Tình báo phương Tây: Tin tặc Trung Quốc tấn công cơ sở hạ tầng thiết yếu của Mỹ

Báo cáo của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Mỹ NSA được công bố hôm 24/05/2023 khẳng định Bắc Kinh yểm trợ nhóm tin tặc Volt Typhoon được cho là có các hoạt động nhắm vào « nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu của Hoa Kỳ ». Các chiến dịch tấn công mạng tương tự do Trung Quốc tiến hành có khuynh hướng « mở rộng ra toàn thế giới ». Tập đoàn phần mềm Microsoft báo động căn cứ quân sự Mỹ tại đảo Guam đặc biệt được tin tặc Trung Quốc quan tâm.

Đăng ngày: 25/05/2023

\"\"
\"\"
Camera giám sát ở gần văn phòng của Microsoft ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 20/07/2021. © AP – Andy Wong

Thanh Hà

Trong thông cáo chung, các giới chức đặc trách về an ninh của Mỹ và các đối tác trong nhóm Ngũ Nhãn Five Eyes (gồm Canada, Anh, Úc, New Zealand và Hoa Kỳ) cảnh báo « một nhóm có liên kết với Volt Typhoon, một tổ chức tin tặc được nhà nước Trung Quốc bảo trợ » đã tiến hành hàng loạt chiến dịch nhắm vào « nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu của Mỹ ». Nhóm này có thể « áp dụng những kỹ thuật tương tự đối với toàn thế giới ».

Trong một thông cáo khác, tập đoàn phần mềm của Mỹ Microsoft đi sâu hơn vào chi tiết khi cho rằng, từ giữa 2021, Volt Typhoon đã rất năng động. Đảo Guam, nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự trong vùng Thái Bình Dương, là một trong những mục tiêu chính của nhóm tin tặc này. Mục tiêu của tin tặc Trung Quốc nhằm « gây nhiễu các hệ thông viễn thông chủ chốt giữa Hoa Kỳ với các đối tác châu Á trong trường hợp xảy ra khủng hoảng » ở vùng Thái Bình Dương.

Vẫn theo thông cáo hôm 24/05/2023 của Microsoft, Volt Typhoon đột nhập vào khá nhiều lĩnh vực, như « viễn thông, công nghiệp, dịch vụ công cộng, ngành xây dựng, các hoạt động hàng hải, các cơ quan hành chính của chính phủ, công nghệ thông tin và cả giáo dục ». Tin tặc Trung Quốc dường như vừa do thám, vừa duy trì khả năng để có thể thâm nhập vào các cơ sở thiết yếu của Mỹ mà không bị phát hiện, đồng thời giữ những cổng vào đó « lâu chừng nào tốt chừng nấy ». Volt Typhoon sử dụng một phần mềm cho phép tấn công mà « không để lại vết tích ».

Jen Eastrly, giám đốc Cơ Quan An Ninh Cơ Sở Hạ Tầng và An Ninh Mạng của Mỹ, được AFP trích dẫn, trực tiếp nhắm vào chính quyền Bắc Kinh. Bà khẳng định « từ nhiều năm nay, Trung Quốc tiến hành các hoạt động do thám nhằm đánh cắp bản quyền và giữ liệu nhạy cảm của các tổ chức then chốt trên toàn thế giới ». Trung Quốc « càng lúc càng sử dụng những công cụ tinh vi » để thực hiện mục tiêu này. Giới trong ngành đồng loạt cho rằng qua việc « lột mặt nạ » Volt Typhoon, Mỹ và phương Tây nâng cao khả năng tự vệ trước các hoạt động tin tặc.

Trung Quốc tố cáo Five Eyes « tung tin thất thiệt »

Bắc Kinh đã ngay lập tức có phản ứng. Họp báo hôm 25/5, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh lên án Mỹ và bốn nước đồng minh lao vào một chiến dịch « bóp méo thông tin làm phương hại đến quyền lợi của Trung Quốc ». Theo bà, báo cáo của an ninh Hoa Kỳ căn cứ trên những « thông tin không đầy đủ », nhân viên tình báo của nhóm Ngũ Nhãn hoạt động một cách « thiếu chuyên nghiệp ». Đây không hơn không kém, là một « chiến dịch tập thể do Mỹ khởi động, bóp méo thông tin để phục vụ những mục đích địa chính trị ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment