Lần đầu tiên nhà cầm quyền Bắc Kinh đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các nước Trung Á (C+C5), ngoài việc cạnh tranh với hội nghị thượng đỉnh Hiroshima của Nhóm 7 cường quốc công nghiệp (G7), còn tìm cách củng cố sân sau của Nga sau khi quan hệ với các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu xấu đi.
Bắc Kinh tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với các nhà lãnh đạo Trung Á
Theo hãng tin Reuters, hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc và các quốc gia Trung Á sẽ diễn ra trong hai ngày, từ ngày 18/5 đến 19/5. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc chủ trì tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tiếp với các quốc gia Trung Á nhằm tìm cách củng cố mối quan hệ với khu vực vốn được xem là sân sau của Nga trong bối cảnh Moscow đang phải tập trung nguồn lực vào cuộc chiến tranh Ukraine.
Nhà nghiên cứu Adina Masalbekova của Học viện OSCE tại Bishkek (thủ đô của Kyrgyzstan) nhận định: “Bắc Kinh muốn thúc đẩy thay thế trật tự toàn cầu và cố gắng thuyết phục khu vực Trung Á rằng trật tự toàn cầu mới cũng là tốt hơn cho họ”.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Bắc Kinh và các nhà lãnh đạo Trung Á đã được tổ chức dưới hình thức trực tuyến vào năm 2022. Đối với hội nghị thượng đỉnh trực tiếp Trung Quốc – Trung Á đầu tiên trong năm nay, thành phố Tây An được chọn làm địa điểm đăng cai tổ chức hội nghị.
Thành phố thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây này là biểu tượng về tầm quan trọng của các mối quan hệ kinh tế vì nơi đây đóng vai trò then chốt trong con đường thương mại Tơ Lụa cổ đại bao trùm Trung Á.
Ông Niva Yau, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương (có trụ sở tại Kyrgyzstan), cho biết: \”Một trong những điểm thu được lớn nhất mà chúng tôi hy vọng sẽ thấy tại hội nghị thượng đỉnh này là việc chính thức mở cửa các sản phẩm Trung Á cho thị trường Trung Quốc. Đây là điều mà khu vực này đã yêu cầu trong vài năm”.
Sau khi Liên Xô tan rã và thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 30 năm, kim ngạch thương mại giữa Bắc Kinh và 5 quốc gia Trung Á đã tăng gấp 100 lần. Vào năm 2022, đầu tư giữa Bắc Kinh và 5 quốc gia trên đạt mức cao kỷ lục, vượt 70 tỷ USD.
Trung Á là cửa ngõ của ‘Vành đai và Con đường’ của Bắc Kinh
Trước hội nghị thượng đỉnh, truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quốc gia Trung Á này với tư cách là cửa ngõ của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Sáng kiến này là một chính sách cơ sở hạ tầng quan trọng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố trong chuyến thăm Kazakhstan năm 2013.
Hiện tại, hai dự án BRI lớn đang được đàm phán là tuyến đường sắt nối Trung Quốc với Kyrgyzstan và Uzbekistan, và một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan.
Các nước mới nổi đã bị chỉ trích vì gánh các khoản nợ mà họ không có khả năng chi trả cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Bắc Kinh hiện là chủ nợ chính của các nước Trung Á, với các khoản vay dành cho các nước nghèo hơn như Kyrgyzstan và Tajikistan chiếm hơn 20% tổng sản phẩm quốc nội tương ứng của họ.
Các quốc gia Trung Á thường được coi là sân sau của Nga và Moscow hiện đang chịu lệnh trừng phạt quốc tế sâu rộng do cuộc chiến Nga – Ukraine. Về vấn đề này, các nhà bình luận tin rằng các nước Trung Á sẽ hoan nghênh các đề xuất của Bắc Kinh. Để đổi lấy sự hợp tác kinh tế lớn hơn, Trung Quốc cũng tìm kiếm sự hỗ trợ để đảm bảo an ninh cho các quốc gia Trung Á.
Ông Temur Umarov, một thành viên tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Berlin (Đức), cho biết: \”Họ hiểu rằng điều quan trọng là phải có các đối tác khác ngoài Nga và lựa chọn số một của họ lúc này là Trung Quốc”.
Ba quốc gia Trung Á, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, giáp Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương phía tây Trung Quốc, và Bắc Kinh đã bị phương Tây cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác. Việc Taliban tiếp quản Afghanistan cũng khiến Bắc Kinh lo ngại về việc các chiến binh Hồi giáo tràn qua biên giới.
Các nhà phân tích bình luận cho rằng các nhà lãnh đạo của hội nghị thượng đỉnh cũng có thể đề cập đến cuộc chiến Nga – Ukraine và nhắc lại lập trường chung của Bắc Kinh và Moscow rằng Trung Á không nên bị Hoa Kỳ và các cường quốc bên ngoài khác lợi dụng để chống lại các cuộc chiến ủy nhiệm hoặc kích động bất ổn nội bộ.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại hội nghị thượng đỉnh của 6 nhà lãnh đạo hôm 19/5, ông Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu “quan trọng” và các bên cũng sẽ ký kết một văn kiện chính trị “quan trọng”.
Thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Trung Á đã đạt kỷ lục vào năm ngoái với trị giá 70 tỷ USD. Kazakhstan dẫn dầu với 31 tỷ USD, tiếp đến là Kyrgyzstan 15,5 tỷ USD, Turkmenistan 11,2 tỷ USD, Uzbekistan 9,8 tỷ USD và Tajikistan 2 tỷ USD, theo hãng tin Reuters.
Lam Giang tổng hợp