Vụ Đường Văn Thái: 19 tổ chức nhân quyền kêu gọi LHQ thúc ép Việt Nam phóng thích

RFA
2023.05.19

\"VụYouTuber Thái Văn Đường (Đường Văn Thái) trong một ảnh chụp tháng 2/2023

 Twitter Thái Văn Đường

Vụ Đường Văn Thái: 19 tổ chức nhân quyền kêu gọi LHQ thúc ép Việt Nam phóng thích

Bức thư chung của 19 tổ chức nhân quyền quốc tế được gửi tới Văn phòng Cao uỷ của Liên Hiệp quốc về Người tị nạn (UNHCR) ở Thụy Sĩ, kêu gọi cơ quan này hối thúc Chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông Đường Văn Thái cũng như blogger Trương Duy Nhất – hai người được cho là bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Thái Lan.

Bức thư được ký ngày 18/5 bởi chín tổ chức phi chính phủ ACAT đến từ nhiều quốc gia khác nhau, hướng đến việc xoá bỏ các hình thức tra tấn và án tử hình trên khắp thế giới, cũng như bảo vệ quyền tị nạn, cùng một số tổ chức có tiếng khác như Văn bút Mỹ (PEN Ameria), Phóng viên Không Biên giới (RSF)… bên cạnh hai tổ chức của người Việt là Việt Tân và Hội Anh em Dân chủ.

Trong thư chung gửi người đứng đầu Cao ủy của LHQ về Người tị nạn – ông Filippo Grandi, các tổ chức cho rằng hàng trăm người Việt hiện đang tị nạn tại xứ Chùa Vàng có nguy cơ bị bắt cóc và cưỡng bách trở về nước bởi đặc vụ của Nhà nước Việt Nam sau khi blogger Thái Văn Đường (tên thật là Đường Văn Thái) bị bắt cóc hơn một tháng qua.

Sau khi đưa tin rầm rộ về việc ông Thái bị cho là xâm nhập trái phép từ Lào, nhà chức trách Việt Nam đến nay hoàn toàn im lặng về tình trạng của ông Thái. Chính quyền địa phương không thông báo về việc ông bị bắt, giam giữ hoặc khởi tố với người mẹ già 75 tuổi, bà chỉ biết tin về con trai của mình từ hàng xóm, bà Dương Thị Lư nói với phóng viên của Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong chiều 19/5.

Nhắc lại vụ ông Trương Duy Nhất, blogger của RFA, bị bắt cóc tại thủ đô Bangkok khi vừa nộp đơn xin tị nạn chính trị cho cơ quan của LHQ vào tháng 1/2019, bị đưa về Việt Nam và bị kết án 10 năm tù giam, bức thư cho rằng cả hai sự vụ đều cho thấy sự vi phạm trắng trợn luật lệ quốc tế về tị nạn và nhân quyền của chính quyền Việt Nam.

Người tị nạn tại Thái Lan lo lắng về an nguy

Theo một thống kê không đầy đủ, hiện có hơn 1.500 người Việt gồm nhiều sắc tộc khác nhau như người Thượng, người Hmong, Khmer Krom, người Kinh… đang tị nạn tại Thái Lan và mỏi mòn chờ được định cư ở một nước thứ ba.

Một số người trong số họ có tâm lý hoang mang, lo sợ sau sự việc xảy ra với ông Đường Văn Thái.

Cựu tù nhân chính trị Trần Hồng Giang, người đào thoát khỏi Việt Nam từ năm 2018 vì không chịu được sự đàn áp của lực lượng an ninh sau khi mãn án 15 năm tù giam, cho RFA biết trong ngày 19/5:

Thông tin anh Đường Văn Thái bị bắt làm đa số anh em ở đây ai cũng hoang mang lo sợ. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sang đây bắt người tuỳ tiện vậy đó. Mình không biết khi nào chuyện bắt bớ này xảy ra với mình hay với người khác.”

Ông Y Quynh Buon Dap, người tị nạn chính trị vì các hoạt động về tự do tôn giáo, cho biết trong cùng ngày:

Từ cái vụ việc đó, nhiều người Việt ở Thái Lan này họ cũng lo lắng vì họ có thể là những mục tiêu ca cộng sản Việt Nam.”

Ông cho biết, vì Thái Lan chưa tham gia Công ước về người tị nạn nên chính quyền Bangkok không cho người tị nạn được phép lao động và tự do đi lại nên những người như ông phải cẩn trọng hơn nhằm tránh bị cảnh sát Thái bắt nộp phạt hoặc đưa vào giam ở Trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép (IDC). Gần đây, cảnh sát Thái tăng cường kiểm tra những khu vực có người tị nạn thuê, ông nói.

Bức thư của 19 tổ chức kêu gọi Cao ủy LHQ về Người tị nạn chú tâm đặc biệt đến các trường hợp bị bắt cóc và có những biện pháp cần thiết để bảo vệ người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan không bị bắt cóc và cưỡng bách về lại đất nước.

Các biện pháp được đưa ra bao gồm, thực hiện các đánh giá rủi ro cho những người đã được cấp quy chế tị nạn nhằm xác định xác suất bị tấn công bạo hành, kể cả bắt cóc và cưỡng bách về Việt Nam, và để tiến hành các biện pháp bảo vệ cụ thể.

Thứ hai là thúc đẩy nhanh hơn thủ tục tái định cư  sang quốc gia thứ ba, để có được một nơi an toàn hơn là Thái Lan cũng như tránh bị cưỡng bách về Việt Nam.

Sau việc ông Thái bị bắt cóc, ông Y Quynh Buon Dap nói rằng, Văn phòng Cao uỷ LHQ về Người tị nạn không có động thái gì nhằm bảo vệ người tị nạn ngoài việc thăm hỏi qua điện thoại và dặn dò cẩn trọng trong việc đi lại.

Người sáng lập và điều hành tổ chức Người Thượng Vì Công lý, một nhóm đấu tranh cho quyền của người Thượng ở Tây Nguyên, nói về nguyện vọng của người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan:

Người Thượng và người Việt nói chung, mong muốn của người tị nạn thứ nhất là được sự bảo vệ từ Liên Hiệp quốc và các tổ chức nhân quyền quốc tế. Thứ hai là mong muốn sớm để có thể đi được sang nước thứ ba.”

Cuối tháng trước, một nhóm khoảng 50 người tị nạn đến từ Việt Nam đã biểu tình trước Văn phòng Cao uỷ LHQ về Người tị nạn ở Bangkok để đề nghị cơ quan này có các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ họ trước nguy cơ bị bắt cóc bởi an ninh Việt Nam, và nhanh chóng tiến hành thủ tục tái định cư cho những người có quy chế tị nạn.

Blogger Thái Văn Đường, sinh năm 1982, sống như một người tị nạn chính trị ở gần Bangkok từ đầu năm 2019 và đang chờ được định cư sang nước thứ ba, Ông làm ra hàng trăm video clip trên Youtube có nội dung về tham nhũng và đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 13/4, ông bị mất tích ở gần nhà trọ ở tỉnh Pathum Thani, truyền thông nhà nước Việt Nam ba ngày sau đó đưa tin ông bị bắt vào chiều 14/4 khi đang nhập cảnh bất hợp pháp từ Lào vào xã Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) nhưng không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.

Bài Liên Quan

Leave a Comment