Điện ảnh Hàn Quốc vẫn hiện diện đông đảo tại Liên hoan Cannes 2023

Mặc dù không có phim nào trong danh sách tranh giải Cành Cọ Vàng, nhưng điện ảnh Hàn Quốc năm nay tiếp tục hiện diện đông đảo tại Cannes với 7 bộ phim, trong đó có những phim tranh giải trong các hạng mục như Nhãn quan độc đáo, Tuần lễ phê bình, hay Hai tuần lễ đạo diễn.

Đăng ngày: 25/05/2023

\"\"
\"\"
Hình ảnh từ phim Sleep của đạo diễn Hàn Jason Yu. Phim được lọt vào tranh giải tại Tuần lễ phê bình, trong khuôn khổ liên hoan phim Cannes lần thứ 76. © CannesFestival/ La semaine de la critique

Chi Phương

Trong hạng mục Nhãn quan độc đáo, phim « Hopeless » của đạo diễn Kim Chang-hoon nói về hành trình của một chàng trai trẻ, bất chấp tất cả làm mọi thứ để thoát khỏi một cuộc sống nghèo túng đầy bạo lực, nhưng lại quyết định gia nhập vào một băng đảng xã hội đen. Với 12 lần được mời tới Cannes, đạo diễn Hong Sang-soo không phải là một tên tuổi xa lạ với liên hoan điện ảnh danh giá nhất của Pháp. Phim « In our day » của ông đã được chọn để bế mạc giải La Quinzaine des cinéastes (Hai tuần lễ đạo diễn).

Được giới thiệu trong phiên chiếu nửa đêm, không tranh giải, phim kinh dị « Project Silence » của Kim Tae-gon quy tụ nhiều ngôi sao Hàn như Lee Sun-kyu và Ju Ji-hun. Bộ phim là một câu chuyện về sự tồn tại, về những người bị mắc kẹt trên một cây cầu, cố gắng thoát khỏi cuộc tấn công từ những con chó hung dữ do quân đội huấn luyện.

Đáng chú ý nhất là phim của đạo diễn trẻ Jason Yu (Yoo Jae-Sun), lần đầu tiên đến Cannes ra mắt bộ phim dài đầu tay, được lọt vào hạng mục La Semaine de La Critique (Tuần lễ phê bình ), một giải song song với giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan Cannes. Sleep là một bộ phim kinh dị được lấy cảm hứng từ chính giấc ngủ của một cặp vợ chồng đang chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Một người chồng với sự nghiệp điện ảnh bấp bênh, một người vợ hết mực vì gia đình, ủng hộ chồng, với phương châm được khắc trên tấm gỗ treo đầu giường : « Chỉ cần ở cùng nhau thì có thể vượt qua tất cả ». Nhưng rồi một ngày, cuộc sống gia đình tưởng chừng bình yên đó trở thành cơn ác mộng, khi người chồng mắc chứng mộng du và làm những điều quái dị nửa đêm : tự cào mặt, ăn thịt sống, nhét chó vào tủ lạnh… Đón đứa con đầu lòng không còn là niềm vui hay hạnh phúc để sẻ chia, mà trở thành nỗi sợ hãi, căm phẫn đến uất ức của người vợ đối với người chồng mộng du, sợ rằng chính người kề vai ấp gối có thể ra tay làm tổn thương chính đứa con ấy. Giữa y học hiện đại và mê tín dị đoan, Sleep là một bộ phim kinh dị nhưng đạo diễn cũng không ngần ngại đan xen những lời thoại gây cười. Sleep là một cơn ác mộng đến từ cuộc sống thường nhật, là những bí ẩn, giấu sau cánh cửa của mỗi gia đình, là một thông điệp về sự sẻ chia, thông cảm, hiểu nhau.

Tại Cannes, RFI đã có dịp trao đổi với đạo diễn kiêm nhà viết kịch bản Jason Yu, từng có 8 năm hoạt động trong nền nghệ thuật thứ bảy và được biết đến với tư cách là trợ lý của Bong Joon Ho, từng đoạt giải Cành Cọ Vàng và Oscar cho phim xuất sắc nhất với Parasite (Ký sinh trùng).

Xin cảm ơn đạo diễn Jason Yu đã dành thời gian trả lời RFI. Trước tiên, anh có thể cho biết cảm hứng làm một bộ phim kinh dị Sleep đến từ đâu ? Tại sao lại làm một bộ phim về giấc ngủ và mộng du ?

Tôi nghĩ rằng bất cứ ai, vào một lúc nào đó trong cuộc sống, đều có thể vô tình đọc một câu chuyện kinh hoàng về chứng mộng du, có thể là ai đó nhảy khỏi một tòa nhà vì mộng du, lái xe khi đang ngủ, hay làm hại những người mà họ yêu thương. Tôi đã rất sốc khi đọc những tin đó, khiến tôi chú ý đến những câu chuyện này. Tôi đã thử hình dung về cuộc sống hàng ngày của họ như thế nào và quan trọng hơn là cuộc sống của những người thân yêu của họ sẽ ra sao. Bởi vì khi trời tối, khi ta đi ngủ, dường như luôn có một nỗi sợ hãi lờ mờ, về điều gì khủng khiếp, nguy hiểm có thể xảy ra. Những người mà mình yêu thương vào ban ngày thì ban đêm lại trở thành mối đe dọa, dù cho họ có tốt bụng, dịu dàng bao nhiêu đi chăng nữa khi tỉnh thức.

Trong bộ phim, diễn biến tâm lý của nữ chính, người vợ, rất thú vị : Từ một người vợ yêu thương chồng hết mực, dần dần trở nên sợ hãi, phát điên đến mức mà cầm dao cứa cổ người chồng. Anh đã tạo dựng nhân vật này như thế nào?

Khi tôi viết kịch bản, tôi nghĩ rằng có khá nhiều yếu tố đến từ cá nhân tôi được đưa vào trong câu chuyện này. Lúc đó tôi chuẩn bị kết hôn với người bạn gái lâu năm của mình, tôi nghĩ vì vậy mà tôi viết một câu chuyện về hôn nhân. Nhân vật chính là một cặp vợ chồng. Người vợ có chút gì đó giống vợ tôi hiện tại và hình ảnh của tôi cũng hiện hữu đâu đó trong người chồng. Lúc đó tôi thất nghiệp, không có công việc ổn định, tôi không hiểu tại sao cô ấy lại muốn cưới một người như tôi. Cô ấy có công việc ổn định về kinh tế, kiếm được nhiều tiền, nhưng tôi thì mọi người biết là vẫn muốn trở thành một nhà làm phim, vẫn chưa có nhiều thành công. Giống như nữ chính trong phim, vợ tôi có quan điểm là « mọi thứ không quan trọng, tất cả chỉ là những trở ngại cần vượt qua và điều quan trọng là chúng ta ở bên nhau ». Kiểu tâm lý, triết lý về hôn nhân của cô ấy thực sự đã ám ảnh tôi. Tôi vô thức đã đưa những điều đó vào trong nhân vật chính của phim.

Trong bộ phim đầu tay này, anh là đạo diễn nhưng cũng là người kiêm viết kịch bản, liệu điều này có tạo thuận lợi cho quá trình làm phim hay không ?

Đúng vậy, tôi nghĩ rằng tôi không có nhiều lựa chọn khi bắt đầu sự nghiệp đạo diễn ở Hàn Quốc, vì thường họ phải tự viết kịch bản, nếu không thì không ai thuê họ làm phim cả. Đó là yêu cầu cần có để có thể tìm kiếm nhà sản xuất, các hãng làm phim thuê chúng tôi. Tôi nói với họ rằng, tôi có một câu chuyện hay, nhưng để biến nó thành phim, thì cách duy nhất đó là họ phải thuê tôi làm đạo diễn. Đó là cấu trúc của nền công nghiệp điện ảnh này. Đó là lý do tại sao tôi tự viết kịch bản và đạo diễn. Điều mà tôi thấy dễ dàng khi chính tôi là người viết kịch bản, đó là tôi thấy mình là người có quyền cao nhất trong câu chuyện về các nhân vật, cũng như có thể hiểu cách hành động của mỗi nhân vật. Nếu tôi không viết kịch bản thì tôi sẽ kém tự tin hơn và cách diễn giải của tôi về kịch bản sẽ chỉ là cách lý giải của tôi. Nhưng nếu tôi là người viết ra nó, thì đó là câu cuyện của tôi. Do vậy, tôi có thẩm quyền cao nhất để giải thích cho dàn diễn viên, đoàn làm phim về nội dung cũng như cách tạo ra câu chuyện đó.

Jason Yu là một cái tên mới lạ trong điện ảnh, do vậy mọi người khi nhắc đến anh thường gắn thêm mác « trợ lý của Bong Joon Ho ». Anh suy nghĩ như thế nào về điều này ?

Đầu tiên, đó là sự thật và tôi thấy vui vì tôi đã từng làm trợ lý cho đạo diễn Bong, và tôi không phủ nhận điều đó. Kinh nghiệm này giúp tôi rất nhiều về cách làm phim. Tôi từng là một trong các trợ lý của ông ấy trong phim Okja. Tôi rất biết ơn về kinh nghiệm này và tôi cũng biết ơn khi mọi người nghĩ đến tôi như là một người làm phim thú vị, có tiềm năng vì tôi đã từng làm việc với ông ấy. Điều này cũng gây áp lực cho tôi, vì tôi nghĩ rằng cái mác này sẽ khiến mọi người kỳ vọng nhiều, liệu tôi có thể trở thành một đạo diễn thành công hay tài năng như đạo diễn Bong hay không. Theo tôi, điều này là không thể, ông ấy là bậc thầy về điện ảnh với tất cả khả năng sáng tạo. Tôi đáng lẽ ra có thể rất vui, nhưng tôi không phải là người như đạo diễn Bong. Tôi hi vọng rằng phim của tôi sẽ thể hiện tôi là một đạo diễn như thế nào và hy vọng rằng mọi người sẽ thích bộ phim đầu tay này, dù nó được gắn những tên tuổi khác.

RFI xin cảm ơn chia sẻ của đạo diễn Jason Yu. 

Phim Sleep sẽ được ra mắt công chúng tại rạp ở Pháp và Hàn Quốc vào tháng Sáu.

Tại Liên hoan Điện ảnh Cannes lần thứ 76, ngày 22/05, thành phố Busan và Cannes đã kí thỏa thuận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực điện ảnh và nghệ thuật, sáng tạo. Đối với hai thành phố được coi là một trong những trung tâm điện ảnh ở châu Âu và châu Á, thỏa thuận này sẽ thúc đẩy trao đổi văn hóa, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục điện ảnh nghệ thuật, cũng như các dự án hợp tác sản xuất phim giữa hai bên.

Bài Liên Quan

Leave a Comment