TikTok – Ngày tàn đã điểm

Thứ Bảy, 20 Tháng Năm 2023

\"image_2023-03-25_085147876-696x468\"

Vụ TikTok đánh dấu sự chấm dứt của một thời kỳ. Từ nay, các công ty Trung Quốc và Hoa Kỳ làm ăn trên đất của nhau không thể chỉ tập trung tìm kiếm lợi nhuận mà phải quan tâm tới cạnh tranh địa chính trị giữa hai nước.

Tổng giám đốc điều hành của mạng xã hội TikTok hôm 23 Tháng Ba, bị các nhà lập pháp của Mỹ “truy” suốt năm tiếng đồng hồ trong một vụ điều trần sẽ quyết định số phận của mạng xã hội này tại Mỹ.

Hiện tại, bên cạnh vụ công an Trung Quốc bố ráp trụ sở một công ty Mỹ tại Bắc Kinh, bắt đi nhiều nhân viên và vụ đấu khẩu kịch liệt giữa Bắc Kinh và Washington chung quanh cuộc hành quân bảo vệ tự do hải hành của một khu trục hạm của Hạm Đội 7 gần quần đảo Hoàng Sa mấy ngày qua, vụ TikTok đang trở thành điểm nóng trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung Quốc.

TikTok – do công ty ByteDance Ltd. của Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh tạo ra năm 2012 – chuyên đăng những đoạn video ngắn do người dùng đưa lên và chia sẻ với bạn bè. Không đề cập tới những đề tài nóng, những nội dung sâu sắc xem nhức đầu, TikTok tập trung vào sinh hoạt đời thường của giới trẻ và được thanh niên nam nữ khắp thế giới rất thích.

Chỉ trong vài năm, TikTok thu hút được hơn 1.5 tỷ người ghi danh, trong đó riêng tại Mỹ là 150 triệu người. Khoảng 67% thanh niên Mỹ dưới 18 tuổi có danh khoản trên mạng TikTok, theo số liệu mà ông Shou Zi Chew, tổng giám đốc TikTok, trình bày với các nhà lập pháp.

\"tiktok-ngay-tan-da-diem\"
Shou Zi Chew, tổng giám đốc TikTok

Cũng như nhiều dịch vụ mạng khác, TikTok thu thập rất nhiều thông tin cá nhân của người sử dụng, từ họ tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc cho đến lộ trình đi lại hàng ngày, thói quen mua sắm, giải trí, ăn uống, danh sách bạn bè và người thân. Trong thời đại thông tin là vàng bạc, những dữ liệu cá nhân này được cho là quý giá và nhiều nước có các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân rất nghiêm ngặt.

Như vừa nêu, TikTok là sản phẩm của Trung Quốc, mà Bắc Kinh có luật an ninh quốc gia rất khắc nghiệt, quy định tất cả mọi doanh nghiệp công tư đều phải cung cấp dữ liệu cho chính phủ khi có yêu cầu. Vì thế, chính phủ Mỹ lo ngại qua TikTok, chính quyền Trung Quốc có thể tiếp cận, thu thập và phân tích dữ liệu của hàng trăm triệu công dân Mỹ phục vụ cho các mục tiêu chính trị của họ.

Thêm nữa, là một mạng truyền thông, TikTok có thể được sử dụng để phát tán tin giả, xuyên tạc, ảnh hưởng xấu đến dư luận công chúng Hoa Kỳ hoặc ít nhất là để tuyên truyền cho đường lối chính sách của Trung Quốc.

Từ hai mối lo đó, chính phủ Mỹ từ thời Tổng Thống Donald Trump đến Tổng Thống Joe Biden hiện nay đã tìm nhiều cách để hạn chế ảnh hưởng, thậm chí cấm hẳn hoạt động của TikTok. Phiên điều trần của tổng giám đốc TikTok tại Quốc Hội hôm Thứ Năm là nhằm chuẩn bị các đạo luật, mở hành lang pháp lý cho các chính sách của chính phủ.

\"tiktok-ngay-tan-da-diem\"

Trong hai năm qua, Ủy Ban Đầu Tư Nước Ngoài của Mỹ (Committee on Foreign Investment in the United States – CFIUS) đã nỗ lực vận động cho lựa chọn số một với niềm tin rằng, nếu các nhà đầu tư Mỹ nắm quyền sở hữu TikTok thay cho công ty ByteDance của Trung Quốc thì có thể ngăn được việc chuyển giao dữ liệu người dùng Mỹ cho Bắc Kinh và hạn chế được việc Trung Quốc sử dụng mạng xã hội này để tuyên truyền cho đảng Cộng sản.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo TikTok cho rằng việc thay đổi sở hữu không làm giảm mối lo về bảo mật dữ liệu. Thay vì bán cổ phần, công ty sẽ đầu tư $1.5 tỷ để bảo vệ dữ liệu và nội dung của người dùng ở Mỹ khỏi sự tiếp cận của chính phủ Trung Quốc. Công ty đặt máy chủ (server) chứa dữ liệu ngay tại Mỹ dưới sự giám sát của một tập đoàn Mỹ, Oracle Corp. Lập luận đó không thuyết phục được các nhà lập pháp. Tại phiên điều trần, hơn 50 nhà lập pháp Mỹ bày tỏ hoài nghi sâu sắc đối với lập luận của ông Chew. Họ miêu tả TikTok là mối nguy hiểm đối với an ninh quốc gia, xâm phạm quyền riêng tư của mọi người, gây hại cho sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên và dẫn đến cái chết của một số thanh niên.

Chính phủ Trung Quốc cũng vào cuộc. Vài giờ trước khi ông Shou Zi Chew ra điều trần, Bộ Thương Mại Trung Quốc ra tuyên bố nói việc bán TikTok tại Mỹ là hoạt động xuất cảng công nghệ phải được Bắc Kinh phê chuẩn. Bà Mao Ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, cực lực phản đối việc TikTok bán quyền sở hữu cho người Mỹ. Bà Mao nói, Bắc Kinh không bao giờ yêu cầu các công ty của họ thu thập dữ liệu và thông tin tình báo ở nước ngoài một cách bất hợp pháp. Nhưng sự can thiệp vội vàng và mạnh mẽ của Trung Quốc vào sự việc càng khiến người ta nghi ngờ khả năng TikTok – và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc – bị dùng làm công cụ thực hiện các mục tiêu chính trị của Bắc Kinh.

Với phản ứng của chính phủ Trung Quốc, TikTok chỉ còn một lựa chọn duy nhất là chấm dứt hoạt động tại Mỹ.

Bây giờ những biện pháp cứng rắn của chính quyền Biden chắc chắn cũng gặp phải những thách thức pháp lý tương tự. Các nhà luật học dựa vào Tu Chính Án Thứ Nhất để phản đối việc cấm TikTok và các mạng truyền thông khác. Trong bình luận đăng trên nhật báo The New York Times ngày 24 Tháng Ba, Luật Sư Jameel Jaffer, giám đốc điều hành Viện Knight First Amendment của đại học Columbia University, cho rằng, người dùng TikTok tại Mỹ “có quyền không thể tranh cãi theo Tu Chính Án Thứ Nhất khi họ đăng và tiếp nhận thông tin trên nền tảng này.” “Tính chính danh của chế độ dân chủ tùy thuộc vào sự trao đổi tự do thông tin và ý tưởng, kể cả xuyên biên giới quốc gia. Trừ những trường hợp cực đoan nhất, công dân phải có quyền tham gia tự do vào các nền tảng truyền thông mà họ lựa chọn,” ông Jaffer viết.

Dù vậy, ngày tàn của TikTok cũng đã điểm. Trung Quốc từ lâu đã cấm cửa các mạng truyền thông Mỹ như YouTube, Google, Facebook, và Twitter nên việc Hoa Kỳ cấm các mạng của họ như TikTok, WeChat không phải là phi lý hay quá đáng. Có điều, Hoa Kỳ không phải là nước độc tài toàn trị như Trung Quốc nên các quyết định của chính phủ phải được thực hiện sao cho thỏa mãn được các điều kiện pháp lý của một nền dân chủ, trong đó quyền tự do của công dân có vị trí tối thượng.

Vụ TikTok còn đánh dấu sự chấm dứt của một thời kỳ. Từ nay, các công ty Trung Quốc và Hoa Kỳ làm ăn trên đất của nhau không thể chỉ tập trung tìm kiếm lợi nhuận mà phải quan tâm tới cạnh tranh địa chính trị giữa hai nước.

(Theo Người Việt)

Bài Liên Quan

Leave a Comment