May 20, 2023
Việc hủy chuyến thăm Papua New Guinea và hội nghị Diễn Đàn Quần Đảo Thái Bình Dương gửi đi một tín hiệu rằng sự rối loạn của guồng máy chính quyền Mỹ ở trong nước đang tiếp tục phá vỡ chương trình nghị sự ở nước ngoài.
Hủy chuyến thăm Papua New Guinea là một sai lầm ngoại giao mà Hoa Kỳ sẽ phải hối tiếc, vì ông Biden bỏ lỡ một cơ hội quý để mở rộng ảnh hưởng của Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực này.
Chuyến đi không chỉ nhằm thắt chặt quan hệ với Papua New Guinea mà với cả khu vực Nam Thái Bình Dương rộng lớn. Ông Biden không chỉ hội đàm với Thủ Tướng James Marape chủ nhà, mà còn chủ trì hội nghị thượng đỉnh Diễn Đàn Quần Đảo Thái Bình Dương, với 18 nhà lãnh đạo các đảo quốc. Tại đây, ông sẽ có cơ hội trực tiếp khẳng định cam kết vững chắc của Washington với khu vực.
Phấn khởi với vận hội mới, chính quyền Papua New Guinea đã cho dân chúng nghỉ lễ trọn ngày Thứ Hai và trang hoàng thủ đô để tiếp đón lãnh đạo Mỹ – một sự kiện mà họ đã chuẩn bị suốt sáu tháng. Nhưng rồi họ thất vọng và cảm thấy bị coi thường khi ông Biden đột ngột hủy chuyến thăm mà không thông báo trực tiếp với Thủ Tướng Marape trước khi công bố thông tin trên báo chí.
“Thật là thất vọng. Thủ Tướng James Marape đã đầu tư rất nhiều thời gian và năng lượng vào sự kiện quan trọng này. Ông kỳ vọng nó sẽ nâng cao vị thế của ông trong khu vực và tái khẳng định sự tham gia của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương nói chung và Papua New Guinea nói riêng,” ông Patrick Kaiku, giáo sư khoa chính trị đại học University of Papua New Guinea, nhận xét.
Là một trong những nước kém phát triển nhất thế giới nhưng Papua New Guinea có giá trị địa chiến lược lớn trong cuộc tranh chấp Mỹ-Trung Quốc. Gần đây Papua New Guinea – cùng với các đảo quốc nhỏ trong vùng – được Trung Quốc ve vãn, một phần vì thương mại, nhưng quan trọng hơn là an ninh và quân sự.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Papua New Guinea, mua rất nhiều nguyên liệu thô và khoáng sản của đảo quốc này. Papua New Guinea tham gia đại dự án Nhất Lộ Nhất Đới của Trung Quốc, vay tiền để phát triển cơ sở hạ tầng.
Nhưng mục tiêu của Bắc Kinh là muốn có chỗ đứng trên các quần đảo, phòng khi xảy ra xung đột với Hải Quân Hoa Kỳ hoặc với nước Úc cạnh đó. Năm 2021, một công ty Trung Quốc đã được cho phép xây dựng một khu công nghiệp thủy sản đa chức năng trị giá $147 triệu ở Papua New Guinea, chỉ cách bờ biển nước Úc khoảng 200 cây số. Các chuyên gia quân sự lo ngại khu công nghiệp thủy sản có thể chỉ là vỏ bọc che giấu hoạt động của các đơn vị hải quân và dân quân biển Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất quan tâm tới khu vực này. Năm 2018, Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài ba ngày ở Papua New Guinea, dự hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương. Tháng Tư năm ngoái, ông Vương Nghị, khi ấy là bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc, có chuyến công du nửa tá đảo quốc Nam Thái Bình Dương để thúc đẩy ký kết với Trung Quốc một thỏa thuận sâu rộng về an ninh, nghề cá, chia sẻ dữ liệu và thiết lập khu vực thương mại tự do. Trong hoàn cảnh đó, các nhà phân tích chính trị cảnh báo vị thế của Washington trong vùng có thể lao dốc nếu Mỹ không đẩy mạnh nỗ lực kết nối với khu vực.
Hoa Kỳ – và cả Úc lẫn New Zealand – chỉ bắt đầu giật mình vào đầu năm ngoái khi Trung Quốc bí mật ký kết với quần đảo Solomon, ngay phía Đông Papua New Guinea, một hiệp định an ninh cho phép Bắc Kinh bố trí cảnh sát và quân đội của họ tại đảo quốc này và dự tính thiết lập một căn cứ hải quân trước ngưỡng cửa Úc, đe dọa an ninh các đồng minh của Mỹ.
Việc hủy chuyến thăm Papua New Guinea và hội nghị Diễn Đàn Quần Đảo Thái Bình Dương gửi đi một tín hiệu rằng sự rối loạn của guồng máy chính quyền Mỹ ở trong nước đang tiếp tục phá vỡ chương trình nghị sự ở nước ngoài. Nói cách khác chính sách ngoại giao của Mỹ là “con tin” của tình trạng phân cực ở trong nước, không dự đoán được và do đó không tin cậy được.
(Theo Người Việt)