Trung Quốc gây hoang mang, sợ hãi cho giới doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài khi liên tục khám xét trụ sở của nhiều công ty, bắt giam, thậm chí kết án tù chung thân với cáo buộc “làm gián điệp” trong những tháng gần đây. Luật chống gián điệp sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 01/07/2023, càng gây thêm lo ngại vì phạm vi áp dụng quá lớn, không thể biết điều gì được phép hay bị cấm.
Đăng ngày: 24/05/2023
Luật chống gián điệp giúp chính quyền toàn quyền hành động
Luật chống gián điệp được Bắc Kinh ban hành từ tháng 11/2014 và kể từ đó, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc… đều có công dân bị bắt giam ở Trung Quốc với cáo buộc “làm gián điệp”. Từ năm 2014, Nhật Bản có 17 công dân bị Trung Quốc bắt giữ vì tội này, trong đó 5 người vẫn chưa được trả tự do. Trường hợp mới nhất là một nhân viên người Nhật của chi nhánh Astellas Pharma bị bắt tháng 04/2023. Trước đó vào tháng 2, một công dân Nhật Bản bị cáo buộc làm gián điệp và lĩnh án 12 năm tù.
John Shing-wan, một công dân Mỹ 75 tuổi thường trú ở Hồng Kông, đã lĩnh án chung thân trong phiên xử kín hôm 15/05, nhưng thông cáo của Tòa án ở Tô Châu không nêu rõ tình tiết của vụ án, cũng như hoạt động hoặc nghề nghiệp của người này ở Trung Quốc. Nhà báo người Úc Cheng Lei, từng làm việc cho đài CGTN tiếng Anh, bị Bắc Kinh cáo buộc “phát tán bí mật Nhà nước ra nước ngoài” và bị giam từ hơn 1.000 ngày qua. Không chỉ người nước ngoài, cuối tháng 4, một nhà báo Trung Quốc, nổi tiếng phát ngôn tự do, cũng đã bị kết tội gián điệp.
Các doanh nghiệp nước ngoài cũng không tránh được lưới pháp luật. Gần đây, một số công ty tư vấn bị cảnh sát Trung Quốc điều tra, khám xét. Việc này được chính quyền giải thích là nằm trong khuôn khổ một chiến dịch lớn hơn nhằm cải tổ lĩnh vực tư vấn. Công ty tư vấn quản lý Bain & Co nổi tiếng của Mỹ cho biết nhiều nhân viên ở Thượng Hải đã bị chính quyền thẩm vấn vào tháng 4.
Vào tháng 3, văn phòng tại Bắc Kinh của công ty tư vấn Mỹ Mintz Group bị cảnh sát bắt đóng cửa, 5 nhân viên bị bắt, trong đó có trưởng văn phòng ở Bắc Kinh. Nhiều nhân viên của Mintz đã phải rời trụ sở ở Hồng Kông sang Singapore. Reuters chưa thể xác minh liệu cảnh sát Trung Quốc mở điều tra do Mintz tiến hành nhiều hoạt động liên quan đến Tân Cương hay không. Tuy nhiên, ít nhất hai cán bộ cấp cao của công ty cho hãng tin Anh biết là những tháng gần đây, chính quyền đã cảnh cáo về cách làm này.
Rầm rộ nhất là vụ khám xét Công ty tư vấn quốc tế Capvision của Trung Quốc vào đầu tháng 5. Cảnh sát thẩm vấn và điều tra tại các chi nhánh của Capvision Partners ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Tô Châu và Thâm Quyến. Theo trang mạng của báo South China Morning Post, truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc công ty có trụ sở ở New York và Thượng Hải phụ trách nhiều dự án “cho một số lượng lớn doanh nghiệp liên quan đến các ngành công nghiệp nhạy cảm của Trung Quốc”.
Kênh truyền hình CCTV đã dành một phóng sự dài 15 phút để nói về sự kiện. Dường như một trong những nguồn tin của Capvision đã tiết lộ cho công ty này những thông tin nhạy cảm, kể cả thông tin về “những nhà sản xuất và khối lượng của nhiều trang thiết bị quân sự quan trọng”. Trang People’s Daily (phiên bản tiếng Anh của Nhân Dân Nhật báo) đăng một bài xã luận cảnh cáo “có đến 300.000 chuyên gia trong dữ liệu của Capvision. Nếu họ không ý thức được về lằn ranh đỏ, thì bao nhiêu rủi ro sẽ còn lượn lờ ở đó?”
Luật chống gián điệp sửa đổi càng thêm mơ hồ
Ba cuộc điều tra, khám xét nhắm vào các công ty Mintz, Bain & Co và Capvision Partners đã khiến các công ty giao dịch với Trung Quốc cảm thấy \”ớn lạnh\”, với nhiều điểm không rõ ràng về \”lằn ranh đỏ\”, trong khi luật chống gián điệp sửa đổi, được cho là mơ hồ hơn, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2023. Các điểm sửa đổi đã được đăng trên trang web của Quốc Hội Trung Quốc ngày 26/04. Đây là lần sửa đổi đầu tiên kể từ khi luật chống gián điệp được ban hành năm 2014.
Theo trang Nikkei Asia, luật hiện hành chỉ liên quan đến những vụ vi phạm bí mật Nhà nước, trong khi luật sửa đổi sẽ mở rộng đến cả “mọi loại tài liệu khác có liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia”. Tuy nhiên, luật sửa đổi lại “không xác định cụ thể những gì thuộc về an ninh quốc gia hoặc lợi ích quốc gia”. Tấn công mạng nhắm vào các cơ quan Nhà nước hoặc cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng do “các tổ chức gián điệp và nhân viên của họ” tiến hành cũng bị xếp vào “hành vi gián điệp”.
Như vậy, các lực lượng an ninh có thêm nhiều quyền hơn. Họ được phép lục soát tài sản cá nhân và thiết bị điện tử của những người bị tình nghi làm gián điệp. Chính quyền có thể cấm xuất cảnh đối với công dân Trung Quốc có nguy cơ gây hại cho an ninh quốc gia hoặc cấm công dân nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc.
Theo AFP, việc tiếp cận dữ liệu tại Trung Quốc, ví dụ như thông qua công ty Wind Information ở Thượng Hải, hay trang thông tin hàn lâm CNKI, đã trở nên khó khăn hơn đối với các nhà nghiên cứu nước ngoài. Trang Bloomberg cho biết Bắc Kinh cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước từng bước chấm dứt các hợp đồng của họ với bốn văn phòng kế toán lớn (Deloitte, KPMG, EY và PwC).
Nghịch lý: Thu hút đầu tư nước ngoài nhưng thắt chặt kiểm duyệt
Phóng sự của CCTV về cuộc điều tra, khám xét các chi nhánh của Capvision Partners được nhiều chuyên gia diễn giải như một lời cảnh cáo đối với công dân Trung Quốc về những rủi ro tiềm tàng mà họ có thể phải gánh chịu khi hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Còn theo một nhân viên của một văn phòng kiểm toán quốc tế, được AFP trích dẫn hôm 20/05, “các doanh nghiệp chật vật lập kế hoạch bảo vệ nhân viên của họ. Nhưng các định nghĩa lại quá mơ hồ. Không ai biết được là đã vượt qua lằn ranh đỏ hay chưa và cũng chẳng biết lằn ranh đỏ đó nằm ở đâu”.
Do quan hệ Mỹ-Trung đặc biệt căng thẳng về nhiều vấn đề như thương mại, người Duy Ngô Nhĩ hay Đài Loan, Bắc Kinh có vẻ như muốn kiểm soát chặt chẽ hơn những luồng thông tin nhạy cảm. Các giới chức an ninh Trung Quốc dường như tổ chức họp định kỳ trong những năm gần đây để cảnh báo rõ ràng về những lĩnh vực phải tránh trong khuôn khổ điều tra doanh nghiệp, Tân Cương nằm trong số những vùng cấm này.
Theo nhà nghiên cứu Jeremy Daum, trường Luật, Đại học Yale (Mỹ), “Trung Quốc cho là vẫn còn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, nên sẽ vẫn ưu tiên đấu tranh chống các mối đe dọa đó hơn phần còn lại”. Chuyên gia này cho rằng “vào lúc căng thẳng quốc tế tiếp tục gia tăng, tình hình chưa sẵn sàng được cải thiện”.
Thực ra, từ lâu, các cơ quan an ninh vẫn gây áp lực để các lĩnh vực thu thập khối lượng lớn dữ liệu phải chịu kiểm soát chặt chẽ hơn. Và hậu quả sẽ thế nào với luật chống gián điệp sửa đổi ? Luật sư Lester Ross ở Bắc Kinh cho rằng rất khó nói, vì ngay từ đầu, định nghĩa về gián điệp đã rất rộng, cho nên “các doanh nghiệp phải thận trọng hơn rất nhiều trong việc thu thập thông tin” và cẩn thận với nguồn tin của họ. Còn theo nhà nghiên cứu Jeremy Daum, sự mơ hồ này “khiến việc đánh giá rủi ro” của các doanh nghiệp “đôi khi trở nên khó khăn”, nên chung quy là dẫn đến “hiệu quả răn đe”.
Phòng Thương mại Liên Hiệp Châu Âu tại Thượng Hải nhận định với AFP rằng những sự kiện này “gửi một tín hiệu đáng lo ngại và càng khiến các doanh nghiệp nước ngoài có mặt ở Trung Quốc cảm thấy bất trắc hơn. Những sự kiện gần đây không gây dựng niềm tin hay thu hút đầu tư nước ngoài”. Đây là một nghịch lý trong khi Bắc Kinh đặt nhiều tham vọng thu hút vốn nước ngoài, mở rộng giao thương để phục hồi kinh tế, sau thời gian dài đóng cửa chống dịch Covid-19.