Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia (Office of National Statistics-ONS) công bố hôm 25/05/2023 về số người nhập cư đang gây sức ép lên chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak.
Con số vừa công bố cho thấy trong 12 tháng của năm 2022, có tới 1,2 triệu người tới Anh với ý định ở lại để sinh sống, học tập hoặc tỵ nạn.
Số người rời đi là 557 nghìn, gồm 51 nghìn là công dân EU, khẳng định xu hướng đã được báo chí nói tới là vì Brexit và kinh tế kém, Anh không còn hấp dẫn dân EU ở lại.
Con số ròng như thế là 606 nghìn người, cao hơn mức 488 nghìn năm 2021.
Chính phủ của đảng Bảo thủ từng đưa vào cương lĩnh tranh cử của họ cuối 2019 rằng họ sẽ kiểm soát lượng người nhập cư vào Anh ở mức dưới 100 nghìn/năm. Sau đó, chính phủ nói sẽ cố gắng giữ con số dưới 300 nghìn/năm nhưng càng về sau, con số lại càng tăng, không hề giảm.
Một số dân biểu của đảng Bảo thủ cảnh báo chính phủ là tình trạng này có thể dẫn tới \”hỗn loại về di dân\”, khi mà số nhà ở trong tăng, giá thuê nhà, thực phẩm lên chóng mặt.
Các con số trên không tính đến số người vào Anh bất hợp pháp qua đường biển từ châu Âu, mà năm 2022 là ít nhất 76 nghìn.
Bộ Nội vụ Anh cho biết chỉ con số người chờ cứu xét đơn xin tỵ nạn mà chưa được xét lên tới 172.758 người.
Đón người Ukraine, Hong Kong và thân nhân sinh viên Nigeria, Ấn Độ
Ông Jay Lindop, Giám đốc trung tâm di dân quốc tế thuộc ONS giải thích hiện tượng tăng người nhập cư vào Anh là vì \”một loạt sự kiện tầm thế giới xảy ra năm 2022\”.
\”Động lực chính cho dòng người từ các nước ngoài EU vào Anh là để tìm việc làm, để du học và vì lý do nhân đạo: họ đến từ Ukraine và Hong Kong.
Nhiều sinh viên, công nhân nước ngoài quay lại Anh sau dịch Covid, theo ONS.
Theo nhà chức trách Anh, có dấu hiệu số người tới Anh – như để du học – năm 2021 nay đang rời đi.
Ngoài sinh viên mà con số từ Nigeria và Ấn Độ tăng nhanh thì đa số người nhập cư hợp pháp năm 2022 là người tỵ nạn từ Ukraine, và cư dân Hong Kong vào Anh theo quy chế hộ chiếu Anh hải ngoại (British National Overseas-BNO).
Để đối phó với chỉ trích từ các giới khác nhau cho là chính phủ đã \”thất bại\” trong việc kiểm soát biên giới sau Brexit, Bộ Nội vụ Anh vừa công bố lệnh cấm sinh viên trên đại học đón thân nhân sang Anh sống cùng trong thời gian du học.
Đa số những người này học lấy bằng masters một năm, và cho tới gần đây có thể đón vợ hoặc chồng, cùng con nhỏ sang sống cùng ở Anh.
Năm ngoái, trên 135 nghìn visa cho thân nhân sinh viên du học được Anh cấp, nhiều hơn vài lần con số 54.486 hồi 2021 và cao hơn số 19.139 năm 2020 tới bảy lần.
Trong số 135 nghìn, có tới 120 nghìn visa thân nhân của sinh viên được cấp cho công dân năm nước hàng đầu: Nigeria, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka.
Nigeria đứng đầu danh sách \’sinh viên đón thân nhân sang Anh\’, với gần 61 nghìn visa cho thân nhân của họ vào Anh năm 2022.
Tính di dân thế nào cho đúng?
Anh Quốc không chỉ có phi trường Heathrow thuộc loại lớn nhất thế giới mà còn có các tuyến hàng không, hàng hải nối với châu Âu, Bắc Mỹ và các châu lục khác, đón cả trăm triệu lượt khách một năm.
Lưu lượng người ra vào Anh hàng tháng được tính bằng con số 9-10 triệu một tháng. Ví dụ, trước dịch Covid, có 9,7 triệu hành khách hàng không tới Anh chỉ trong tháng 10/2019.
Vì thế, việc đếm số người tới để định cư, tạm cư – tính là 6-12 tháng, không phải là dễ. Người từ Anh cũng di cư ra nước ngoài, hoặc chuyển chỗ ở sang quốc gia khác khá nhiều.
Tổng số người tới với ý định sinh sống, học tập, làm việc (arrival with intention to settle) là con số gốc, không tính du khách, thường được ở Anh tới 90 ngày, tùy hộ chiếu.
Sau đó, nhà chức trách trừ đi số người di cư ra ngoài Anh (emigrants), để có con số ròng, chỉ gồm những người nhập cảnh để ở Anh từ 12 tháng trở lên, theo định nghĩa \’migrant-người nhập cư\’ của Liên Hiệp Quốc.