử hồi tháng 8/1945.
Việc tổ chức thượng đỉnh G7 tại một nơi có ý nghĩa biểu tượng cao như Hiroshima sẽ thúc đẩy tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân. Đây là quan điểm của thủ tướng Nhật. Thế nhưng, theo một cuộc thăm dò dư luận, 65 % những người được hỏi tỏ ra hoài nghi. Dân cư tại thủ đô Tokyo không nhất trí về điểm này. Một phụ nữ cho biết bà « tán đồng việc tổ chức G7 tại Hiroshima, bởi có thể điều ấy giúp cho giới lãnh đạo thấy rõ những hậu quả kinh hoàng của vũ khí nguyên tử ». Một người thứ nhì quả quyết « cần phải cấm sử dụng vũ khí hạt nhân, một sự độc ác tuyệt đối. Tiếc là khối G7 sẽ không làm gì cả . Cũng có người cho rằng « thượng đỉnh lần này không có ý nghĩa gì cả», bởi vì người ta cần phải đàm phán với Vladimir Putin, người mang vũ khí nguyên tử ra đe dọa thế giới.
Sau cùng một người đàn ông cho rằng đặt vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân trong bối cảnh quốc tế hiện nay là vô trách nhiệm, vì theo ông, Nhật Bản cần phải trang bị vũ khí trở lại và ở quy quy mô lớn, bởi để được sống trong hòa bình, người ta phải biết chuẩn bị đối phó với chiến tranh ».
Đa số dân Nhật tán đồng việc chính phủ thông báo tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng. Thậm chí có đến 20 % cho rằng, Washington cần triển khai vũ khí hạt nhân tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản.
Ukraina, khách mời của G7
Vào giờ chót, cố vấn an ninh quốc gia Ukraina, Oleksi Danilov sáng nay trên đài truyền hình Nhà nước xác nhận tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ đích thân đến Hiroshima dự thượng đỉnh G7 vào Chủ Nhật 21/05/2023. Theo dự kiến, ông Zelensky sẽ hội kiến thủ tướng Ấn Độ, Norendra Modi. Do có những mối liên hệ chặt chẽ với Nga về quân sự, đến nay New Delhi vẫn tránh lên án Matxcơva xâm lược Ukraina. Ngoài ra, giới quan sát chờ đợi một lần nữa tổng thống Zelensky sẽ thuyết phục phương Tây cấp chiến đấu cơ F-16 cho Kiev để tự vệ.
Pháp -Nhật đẩy mạnh hợp tác quân sự
Bên lề thượng đỉnh G7, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có một cuộc họp song phương sáng nay. Lãnh đạo hai nước thể hiện mong muốn « tăng cường hợp tác » sau khi đã cam kết « thúc đẩy đối thoại trong các chương trình diễn tập quân sự chung ». Đầu tháng 5/2023 bộ trưởng Quốc Phòng hai nước đã yêu cầu các cơ quan chức năng « đơn giản hóa thủ tục về mặt hành chính, phát lý » để cho phép Nhật Bản và Pháp nhanh chóng tiến hành các cuộc tập trận chung. Paris, qua lời bộ trưởng Sébastien Lecornu tháng 4/2023 hy vọng Pháp –Nhật nhanh chóng ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng được biết dưới tên gọi chính thức là Hiệp Ước Tiếp Cận Đối Ứng. Nhật Bản đến nay đã ký kết thỏa thuận này với Úc và Vương Quốc Anh.