Đăng ngày: 22/05/2023
Ăn miếng trả miếng. Tập đoàn Mỹ Micron Technology là nạn nhân đầu tiên trong hồi mới của cuộc chiến công nghệ bán dẫn giữa Washington và Bắc Kinh. Viện lý do « an ninh quốc gia », trong thông cáo chiều Chủ Nhật 21/05/2023, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc CAC cấm các tập đoàn Trung Quốc khai thác cơ sở hạ tầng « thiết yếu » sử dụng chip của hãng Micron.
Quyết định này báo trước chiến tranh công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn có thể sẽ « khốc liệt hơn » và Bắc Kinh không còn trong thế thủ mà nay đã chuyển sang thế tấn công.
Vào lúc tại Hiroshima lãnh đạo 7 nước công nghiệp phát triển nhất lên án Trung Quốc dùng đòn kinh tế bắt chẹt thế giới, thì tại Bắc Kinh, Cơ quan Quản lý Không gian mạng cấm cửa chip do tập đoàn Micron Technology của Mỹ sản xuất. CAC giải thích những sản phẩm này « không đáp ứng các chuẩn mực an ninh » của Trung Quốc.
Cho đến nay, mới chỉ có chính quyền Washington cấm các tập đoàn Mỹ dùng, hoặc cung cấp linh kiện bán dẫn cho một số các tập đoàn Trung Quốc trong lĩnh vực « công nghệ cao », hãng Mỹ cũng bị cấm sử dụng trang thiết bị của Trung Quốc trong các lĩnh vực « nhạy cảm ». Thông cáo của CAC liên quan đến hãng Micron như thể « lập lại » các quyết định của Hoa Kỳ, nhưng là để phạt hàng của Mỹ.
Tính đến tháng 11/2022, gần một chục công ty Trung Quốc, trong đó có cả Hoa Vi, ZTE trong ngành viễn thông, hay những tên tuổi như Dahua, Hikvision cung cấp trang thiết bị camera an ninh, bị đưa vào « danh sách đen ». Mỗi lần Hoa Kỳ mở rộng danh sách trừng phạt, phía Trung Quốc đều mạnh mẽ phản đối, coi đó là một quyết định « không có chứng cớ, không có cơ sở ». Lần này bộ Thượng Mại Mỹ trong thông cáo hôm 21/5 cũng đã sử dụng những từ ngữ tương tự, khi cho rằng quyết định của CAC « không dựa trên bất kỳ một cơ sở cụ thể nào (…) và hành động nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ trái ngược với những tuyên bố Trung Quốc là một thị trường rộng mở hay những cam kết của Bắc Kinh tạo sân chơi bình đẳng, tạo môi trường minh bạch » cho các công ty nước ngoài.
Ngoài những thông cáo chính thức, giới quan sát nghi nhận trước hết đây là một đòn chính trị của Bắc Kinh trong bối cảnh « căng thẳng vì chip điện tử dâng cao » giữa Mỹ và Trung Quốc. Hoa Kỳ càng lúc càng lôi kéo thêm đồng minh, như Nhật Bản và Hà Lan siết chặt giao dịch với các đối tác Trung Quốc. Hàn Quốc, Đài Loan, hai nguồn cung cấp linh kiện bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, đua nhau đầu tư, mở nhà máy trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Cùng lúc, chính quyền Biden liên tục đưa ra những biện pháp ngăn chận các tập đoàn Trung Quốc mở rộng hoạt động. Các quy định của Mỹ càng lúc càng « chặt chẽ » và Washington không che giấu mục tiêu « phong tỏa » Trung Quốc bằng công nghệ cao.
Yếu tố thứ nhì cho thấy việc CAC cấm cửa hãng Mỹ Micron Technology hoàn toàn mang tính « chính trị », đó là Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc « không đưa ra bất kỳ một bằng chứng nào để giải thích sản phẩm của tập đoàn Micron nguy hiểm đối với an ninh của Trung Quốc ở chỗ nào, và liên quan trực tiếp đến những lĩnh vực nào ». Một số chuyên gia trong ngành được Reuters trích dẫn mấy làm tiếc là CAC đã rất mơ hồ về khái niệm « nguy hiểm đối với an ninh quốc gia », về danh sách các nhà khai thác « hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trong lĩnh vực thông tin ».
Cũng hãng tin Anh Reuters lưu ý, tại Hoa Lục, các khách hàng chính của Micron Technology là các nhà sản xuất điện thoại thông minh và máy vi tính. Đấy không là những « nhà cung cấp hay khai thác cơ sở hạ tầng thiết yếu trong lĩnh vực thông tin » như thông cáo của cơ quan Trung Quốc CAC ghi nhận. Do vậy về thực chất, tác động từ lệnh trừng phạt Bắc Kinh vừa ban hành nhắm vào tập đoàn Mỹ này chỉ mang tính « tượng trưng »
Lý do thứ ba khiến Micron Technology bị Trung Quốc phạt là vào tháng 12/2022 chính quyền Mỹ đã giám sát và hạn chế hoạt động của hãng Yangtze Memory Technology. Đây là một công ty chuyên sản xuất « bộ nhớ » của Trung Quốc và cũng là một đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Micron.
Cuối cùng, một điểm khác nữa có thể giải thích vì sao Micron Technology lãnh búa rìu của Bắc Kinh, đó là Micron Technology vừa thông báo một dự án đầu tư rất lớn vào Nhật Bản.
Dù vậy, thực tế không thể chối cãi là quyết định của cơ quan CAC trừng phạt Micron đang khiến cả các hãng nước ngoài lẫn các công ty Trung Quốc đều hoang mang, bởi « hoạt động tại Hoa Lục càng lúc càng trở nên nguy hiểm ». Một người trong cuộc, làm việc cho một công ty tư vấn tại Thượng Hải, được AFP trích dẫn, giải thích : chính quyền sở tại luôn đòi các đối tác nước ngoài « tuân thủ quy định » của Trung Quốc, nhưng đấy là những luật lệ mơ hồ. Từ luật chống do thám, có hiệu lực từ tháng 7/2022, đến những quy định « cấm chuyển giao công nghệ » của Trung Quốc : Làm thế nào để biết được đâu là những lằn ranh đỏ mà các doanh nghiệp nước ngoài không được vượt qua ?
Tháng 3/2023 công ty kiểm toán của Mỹ Mintz Groupe đã phải đóng cửa chi nhánh tại Bắc Kinh sau khi bị công an khám xét, 5 nhân viên bị bắt giữ. Tháng trước, đến lượt công ty tư vấn Bain &Cie tại Thượng Hải bị sách nhiễu. Jeremy Daum, trường Luật Đại học Yale, Hoa Kỳ, chờ đợi « căng thẳng Mỹ- Trung mà còn leo thang, môi trường kinh doanh không hy vọng được cải thiện ». Làm ăn tại Hoa Lục càng lúc « càng khó khăn » và tựa như Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ thường xuyên sử dụng lá bài « an ninh quốc gia » để trừng phạt các doanh nghiệp của đối phương, cho đến khi nào quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh hạ nhiệt.