Armenia dọa rút khỏi một liên minh quân sự do Nga bảo trợ

Đăng ngày: 23/05/2023

\"\"
\"\"
Thủ tướng Aemenia Nikol Pachinian tại thủ đô Erevan, Armenia, ngày 17/07/2021. AFP – KAREN MINASYAN

Anh Vũ

Theo hãng tin AFP, ngày 22/05/2023, thủ tướng Armenia đã nêu khả năng rút khỏi một liên minh quân sự do Nga dẫn đầu nếu không được Matxcơva ủng hộ đầy đủ trong cuộc xung đột với Azerbaijan.

Tại thủ đô Erevan, trong một cuộc họp báo, thủ tướng Nikol Pachinian khẳng định ông « không loại trừ khả năng Armenia quyết định rút khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (OTSC) » nếu như liên minh này không hoàn thành các nghĩa vụ của mình. OTSC là một liên minh quân sự quy tụ 5 nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và Nga, nước đóng vai trò chủ chốt.

Ông Pachinian cho biết thêm: « Chúng tôi đã bắt đầu thảo luận các vấn đề an ninh với những đối tác phương Tây của chúng tôi, bởi vì chúng tôi thấy hệ thống an ninh trong khu vực không vận hành ».

Về phần Matxcơva, hôm qua, phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitri Peskov đã cho biết là Nga sẽ « tiếp tục đối thoại với các bạn Armenia », trong đó có cả «việc tham gia của Armenia vào các hoạt động của OTSC».

Những tuyên bố nói trên được đưa ra ít ngày trước các cuộc thương lượng giữa ông Pachinian và tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev. Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiếp lãnh đạo hai quốc gia kình địch này tại Matxcơva vào ngày 25/05 tới.

Armenia và Azerbaijan, hai nước Cộng hòa trong Liên Xô cũ, đã hai lần có xung đột lớn vào năm 1990 và 2020 để giành kiểm soát vùng Nagorny Karabakh.

Năm 2020, Nga đã đứng ra dàn xếp thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt các hoạt động quân sự thù địch giữa hai nước, đồng thời triển khai một lực lượng giữ gìn hòa bình tại khu vực có tranh chấp. Gần đây, Erevan chỉ trích lực lượng này của Nga không hành động gì trong khi phía Azerbaijan từ nhiều tháng qua đã phong tỏa tuyến đường bộ trọng yếu nối Armenia với vùng Nagorny Karabakh.

Bakou xác nhân đã phong tỏa tuyến đương này vì lý do an ninh, trong khi Erevan tố cáo Bakou gây ra khủng hoảng nhân đạo.

Nhiều tháng qua, Nga, Liên Hiệp Châu Âu và cả Hoa Kỳ đã lần lượt cố gắng khởi động lại tiến trình hòa bình ở khu vực này, nhưng không có được kết quả nào đáng kể.

Các cuộc giao tranh chết người vẫn thường xuyên xảy ra trong vùng Nagorny Karabakh và cả ở biên giới giữa Armenia và Azerbaijan.

Bài Liên Quan

Leave a Comment