Hai thượng đỉnh Hiroshima và Tây An: ‘‘Nam Bán Cầu’’ vào trung tâm bàn cờ quốc tế

Đăng ngày: 20/05/2023

\"\"
\"\"
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (P) bắt tay thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (T) tại thượng đỉnh G7 ở Hiroshima (Nhật Bản) ngày 20/05/2023. © via REUTERS – Ảnh do cơ quan báo chí của tổng thống Ukraina cung cấp.

Thời sự quốc tế tuần này nổi bật với hai thượng đỉnh, một do Trung Quốc chủ trì, một do Nhật Bản. Hai địa điểm được chọn nói lên nhiều điều.

Về khát vọng kinh tế tiếp tục thịnh vượng với cuộc thượng đỉnh Trung Á – Trung Quốc tổ chức tại cố đô Tây An (Xi’an), đầu mút Con đường Tơ lụa thời cổ đại nối liền châu Âu với vùng Viễn Đông. Về ám ảnh nguy cơ chiến tranh hủy diệt với thượng đỉnh G7 của 7 cường quốc công nghiệp, được tổ chức ở Hiroshima, nạn nhân đầu tiên của bom nguyên tử trong Thế chiến II….

Một sự kiện đáng chú ý khác là chuyến công du dài ngày tại châu Âu của đặc sứ Trung Quốc về Ukraina, khởi đầu với điểm đến Kiev. Chuyến đi được Bắc Kinh quảng bá như một nỗ lực thúc đẩy vì ‘‘hòa bình’’ cho Ukraina diễn ra trong bối cảnh Kiev vận động đồng minh tăng cường cung cấp phương tiện quân sự giúp Ukraina đánh bật quân Nga ra khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này

Thượng đỉnh với Trung Á: Trung Quốc đánh bật hay ‘‘giúp’’ Nga ?

Đối với nhiều nhà quan sát, cuộc thượng đỉnh đầu tiên với khối các quốc gia Trung Á không có sự tham dự của Nga, vốn được coi là quốc gia đàn anh, người bảo trợ, là một bước ngoặt lịch sử, một điều bất thường. Nhà nghiên cứu Thụy Điển Stefan Hedlund chuyên về các xã hội hậu Liên Xô (Viện Institute for Russian and Eurasian Studies) ghi nhận việc lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình mời dàn lãnh đạo Trung Á, ngay sau chuyến công du Nga trở về, là một hành động ‘‘sỉ nhục’’ đối với lãnh đạo Nga.

Nhiều người nói đến việc Trung Quốc tranh thủ thời cơ Matxcơva sa lầy tại Ukraina, để hất cẳng Nga ra khỏi khu vực. Trên Euronews, chuyên gia Thụy Điển Stefan Hedlund nhận định:

‘‘Đây là lần đầu tiên Nga bị loại, trong lúc Nga duy trì thế độc quyền tại khu vực Trung Á trong nhiều thập niên, thậm chí từ hai thế kỷ nay. Điều này diễn ra trong lúc tình hữu nghị với Nga trong khu vực bị mất. Trung Quốc lợi dụng cơ hội này để, đến lượt mình, trở thành thế lực độc quyền….(…) chính sách xoay trục sang châu Á của Nga đã chấm dứt. Chính sách vốn được Vladimir Putin đưa ra tại cuộc họp APEC ở Vladivostok năm 2012, khi ông ta nóirằng mục đích của việc này là để các cánh buồm của nền kinh tế Nga đón gió Trung Quốc. Bây giờ, tôi muốn nói rằng nền kinh tế Nga là một chiếc tàu bị mất buồm và đang trôi dạt trên biển. Còn người Trung Quốc thì không ban ơn’’.

Trung Quốc đẩy bật Nga ra khỏi khu vực ? Hay Bắc Kinh chỉ tranh thủ tình thế để lấp vào khoảng trống mà Nga để lại tại khu vực và hành động này về mặt nào đó cũng có lợi cho chính điện Kremlin, vốn đang phải dồn sức cho mặt trận quân sự, đối đầu với phương Tây tại Ukraina ?

Ít ngày trước thượng đỉnh Trung Quốc – Tây Á tại Tây An, chính quyền Nga cũng quyết định mở cửa cảng biển chiến lược Vladivostok, nhìn ra Thái Bình Dương, cho phép hàng hóa Trung Quốc từ các tỉnh đông bắc đi qua, 163 năm sau khi Nga nắm quyền kiểm soát cảng biển này (sau một thỏa ước với nhà Thanh). Phải chăng gió Trung Quốc đang thổi bạt gió Nga ngay chính trên đất Nga ?

\"\"
\"\"
Lãnh đạo Trung Quốc và 5 nước Trung Á xem biểu diễn chào mừng thượng đỉnh, ngày 18/05/2023, tại Tử Vân Lâu (Ziyun Tower), công trình kiến trúc tiêu biểu của Tây An. AFP – FLORENCE LO

Đối với nhà nghiên cứu Pháp Didier Chaudet (Institut français d’études sur l’Asie centrale – Ifeac), chuyên về Trung Á, thượng đỉnh đầu tiên với các nước trong vùng ảnh hưởng của Nga nên được nhìn nhận như sự tiếp nối của cả một tiến trình đầu tư bền bỉ liên tục của Trung Quốc, hơn là một bước ngoặt:

‘‘Trên thực tế, Trung Quốc tìm cách củng cố những gì đã được xây dựng trong suốt quá trình vừa qua. Chắc chắn là, về mặt lịch sử, các nước Trung Á có quan hệ mật thiết với Nga, các quan hệ vẫn còn đó, chưa phải đã hoàn toàn mất đi, nhưng giờ đây, tác nhân kinh tế chủ yếu tại Trung Á là Trung Quốc. Đối với các nước Trung Á, quốc gia đáng quan tâm nhất về mặt kinh tế, về địa chính trị, và kể cả an ninh, giờ đây có thể nói là Trung Quốc. Trung Quốc không có vấn đề biên giới đặc biệt với các nước Trung Á…. Về mặt này, đối với Trung Á, Trung Quốc mang lại sự bảo đảm hơn là Nga. Và Trung Quốc cũng mang lại nhiều hơn về mặt tài chính.

(….) Ta thấy là Trung Quốc đầu tư nhiều vào Trung Á, kể cả đầu tư về mặt biểu tượng. Lần đầu tiên ta thấy chủ tịch Trung Quốc ra nước ngoài sau giai đoạn Covid là đến Kazakhstan, sau đó là tới Uzebekistan, để tham dự thượng đỉnh các lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Thực sự có một chủ trương coi khu vực này như một khu vực đặc biệt quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Chúng ta đã hoàn toàn ra khỏi giai đoạn mà Trung Á được nhìn nhận chỉ như là một khu vực hậu Liên Xô’’.

‘‘Tây An’’ cạnh tranh với ‘‘Hiroshima’’: Thông điệp kép của Bắc Kinh

Thành phố lịch sử Tây An từng là một biểu tượng cho ước mơ về giao thương hòa bình trên lục địa Á – Âu. Khi chọn Tây An làm địa điểm tổ chức thượng đỉnh đầu tiên với 5 quốc gia Trung Á Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tadjikistan, Turkmenistan và Uzbekistan, chính quyền Bắc Kinh bắn đi tới khu vực, và thậm chí đến toàn thế giới, một thông điệp mang tính biểu tượng: Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một sự trỗi dậy hòa bình, vì thịnh vượng chung.

Thượng đỉnh với các nước Trung Á tại Tây An, diễn ra từ ngày 18 đến ngày 19/05, mang một thông điệp kép từ Bắc Kinh. Thông điệp quyến rũ hướng tới các nước đang trỗi dậy, các nước đang phát triển, thường được gọi chung là các nước ‘‘Nam Bán Cầu’’. Cùng lúc đó là thông điệp lên án, hướng đến khối các nước giàu, cũng đang nhóm họp trong gần như cùng thời gian (từ 19 đến 21/05), với thượng đỉnh G7 của bảy cường quốc công nghiệp.

Lướt qua một số tiêu đề trên Hoàn Cầu Thời Báo, một ấn bản chính của đảng Cộng Sản Trung Quốc, có thể thấy toát lên rõ ràng thông điệp kép nói trên: ‘‘Tây An bơm dòng nước sạch hợp tác đa phương trong lúc Hiroshima phun ra luồng nước thải chính trị” (bài xã luận ngày 18/05), ‘‘Khác với câu lạc bộ của giới thượng lưu G7, thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á đoàn kết, củng cố một thế giới đa dạng’’ (nhận định của một giáo sư người Nga tại Học viện quản trị kinh tế vùng Sibêri ở Novosibirsk) hay ‘‘Trung Quốc, Trung Á nắm tay như những đối tác thực sự cùng chí hướng’’ (bài xã luận ngày 20/05).

Rõ ràng, khi tổ chức thượng đỉnh lần đầu tiên với các nước Trung Á, cái đích trước hết của Trung Quốc không phải nhắm vào Nga, mà là phương Tây. Mục tiêu là để khẳng định một tầm nhìn toàn cầu đối nghịch với phương Tây. Trung – Nga siết chặt hợp tác, để đưa thế giới vào ‘‘một kỉ nguyên mới’’ hậu phương Tây, cũng chính là điều mà tổng thống Nga Putin chia sẻ với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong tuyên bố chung về ‘‘tình hữu nghị không giới hạn’’ Trung – Nga, được đưa ra ít tuần trước cuộc xâm lăng Ukraina của Nga (thông điệp khiến không ít người cho rằng chính Bắc Kinh đã để ngỏ khả năng ủng hộ Matxcơva, trước chiến dịch quân sự, đánh dấu chấm hết cho giai đoạn hơn 30 năm tương đổi ổn định thời hậu Chiến tranh Lạnh). Thông điệp kép, quyến rũ Nam Bán Cầu – đả kích phương Tây nói trên, của thượng đỉnh Tây An ắt hẳn không xa lạ gì với những gì mà điện Kremlin mong muốn.

\"\"

Đối phó với Trung – Nga, G7 tìm hậu thuẫn của ‘‘Nam Bán Cầu’’

Thượng đỉnh khối G7, do Nhật Bản nước chủ tịch luân phiên tổ chức, có mục tiêu trước hết là gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga và thống nhất về các đối phó với Trung Quốc. Một nội dung khác có tầm quan trọng không kém, đặc biệt về mặt dài hạn, nhưng ít được chú ý hơn. Đó là nỗ lực vận động các nước Nam Bán Cầu chung tay củng cố ‘‘trật tự thế giới, đang bị rung chuyển’’ bởi cuộc xâm lăng Ukraina của Nga.

Nhân loại đang đứng trước ‘‘một bước ngoặt lịch sử’’ là khẳng định thủ tướng Nhật Fumio Kishida trong một phát biểu trước báo giới hôm 15/05, ít ngày trước cuộc thượng đỉnh G7. ‘‘Bước ngoặt lịch sử’’ đòi hỏi các hành động có tầm vóc lịch sử. ‘‘Đoàn kết thống nhất’’ của cộng đồng quốc tế, với sự tham gia của ‘‘Nam Bán Cầu’’, là chìa khóa giúp cho việc chấm dứt cuộc xâm lăng của Nga sớm nhất có thể. Trên đây là phát biểu của thủ tướng Nhật trong chuyến công du New Delhi hồi tháng 3, cũng trong dịp này lãnh đạo Nhật Bản chuyển đến thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lời mời tham dự thượng đỉnh G7 ở Hiroshiam.

Ấn Độ không chỉ là quốc gia đông dân Nam Bán Cầu, và là nền kinh tế thứ 5 thế giới, mà cũng là chủ tịch luân phiên khối G20 năm nay. Cho đến nay, Ấn Độ bỏ phiếu trắng trong các nghị quyết lên án Nga xâm lược, và không tham gia vào các trừng phạt của phương Tây chống Nga. Tiếng nói của Ấn Độ có ý nghĩa lớn. Ngoài Ấn Độ, có 5 quốc gia đang phát triển khác, đại diện cho các tiếng nói của Nam Bán Cầu tham dự thượng đỉnh G7 mở rộng. Đó là Indonesia – chủ tịch khối Đông Nam Á, quần đảo Comoros – chủ tịch Liên Hiệp Châu Phi, quần đảo Cook Islands – chủ tịch Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương, Brazil – nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ, thành viên khối 5 cường quốc trỗi dậy BRICS, và Việt Nam – quốc gia có quan hệ thương mại mật thiết với Trung Quốc, nhưng cũng là nước có nhiều tranh chấp trên biển với Bắc Kinh.

Trả lời RFI, nhà nghiên cứu Pháp Didier Chaudet tóm lược tầm quan trọng của các nước Nam Bán Cầu trong thượng đỉnh G7 lần này tại Hiroshima:

‘‘Hội nghị G7 cho thấy rõ là Trung Quốc được nhìn nhận như một đối thủ cạnh tranh, mà phương Tây cần phải tìm được cách đối phó. Nếu chúng ta nhìn sâu đằng sau những chuyện này, có thể thấy những cạnh tranh rất mạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và mỗi quốc gia được kêu gọi chọn phe. Phe phương Tây thì đã được xây dựng một cách rõ ràng. Tuy nhiên, một số quốc gia tầm trung – có ảnh hưởng lớn tại khu vực, cho dù không có ảnh hưởng đến mức như vậy ở tầm quốc tế –  đang được kêu gọi tham gia. Thượng đỉnh của G7 có mục tiêu đưa ra một loạt các đề xuất với nhóm các quốc gia này’’.

Thủ tướng Ấn Độ và đồng nhiệm Nhật Bản có cuộc hội kiến bên lề thượng đỉnh G7 hôm nay, ngày thứ hai của thượng đỉnh, theo báo chí Ấn Độ. Lãnh đạo hai bên thảo luận về việc phối hợp các hoạt động của G20 và G7 mà Ấn Độ và Nhật Bản là chủ tịch luân phiên. Lãnh đạo Ấn Độ nhấn mạnh đến các ưu tiên của Nam Bán Cầu: ‘‘biến đổi khí hậu, gián đoạn chuỗi cung ứng, phục hồi kinh tế, bất ổn về năng lượng, y tế, an ninh lương thực, hòa bình và an ninh’’.

Liệu G7 có đáp ứng được đòi hỏi và trông đợi của Nam Bán Cầu trong tình hình khẩn cấp hiện nay, từ môi trường khí hậu, cho đến kinh tế, lương thực… ? Các đáp ứng của G7, nếu dưới tầm mức, sẽ ảnh hưởng ra sao đến tiếng nói của các nước phía Nam đối với cuộc chiến tranh tại Ukraina ?

Đặc sứ Trung Quốc ‘‘vì hòa bình’’: Món quà tẩm độc với phương Tây ?

Sự kiện thời sự không thể không nói đến là vòng công du châu Âu của đặc sứ Trung Quốc Lý Huy (Li Hui), khởi đầu từ ngày 16/05, có thể khép lại vào cuối tháng này. Đây là lần đầu tiên, kể từ khi Matxcơva mở màn cuộc xâm lăng, Trung Quốc chính thức nhập cuộc trong nỗ lực tìm hòa bình cho Ukraina.

Nếu như vòng công du châu Âu của đặc sứ Trung Quốc có thể gây một số kỳ vọng, thì đối với nhiều chuyên gia, chuyến đi này không thể mang lại gì cho hòa bình với Ukraina. Trả lời báo Pháp L’Express, nhà chính trị học chuyên về Trung Quốc Antoine Bondaz, Fondation pour la recherche stratégique (FRS) khẳng định: ‘‘Bắc Kinh không hề có ý định trở thành bên trung gian’’, Trung Quốc ‘‘đã không có dấu hiệu nào cho thấy họ đã thay đổi lập trường, và xem xét lại sự ủng hộ đối với Nga’’.

Trả lời RFI, nhà địa chính trị học Emmanuel Véron, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông – INALCO lưu ý thêm đến dụng ý của Bắc Kinh dùng chuyến công du này để gây phân hóa sâu sắc nội bộ các nước phương Tây, làm sói mòn mặt trận chung hậu thuẫn Ukraina:

‘‘Chúng ta biết là Trung Quốc tìm cách đóng một vai trò quan trọng trong hồ sơ xung đột Ukraina từ vài tuần, vài tháng nay. Chủ đề thứ hai là Bắc Kinh tìm cách trở thành một tác nhân trong việc tái thiết Ukraina, và thông qua việc này, đóng một vai trò lớn về mặt an ninh và ngoại giao, cụ thể là tại lục địa châu Âu, và dĩ nhiên là thúc đẩy các quan hệ thương mại song phương với Ukraina. Chúng ta có một cuộc chơi đa chiều như vậy. Trung Quốc trên thực tế cạnh tranh với châu Âu, với Hoa Kỳ về hồ sơ Ukraina, về vấn đề lãnh thổ Ukraina. Nhìn chung, Trung Quốc tránh đối thoại với Anh, tránh đối thoại với Mỹ. Chúng ta thấy rõ ràng là, chuyến công du tới nhiều quốc gia châu Âu này, khởi đầu là Ukraina, là một đòn bẩy ngoại giao thực sự chống lại Mỹ, cố gắng chia rẽ phương Tây một cách triệt để về hồ sơ Ukraina, và về cuộc chiến tranh tại Ukraina’’.

Vận động vũ khí, vận động hòa bình

Chính quyền Ukraina phản ứng ra sao trước hành xử nói trên của Trung Quốc ? Kiev khẳng định không đánh đổi lãnh thổ lấy hòa bình. Ngay trước khi đoàn của đặc sứ Trung Quốc đến Kiev, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã có vòng công du 4 nước châu Âu, Ý, Đức, Pháp và Anh, để thúc đẩy việc cung cấp vũ khí. Theo giới quan sát, một số ‘‘húy kỵ’’ về vũ khí liên quan đến Ukraina cũng đã được phá bỏ trong dịp này. Đã bắt đầu hình thành một liên minh các quốc gia đồng minh hỗ trợ phi cơ chiến đấu cho Ukraina.

Ukraina sẵn sàng tiếp tục cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga, đồng thời tiếp tục cùng các đồng minh tìm kiếm các hậu thuẫn lớn hơn về ngoại giao, nhằm gây áp lực nhiều hơn với Matxcơva. Sự ủng hộ của các quốc gia Nam Bán Cầu là không thể thiếu. Tổng thống Zelensky đến thượng đỉnh G7 tại Hiroshima hôm nay. Lãnh đạo Ukraina có kế hoạch gặp thủ tướng Ấn Độ và tổng thống Brazil, hai quốc gia vẫn giữ thái độ ‘‘trung lập’’ về cuộc chiến Nga đánh Ukraina. Tại thượng đỉnh G7 lần này, với các nỗ lực của G7 đặc biệt từ phía Nhật Bản, liệu quan hệ giữa khối phương Tây với ‘‘Nam Bán Cầu’’ có đủ cải thiện, để cơ hội hòa bình mở rộng với Ukraina ?

Bài Liên Quan

Leave a Comment